Áp lực khi Gilimex tiến vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp

Lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn chưa đóng góp đủ lớn để bù đắp mất mát khi Gilimex mất khách hàng Amazon. Doanh nghiệp này vẫn kinh doanh lao dốc và phải cần lượng vốn lớn để tham gia lĩnh vực mới.

Sau biến cố khởi kiện Amazon cuối năm 2022, giới đầu tư hoài nghi về động lực tăng trưởng của Công ty cổ phần Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) khi đã khởi kiện khách hàng đóng góp tới 85% tổng doanh thu của mình, đồng thời để ngỏ khả năng xử lý tồn kho liên quan tới khách hàng lớn lên đến 800 tỷ đồng.

Việc tranh chấp đến nay chưa được giải quyết, tình hình kinh doanh của Gilimex đã cho thấy dấu hiệu lao dốc rõ rệt, Công ty đã trải qua 2 năm tăng trưởng âm, khi năm 2023 ghi nhận lợi nhuận giảm 92,1% về 28,45 tỷ đồng, năm 2024 tiếp tục giảm 8,4% về 26,07 tỷ đồng, hoàn thành 26,07% so với kế hoạch lãi tham vọng 100 tỷ đồng và cách rất xa thời điểm hoàng kim giai đoạn 2020-2022.

Gilimex cho biết, tình hình kinh doanh lao dốc do xuất phát từ nhu cầu khách hàng sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến đơn hàng thay đổi lớn. Trong năm 2024, Gilimex đã thực hiện tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới, không ngừng phát triển sản phẩm và tìm thêm khách hàng.

Trong Báo cáo tài chính năm 2024, Gilimex cũng cho biết, vì gặp khó khăn và bị ảnh hưởng từ vụ kiện với Amazon, Gilimex buộc phải đưa ra quyết định tạm thời thu hẹp quy mô sản xuất trong năm tài chính 2024, dẫn đến việc cắt bớt nhân sự tại nhà máy, giúp giảm thiểu chi phí phát sinh trong kỳ.

Thực tế, trong năm 2024, lĩnh vực bất động sản công nghiệp bắt đầu đóng góp doanh thu cho Gilimex. Trong đó, Công ty cho biết, doanh thu sản xuất ghi nhận 629,2 tỷ đồng, chiếm 88,4% tổng doanh thu; doanh thu kinh doanh bất động sản công nghiệp ghi nhận 82,3 tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng doanh thu.

Bước sang năm 2025, Gilimex lên kế hoạch tham vọng với doanh thu tăng 68,9%, lên 1.200 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 475,4%, lên 150 tỷ đồng. Trong đó, đối với lĩnh vực sản xuất, mục tiêu trong 5 năm tới sẽ lấp đầy công suất cho các nhà máy hiện có.

Riêng đối với lĩnh vực mới là bất động sản công nghiệp, Gilimex sẽ phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex tại Huế với tổng diện tích khoảng 460 ha; phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long với tổng diện tích khoảng 400 ha; phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Nghĩa Hưng (tỉnh Bắc Giang) với tổng diện tích 148,68 ha; phát triển các khu công nghiệp tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam; phát triển dịch vụ để phục vụ cho khu công nghiệp như nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics.

Để có thể thực hiện tham vọng đẩy mạnh phát triển dự án bất động sản công nghiệp và hoạt động sản xuất, Gilimex lên kế hoạch đầu tư 1.800 tỷ đồng trong năm 2025, trong đó 1.100 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và 700 tỷ đồng vay ngân hàng tài trợ vốn hoạt động.

Được biết, tại thời điểm 31/12/2024, Gilimex đang sở hữu 764,6 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 23,4% tổng tài sản; tổng nợ vay là 343,45 tỷ đồng, bằng 13,4% vốn chủ sở hữu và tổng tồn kho vẫn còn tới 1.647 tỷ đồng, bằng 50,5% tổng tài sản.

Kể từ khi mất đi khách hàng lớn là Amazon, Gilimex đã trải qua 3 năm liên tiếp thâm hụt dòng tiền kinh doanh (năm 2022 ghi nhận âm 92,9 tỷ đồng, năm 2023 tiếp tục âm 319,3 tỷ đồng và năm 2024 ghi nhận âm 211,17 tỷ đồng).

Chỉ tính từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2024, tồn kho của Gilimex liên tục tăng, chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu, thành phẩm, chi phí sản xuất dở dang…

Về vấn đề tồn kho, ông Nguyễn Việt Cường, thành viên HĐQT Gilimex chia sẻ, tồn kho liên quan tới Amazon lên tới 800 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm, đặc biệt, nhiều hàng chỉ dùng cho khách hàng Amazon.

Có thể thấy, Gilimex vẫn đang gặp rủi ro liên quan tới tồn kho sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách hàng Amazon và nếu việc khởi kiện không mang lại kết quả tích cực, đây có thể là rủi ro liên quan tới trích lập dự phòng trong tương lai.

Đối với lĩnh vực mới là bất động sản công nghiệp, Gilimex cho biết, Dự án Khu công nghiệp Gilimex tại Huế sẽ hoàn thành phân khu A, đưa vào vận hành đầu quý IV/2025, dự kiến đưa một phần phân khu B vận hành trong quý IV/2025. Với các dự án khác, Công ty vẫn đang trong giai đoạn thi công, hoàn thành hồ sơ pháp lý và chưa có kế hoạch đưa vào vận hành trong năm 2025.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán DSC, Gilimex đã chuyển hướng tập trung phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp. Tuy nhiên, các dự án tại khu vực miền Trung của Gilimex chưa thật sự hấp dẫn như các khu vực khác, do hạn chế về vị trí địa lý.

Chính vì vậy, dù tham gia lĩnh vực bất động sản công nghiệp đầy tiềm năng, nhưng với vị trí địa lý không quá thuận lợi, việc thu hút nhà máy tới khu công nghiệp đang là bài toán đối với Gilimex.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ap-luc-khi-gilimex-tien-vao-linh-vuc-bat-dong-san-cong-nghiep-d261807.html