Áp lực nghề thầy thuốc trong trại giam

Hằng ngày đối diện với những bệnh nhân 'mang áo số' mắc nhiều loại bệnh nguy hiểm như HIV, lao phổi..., các cán bộ y tế ở Trại tạm giam Công an tỉnh vẫn luôn tận tâm chăm sóc y tế và cảm hóa họ.

Vất vả, nguy hiểm, áp lực, nhưng các y, bác sĩ trong Trại tạm giam Công an tỉnh vẫn ngày đêm tận tụy bên những bệnh nhân đặc biệt với hy vọng có thể cứu chữa, cảm hóa những mảnh đời lầm lỗi.

Vất vả chăm sóc

Chúng tôi đến Trại tạm giam Công an tỉnh vào chiều một ngày tháng 5, theo bác sĩ, trung tá Vương Mạnh Hùng, Tổ trưởng Tổ y tế tới thăm khám cho một số can phạm ở khu vực dành cho nam. Đôi mắt của can phạm lờ đờ, cử chỉ chậm chạp khiến chúng tôi nghi ngại. Thế nhưng, bác sĩ Hùng vẫn ân cần, cầm tay can phạm đo huyết áp, hỏi thăm cặn kẽ về bữa ăn, giấc ngủ. Lát sau, bác sĩ Hùng nói với chúng tôi: "Can phạm bị nhiễm HIV, mất niềm tin vào cuộc sống nên họ ít khi giữ được bình tĩnh lắm".

Ít ai biết công việc nguy hiểm ấy lại là việc thường ngày của các cán bộ y tế ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Họ còn phải tới từng buồng giam, khu giam để kiểm tra sức khỏe cho các can phạm và phạm nhân. Bác sĩ Hùng cho biết nếu ở bệnh viện, bệnh nhân thường hợp tác với bác sĩ trong việc chăm sóc, điều trị thì ở đây ngược lại. Trại tạm giam là nơi tạm giữ, tạm giam các đối tượng vừa phạm tội, đa số tâm lý chưa ổn định. Cách đây 2năm, phạm nhân tên Hưng ở TPHải Dương vào trại trong tình trạng mắc bệnh viêm xương. Khi được phát thuốc chữa bệnh, Hưng cầm thuốc ném vào mặt cán bộ y tế. Hắn còn dùng những lời lẽ xúc phạm, dọa dẫm. Với trường hợp này, các y, bác sĩ trong trại giam phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ, tâm lý để điều trị. Nửa tháng sau, Hưng mới chịu uống thuốc do bác sĩ cấp phát.

Số can phạm, phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh đã sử dụng ma túy chiếm tới 70%. Ngoài mắc các bệnh lý thông thường, trại giam có 20 trường hợp nhiễm HIV, 3 trường hợp mắc bệnh lao phổi. Theo điều dưỡng, thiếu úy Lê Thị Thanh Nhàn, việc chăm sóc cho can phạm, phạm nhân đã khó, với những trường hợp bị nhiễm HIV càng khó khăn hơn. Lúc mới nhận nhiệm vụ ai cũng ái ngại vì chỉ cần chút sơ sẩy thì khả năng lây nhiễm rất cao. Có những phạm nhân vào trại trong tình trạng lở loét toàn thân nhưng hằng ngày các cán bộ y tế vẫn phải vào thăm khám. Quan trọng nhất là phải nắm bắt tâm lý của từng trường hợp để thuyết phục, khuyên nhủ. Có phạm nhân tuyệt vọng một mình gặm nhấm nỗi đau, kẻ thì khắc khoải mong chờ một phép màu để được tồn tại dù thời gian chỉ tính bằng ngày, giờ. Việc chăm sóc cho tử tù cũng vô vàn khó khăn. Dù liều lĩnh, manh động nhưng khi mang bản án tử họ vẫn lo lắng, hoảng loạn. Vì thế, các cán bộ y tế phải dùng cái tâm để cảm hóa họ. "Họ phạm tội đã có pháp luật trừng trị. Đối với chúng tôi họ vẫn là bệnh nhân, cần được quan tâm, chăm sóc", điều dưỡng Nhàn nói.

Không ít trường hợp ra tù vào tội, lại mắc trọng bệnh nên gia đình ruồng bỏ, phó mặc cho trại giam. Vì thế, cán bộ y tế còn trở thành người thân săn sóc họ. Nhiều phạm nhân ốm nặng, có suy nghĩ tiêu cực, các y, bác sĩ phải giám sát, động viên để họ uống thuốc. Lấy tình thương để cảm hóa, giáo dục giúp họ cải tạo tốt, sớm hoàn lương. Từ chỗ đối đầu, bất hợp tác, các can phạm, phạm nhân dần xem cán bộ y tế như người thân.

Cán bộ y tế Trại tạm giam (Công an tỉnh) thăm khám cho phạm nhân

Cán bộ y tế Trại tạm giam (Công an tỉnh) thăm khám cho phạm nhân

"Bắt bệnh" với trường hợp "giả bệnh"

Sự vất vả không chỉ dừng lại ở chăm sóc, điều trị mà các y, bác sĩ còn phải đối phó với những trường hợp can phạm, phạm nhân giả bệnh. Theo bác sĩ Hùng, nhiều trường hợp chỉ muốn được ra ngoài hưởng chút không khí tự do nên đã nghĩ ra hàng trăm chiêu trò hay cố tình hủy hoại mình để đạt mục đích thoát tội. Có phạm nhân lại quậy phá, la hét, ôm bụng quằn quại kêu đau giữa đêm khuya. Có đối tượng dùng răng cắn má bên trong cho chảy máu rồi giả vờ ho ra máu. Hay bằng cách nào đó, đối tượng nhét một viên tỏi vào hậu môn hoặc nuốt lưỡi lam nhằm gây sát thương để được đưa đến viện điều trị. Một số phạm nhân còn lười lao động nên thường bịa ra lý do ốm để trốn lao động cải tạo. Những ngày trời mưa, gió rét, cán bộ y tế trực đêm phải xuống buồng giam kiểm tra tới 4-5 lần. “Trường hợp huyết áp cao còn có thể kiểm tra được bằng máy. Những can phạm, phạm nhân kêu đau bụng hay giả điên thì rất khó phán đoán. Những lúc như vậy, người thầy thuốc trong trại giam phải tỉnh táo, dựa vào kinh nghiệm, kiến thức của mình để đấu tranh chống hành vi gian dối”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Xác định đâu là "bệnh thật", "bệnh giả" cũng gây không ít áp lực cho cán bộ y tế trại giam. Nếu chẩn đoán sai, phạm nhân không ốm mà cho đi viện, rất có thể sẽ lợi dụng cơ hội này để bỏ trốn. Nhưng nếu bệnh nhân mắc bệnh nặng mà không đi chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của họ.

4 năm trước, có phạm nhân nữ giả điên tên Yến quê ở tỉnh Thanh Hóa. Yến bị bắt về tội cướp tài sản, từ khi vào trại đối tượng này liên tục quậy phá. Yến còn suốt ngày la hét rồi lại lảm nhảm nói chuyện một mình. Bằng kinh nghiệm, bác sĩ Hùng đã nhận thấy những dấu hiệu bất bình thường trong hành động, cử chỉ của Yến nên đề xuất đưa phạm nhân này đi giám định pháp y tâm thần. Sau khi có kết luận của bệnh viện, Yến mới chịu khai rằng vì bí bách nên đã giả bệnh để được ra bên ngoài. Sau lần giả bệnh bất thành, Yến đã tập trung cải tạo tốt.

Trách nhiệm cao

Gắn bó 11 năm trong nghề, điều dưỡng, thiếu úy Lê Thị Thanh Nhàn có không ít kỷ niệm buồn, vui. Điều dưỡng Nhàn chia sẻ bản thân không nhớ hết những lần bị các can phạm, phạm nhân trêu ghẹo, hăm dọa, chống đối... "Ban đầu mới vào nghề tôi cũng hoang mang, lo lắng lắm. Bản thân tiếp xúc với nhiều can phạm, phạm nhân với nhiều loại bệnh khác nhau, không ít trường hợp lại rất tinh vi, xảo quyệt". Có đêm trực ở trại có tới 3-4 trường hợp cấp cứu nên cán bộ y tế phải thức trắng đêm. Hễ nghe tin can phạm, phạm nhân ốm đau là phải có mặt kịp thời. Vì công tác trong một ngành đặc thù, thời gian chị Nhàn dành cho gia đình, chồng con rất ít. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi: "Công việc vất vả, đặc thù như vậy liệu chị đã từng nghĩ bỏ công việc này chưa?", thiếu úy Nhàn chỉ mỉm cười đáp lại chúng tôi bằng cái lắc đầu.

Với phương châm can phạm, phạm nhân cũng là người bệnh nên các cán bộ y tế không ngại khó, ngại khổ, tận tụy bên những bệnh nhân "mang áo số". Thượng tá Trần Đình Hưởng, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc khám bệnh cho các can phạm, phạm nhân còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Việc cấp phát phương tiện bảo hộ cho nhân viên y tế và cán bộ quản giáo chưa được kịp thời, đầy đủ. Tổ Y tế của Trại tạm giam Công an tỉnh hiện có 8cán bộ nhưng đảm nhận việc khám, chăm sóc sức khỏe cho hơn 700 can phạm, phạm nhân. Khó khăn là thế nhưng việc chăm sóc sức khỏe cho họ luôn được quan tâm. Ngay từ khi can phạm, phạm nhân bị đưa vào trại, cán bộ y tế đã thực hiện kiểm tra sức khỏe, dấu vết thân thể, qua đó sàng lọc từng nhóm đối tượng. Những phạm nhân ốm đau thông thường sẽ được cấp thuốc, điều trị ngay. Những can, phạm nhân có bệnh vượt quá khả năng điều trị sẽ đề xuất đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, điều trị. Hiện tại có 11 can phạm, phạm nhân đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh...

Hằng quý, Trại tạm giam Công an tỉnh phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh lấy máu can phạm, phạm nhân để xét nghiệm HIV. Nhờ thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, số can phạm, phạm nhân chết trong trại giảm rõ rệt. Năm 2019, Trại tạm giam Công an tỉnh không có một trường hợp nào chết trong trại. Trước đó, trung bình mỗi năm luôn có 4-6can phạm, phạm nhân chết do bệnh tật, đột tử...

Can phạm Nguyệt ở Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: "Tôi bị u xơ cổ tử cung đã được các bác sĩ cấp thuốc, hướng dẫn cách chăm sóc bản thân để nhanh khỏi bệnh. Chẳng kể ngày hay đêm, hễ ai đau ốm, các cán bộ y tế trong trại đều có mặt kịp thời để kiểm tra".

Người thầy thuốc trong trại giam đều có chung lòng yêu nghề, trách nhiệm cao với công việc, cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời lầm lỡ. "Niềm vui của mỗi cán bộ y tế trong trại giam là khi các bệnh nhân yên tâm cải tạo. Còn ai cũng đau đớn khi phải chứng kiến giây phút cuối đời của nhiều phạm nhân trong sự cô đơn, tủi cực", trung tá Hùng chia sẻ.

Phải chứng kiến các y, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh làm việc, chúng tôi phần nào hiểu được áp lực, hiểm nguy mà những người thầy thuốc trong trại giam đang phải đối mặt. Dưới nắng chiều còn gay gắt, các y, bác sĩ của Trại tạm giam Công an tỉnh lại tất bật bắt tay vào công việc thăm khám cho các can phạm, phạm nhân.

THẢO NGUYỄN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/ap-luc-nghe-thay-thuoc-trong-trai-giam-137067