Áp lực nợ xấu bào mòn lợi nhuận ngân hàng OCB quí I/2025

Áp lực nợ xấu cùng chi phí gia tăng khiến lợi nhuận trước thuế quý I/2025 của OCB chỉ đạt xấp xỉ 900 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng gây sức ép lên lợi nhuận toàn ngành ngân hàng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực.

Với tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 3,9% cùng áp lực chi phí dự phòng rủi ro ngày càng lớn, OCB đang đối diện với nhiều thách thức khi nền kinh tế vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt.

Dù vừa đặt ra mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cho năm 2025, báo cáo tài chính quý I cho thấy lợi nhuận trước thuế của OCB chỉ đạt 893 tỷ đồng, giảm mạnh 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chất lượng tài sản suy giảm

Tính đến ngày 31/3/2025, dư nợ xấu tại OCB (chưa tính phần nợ đang chờ xử lý tài sản đảm bảo) đã tăng hơn 1.400 tỷ đồng, tương đương mức tăng 27% so với đầu năm, nâng tổng dư nợ xấu lên 6.850 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ nhóm 3 tăng gấp rưỡi, nợ nhóm 4 tăng 30%, còn nợ nhóm 5 tăng 15%, riêng nhóm này chiếm tới 44% tổng dư nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vì vậy đã vọt lên 3,9%, so với mức 3,17% hồi đầu năm. Nếu tính thêm cả phần nợ đang chờ xử lý tài sản đảm bảo, tỷ lệ này ước tính lên tới 4,56%.

Theo báo cáo cập nhật của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chất lượng tài sản của OCB đang có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Nợ xấu hình thành ròng trong quý I/2025 tăng lên hơn 1.600 tỷ đồng, so với mức 1.100 tỷ đồng trong quý trước.

Một tín hiệu tiêu cực khác là tỷ lệ bao phủ nợ xấu (bao gồm cả phần nợ chờ xử lý tài sản đảm bảo) đã giảm mạnh xuống còn 30,5% — mức thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay.

Tình trạng nợ xấu gia tăng khiến tỷ lệ bao phủ bị bào mòn, buộc OCB phải gia tăng trích lập dự phòng trong các quý tiếp theo nếu muốn duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới ngưỡng 3%.

Nợ xấu của OCB tăng mạnh những kỳ gần đây, trong bối cảnh nhà băng đẩy mạnh dư nợ cho vay bất động sản.

Báo cáo tài chính năm 2024 của ngân hàng ghi nhận dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản của OCB tăng thêm tới 16.000 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 29.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm - mức cao nhất nhiều năm qua.

Cho vay bất động sản trở thành lĩnh vực có dư nợ lớn thứ hai trong cơ cấu cho vay của OCB, chỉ xếp sau cho vay mua ô tô.

Nhìn vào cơ cấu cho vay, tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ của OCB đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua, từ mức 8,5% của năm 2023 lên mức gần 17% tổng dư nợ vào năm 2024.

Lợi nhuận xuống dốc

Áp lực nợ xấu cùng chi phí vận hành gia tăng là hai yếu tố chính kéo lợi nhuận quý I/2025 của OCB đi xuống. Lợi nhuận trước thuế đạt 893 tỷ đồng, giảm 26,5%, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 25,3%, xuống còn 712 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động gần như không tăng so với cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động lại tăng 15,4%, từ 869 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 1.270 tỷ đồng, giảm 10,4%.

Dù vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực. Thu nhập lãi thuần đạt 2.164 tỷ đồng, tăng 13,8%, nhờ phần thu nhập lãi tăng mạnh (611 tỷ đồng) vượt xa chi phí lãi (349 tỷ đồng).

Mảng dịch vụ cũng tăng trưởng khả quan, đạt 131 tỷ đồng, tăng 9,4%.

Ngược lại, các mảng ngoài lãi lại diễn biến kém tích cực. Tổng thu nhập ngoài lãi chỉ đạt 110 tỷ đồng, giảm mạnh 72% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối giảm tới 94%, hoạt động chứng khoán kinh doanh giảm 56,5%, và các hoạt động khác giảm 46%. Đặc biệt, mảng chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ 100 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 15 tỷ đồng trong quý I/2024.

Sau năm 2024 bùng nổ tín dụng, bước sang quý I/2025, tín dụng của OCB tăng trưởng chậm lại khi cho vay khách hàng tăng trưởng 2,5% so với cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng vọt từ 204 tỷ đồng lên 378 tỷ đồng.

Duy trì tham vọng tăng trưởng cao

Bất chấp tăng trưởng trong quý đầu năm có dấu hiệu chậm lại và sự sụt giảm mạnh về chất lượng tài sản, OCB vẫn đặt mục tiêu đầy tham vọng trong năm 2025.

Tại đại hội đồng cổ đông 2025, ngân hàng dự kiến tổng tài sản sẽ đạt 316.800 tỷ đồng, tăng 13%. Huy động từ thị trường 1 đạt 218.800 tỷ đồng, tăng 14%, trong khi dư nợ thị trường 1 đạt 208.500 tỷ đồng, tăng 16%.

Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 5.340 tỷ đồng - tăng tới 33% so với năm 2024. Đồng thời, ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Để đạt được các mục tiêu này, OCB sẽ tập trung vào tăng trưởng thu nhập cốt lõi, nâng cao tỷ trọng thu nhập từ phí và CASA, đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng chuẩn quản trị rủi ro Basel, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đáng chú ý, năm 2025, cũng sẽ là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Dự kiến tổng lợi ích cổ đông nhận được là 15% thông qua chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ và tiếp tục trình tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 8%.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ap-luc-no-xau-bao-mon-loi-nhuan-ngan-hang-ocb-qui-i-2025-d40134.html