Áp lực kinh tế của các tân sinh viên

Năm học mới đang đến gần, thay vì niềm háo hức, nhiều sinh viên đang đối mặt với áp lực kinh tế ngày càng lớn. Việc chi trả học phí, thuê trọ và các chi phí sinh hoạt đang trở thành gánh nặng đối với các em, đặc biệt là những sinh viên đến từ các gia đình ở nông thôn, có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học trên cả nước đã công bố học phí của năm học 2024 - 2025. Đúng như lộ trình mỗi năm tăng từ 8 -10%, hiện mức học phí mới của các trường đều tăng từ 1 đến vài triệu đồng so với năm học trước. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều sinh viên phải làm thêm nhiều giờ hơn, thậm chí là vay nợ để trang trải chi phí học tập.

Nguyễn Minh Anh, sinh viên năm thứ hai tại Hà Nội, chia sẻ: "Học phí mỗi kỳ đã gần gấp đôi so với năm đầu tiên. Mỗi lần nghĩ đến việc phải nộp học phí, bản thân em lại lo lắng không biết có đủ tiền để trả không, hay phải xin thêm từ gia đình vốn đã khó khăn."

Tăng học phí là áp lực không nhỏ lên các tân sinh viên

Tăng học phí là áp lực không nhỏ lên các tân sinh viên

Không chỉ có học phí, giá thuê trọ tại các khu vực trung tâm tập trung nhiều trường đại học như quận Cầu Giấy, quận Đống Đa cũng đang có xu hướng tăng cao. Với mức giá thuê trọ dao động từ 2-5 triệu đồng/tháng cho một phòng trọ trung bình, việc tìm kiếm một chỗ ở phù hợp với túi tiền trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, giá cả sinh hoạt, bao gồm thực phẩm, đi lại và các vật dụng cần thiết cũng không ngừng leo thang. Nhiều sinh viên phải cắt giảm các khoản chi tiêu cá nhân, thậm chí là ăn uống để tiết kiệm.

Nhiều sinh viên chọn làm thêm để giảm áp lực về tài chính

Nhiều sinh viên chọn làm thêm để giảm áp lực về tài chính

Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên, nhiều trường đại học đã triển khai các chính sách hỗ trợ sinh viên, như mở rộng quỹ học bổng, giảm học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hay tổ chức các chương trình hỗ trợ tìm việc làm thêm. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề.

Một năm học mới đang đến gần, để giúp các bạn sinh viên yên tâm học tập rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý và xã hội nhằm đưa ra những giải pháp tháo gỡ áp lực kinh tế cho nhóm đối tượng này như kiểm soát chặt chẽ mức học phí, hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các dịch vụ tài chính an toàn... Chỉ bằng nhưng cách làm đó, sinh viên mới có thể giảm bớt áp lực tài chính và tập trung toàn tâm, toàn ý vào việc học tập và phát triển bản thân.

Minh Thơm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ap-luc-kinh-te-cua-cac-tan-sinh-vien-258861.htm