Áp lực sinh tồn

Cách đây không lâu, ở một vùng nọ của Mỹ, để bảo vệ đàn hươu trong rừng, người ta đã tiêu diệt hết chó sói, kết quả là đàn hươu mỗi năm một giảm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thì ra, sau khi không còn chó sói, đàn hươu rất ít phải chạy trốn, nên sức đề kháng bệnh tật thấp, trong khi đó, tỉ lệ sinh sản tăng dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn. Và, người dân bản địa phải dẫn dụ chó sói từ nơi khác đến. Cuối cùng, để không bị sói ăn thịt, đàn hươu phải thường xuyên vận động linh hoạt và hồi phục sức sống.

Có một triết lý trong kinh doanh: Nếu không có áp lực lớn, không có cảm giác nguy hiểm, nhân viên trong doanh nghiệp sẽ mất động lực sinh tồn. Áp lực của sự sinh tồn khiến con người phải nỗ lực vươn lên. Các CEO có thể vận dụng tâm lý đó, tuyển những người mới, có năng lực để cạnh tranh với người cũ và những người cũ phải nỗ lực nâng cao năng lực, làm tốt công việc của mình. Nhờ "dụ sói vào đàn hươu", CEO sẽ đạt được mục đích tự đào tạo nhân viên.

Misawa Chiyoji - Tổng giám đốc Tập đoàn Misawa của Nhật Bản - rất thấu hiểu về nghệ thuật đào tạo con người. Ông cho rằng, nếu nhân sự trong một doanh nghiệp không thay đổi trong thời gian dài thì doanh nghiệp đó sẽ thiếu đi sự năng động, dễ sinh ra trì trệ, nếu tuyển thêm người có trình độ cao sẽ tạo ra không khí khẩn trương, doanh nghiệp sẽ có thêm sinh khí.

Vì vậy, hàng năm Misawa đều tuyển dụng một số nhất định nhân viên trẻ tuổi nhanh nhẹn, tháo vát, tư duy nhanh nhạy, khiến nhân viên trong công ty đều cảm thấy áp lực lớn. Nhờ đó, nội bộ công ty luôn duy trì không khí hăng hái vươn lên, năng lực của nhân viên được nâng cao.

"Dụ sói vào đàn hươu" không phải là chuyện "có mới nới cũ" mà là một bí quyết giúp nhân viên luôn có động lực phát triển. Dĩ nhiên, đừng dại dột tuyển quá nhiều sói!

Minh Hạnh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/ap-luc-sinh-ton.html