Áp lực lạm phát gia tăng, ECB thận trọng với kế hoạch giảm lãi suất
Ở thời điểm hiện tại, giới giao dịch tài chính dự báo 85% khả năng ECB sẽ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 6.

Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 4 vẫn ở mức 2,2%, không đổi so với tháng 3 nhưng sẽ làm phức tạp thêm việc xem xét cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6 tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong bối cảnh khu vực đang phải chuẩn bị cho tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, đây là tháng thứ 6 liên tiếp lạm phát tại Eurozone cao hơn mức mục tiêu 2% và nhỉnh hơn so với mức dự báo 2,1% của các chuyên gia kinh tế. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm luôn biến động mạnh, tăng lên mức 2,7% từ mức 2,4% của tháng trước đó và cao hơn mức kỳ vọng của các nhà kinh tế là 2,5%.
Trong khi đó, lạm phát dịch vụ - một số liệu luôn được giới tài chính theo dõi chặt chẽ và được ECB coi là thước đo quan trọng về áp lực giá trong khối - tăng lên mức 3,9%, từ mức 3,5% trong tháng 3.
Các nhà phân tích tại Capital Economics cho rằng lạm phát dịch vụ tăng có thể không khiến các quan chức ECB quá lo lắng, vì yếu tố gây tăng giá dịch vụ trong giai đoạn này chủ yếu do hoạt động khách sạn, nhà hàng và dịch vụ du lịch tăng mạnh trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh, không có khả năng cản trở các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo.
Ở thời điểm hiện tại, giới giao dịch tài chính dự báo 85% khả năng ECB sẽ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 6 và sẽ có thêm 2 hoặc 3 lần cắt giảm tương tự vào cuối năm nay.
Sau khi dữ liệu kinh tế cập nhật của Eurozone được công bố, trái phiếu chính phủ ngắn hạn của khu vực này - vốn nhạy cảm với những thay đổi về kỳ vọng lãi suất - đã giữ được sự ổn định. Lợi suất trái phiếu Bund của Đức kỳ hạn 2 năm chỉ tăng 0,04 điểm phần trăm, lên mức 1,74%.
ECB bắt đầu hạ lãi suất từ mùa Hè năm ngoái, sau thời gian dài nỗ lực kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng chưa từng có do tác động của đại dịch COVID-19 khiến lạm phát đạt đỉnh 10,6%.
Tháng trước, ngân hàng này quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất, xuống còn 2,25%, do lo ngại căng thẳng từ thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế. Trong 3 tháng đầu năm nay, kinh tế Eurozone đạt mức tăng trưởng 0,4%, tốt hơn dự kiến nhưng chưa đủ mạnh để có thể chống chịu được với những tác động từ căng thẳng thương mại toàn cầu do chính sách thuế quan của Mỹ gây ra.