Thêm một bài kiểm tra màu sắc gây tranh cãi

Một nhà khoa học thần kinh đã tạo ra bài kiểm tra giữa hai màu xanh lam và xanh lục để xem nhận thức của mọi người khác nhau như thế nào.

 Bài kiểm tra sắc xanh của Patrick Mineault làm bùng nổ nhiều ý kiến khác nhau trên mạng xã hội. Ảnh: ismy.blue.

Bài kiểm tra sắc xanh của Patrick Mineault làm bùng nổ nhiều ý kiến khác nhau trên mạng xã hội. Ảnh: ismy.blue.

Patrick Mineault, nhà khoa học thần kinh thị giác, và vợ ông, Marissé Masis-Solano, bác sĩ nhãn khoa, tranh cãi về về màu sắc của một chiếc chăn trong nhà. Anh thấy chăn có màu xanh lá cây, trong khi vợ anh khẳng định nó có màu xanh lam.

Mineault, đồng thời cũng là một lập trình viên, nhân cơ hội này đã thiết kế một bài kiểm tra phân biệt màu sắc đơn giản. Anh cho ra đời ismy.blue, trang web hiển thị các sắc xanh khác nhau để hỏi người dùng nhận thức xem màu sắc trên màn hình là màu xanh lục hay màu xanh lam. Càng về sau, các sắc thái dần trở nên khó phân biệt hơn.

Sau đó, trang web sẽ cho người dùng biết nhận thức sắc xanh của họ so với những người khác đã tham gia bài kiểm tra như thế nào, theo The Guardian.

 Một người có thể nhìn ra nhiều sắc xanh lam hơn người khác. Ảnh minh họa: Guardian Design.

Một người có thể nhìn ra nhiều sắc xanh lam hơn người khác. Ảnh minh họa: Guardian Design.

Hàng triệu lượt truy cập

Theo nhà khoa học Mineault, câu hỏi liệu mọi người có nhìn thấy cùng một màu sắc hay không đã là chủ đề được các nhà triết học và nhà khoa học quan tâm trong nhiều thế kỷ.

"Nhận thức của mọi người thật khó để diễn tả và thật thú vị khi thấy được rằng chúng ta có những quan điểm khác nhau", anh nói.

Chẳng hạn, ranh giới xanh lam - xanh lục của một người nào đó có thể nghiêng về phía xanh lam hơn 78% những người khác.

Điều này có nghĩa là những gì họ nhìn thấy là màu xanh lục thực tế có thể là màu xanh lam đối với đa số mọi người.

Thiết kế đơn giản và thân thiện với người dùng của ismy.blue, kết hợp với kết quả trực quan của bài kiểm tra đã nhanh chóng thu hút đông đảo sự chú ý. Kể từ khi ra mắt vào đầu tháng 8, trang web đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt truy cập.

 Chiếc váy gây tranh cãi năm 2015. Ảnh: Roman Originals.

Chiếc váy gây tranh cãi năm 2015. Ảnh: Roman Originals.

Mineault không quá ngạc nhiên khi trang web trở nên nổi tiếng vì anh hiểu rằng mọi người thường tò mò về góc nhìn của người khác.

Nhiều người vẫn còn nhớ những cuộc tranh luận sôi nổi về chiếc váy gây bão mạng xã hội năm 2015. Khi đó, một số cho rằng nó có màu trắng và vàng, trong khi những người khác lại nhìn ra màu xanh và đen.

 Cách chúng ta cảm thụ màu sắc bị ảnh hưởng bởi không ít yếu tố bên ngoài. Ảnh minh họa: Georgy Ivanov/Pexels.

Cách chúng ta cảm thụ màu sắc bị ảnh hưởng bởi không ít yếu tố bên ngoài. Ảnh minh họa: Georgy Ivanov/Pexels.

Kết quả có thể thay đổi

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là kết quả của ismy.blue cũng có hạn chế.

Các yếu tố như kiểu máy và tuổi của điện thoại hoặc máy tính, cài đặt hiển thị, điều kiện ánh sáng, thời gian trong ngày và thậm chí màu nào được hiển thị đầu tiên trong bài kiểm tra đều sẽ có thể ảnh hưởng đến các chúng ta nhận biết màu sắc.

Chế độ ban đêm có thể làm tăng sắc đỏ của màn hình thiết bị hiển thị, khiến màu xanh lam trông giống xanh lục hơn.

Để xem liệu điều này có ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm hay không, Mineault đã tách dữ liệu từ bài kiểm tra thành hai nhóm: thực hiện trước hoặc sau 18h. Sự khác biệt được thể hiện rõ rõ ràng, đặc biệt trên các thiết bị có tích hợp chế độ ban đêm.

Thực tế, sự thay đổi nhỏ nhất trong môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến nhận thức màu sắc của mỗi người. Đó là lý do các nhà nghiên cứu thị giác rất cẩn thận khi thiết kế các thí nghiệm màu sắc.

 Ranh giới xanh lam-xanh lục của một người nào đó có thể nghiêng về phía xanh lam hơn 78% những người khác. Ảnh: ismy.blue.

Ranh giới xanh lam-xanh lục của một người nào đó có thể nghiêng về phía xanh lam hơn 78% những người khác. Ảnh: ismy.blue.

Như vậy, ismy.blue đem lại lợi ích gì nếu kết quả có thể thay đổi nhiều như vậy? Suy cho cùng, mục đích của bài kiểm tra chỉ là giải trí. Nhưng nếu mọi người muốn có kết quả nhất quán hơn, nhà khoa học Mineault gợi ý nên thực hiện bài kiểm tra với những người khác trên cùng một thiết bị.

Theo cách này, mọi người sẽ ở trong cùng điều kiện ánh sáng và sử dụng cùng một thiết bị, giúp đảm bảo kết quả có thể so sánh được chính xác hơn. Mặc dù Mineault không có bất kỳ ý định công bố kết quả kiểm tra, ismy.blue vẫn là một ví dụ tuyệt vời về việc công chúng tham gia vào khoa học.

Ví dụ, kể từ năm 2010, hàng chục nghìn người đã chơi trò chơi giải đố trực tuyến Fold.it. Việc này giúp các nhà khoa học tại Đại học Washington (Mỹ) giải quyết các vấn đề phức tạp về gấp protein.

Hay ứng dụng di động Sea Hero Quest được ra đời nhằm mục đích tìm hiểu thêm về khả năng điều hướng ở những người mắc chứng mất trí, đã có hơn 4 triệu người chơi trước khi thử nghiệm kết thúc vào năm 2017.

 Ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến cách mỗi người nhận thức màu sắc. Ảnh minh họa: Athena Sandrini/Pexels.

Ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến cách mỗi người nhận thức màu sắc. Ảnh minh họa: Athena Sandrini/Pexels.

Ảnh hưởng của ngôn ngữ

Đa số sự khác biệt trong nhận thức màu sắc bắt nguồn từ đặc điểm sinh lý như mù màu, chứng bệnh ảnh hưởng đến một trong mỗi 10 nam giới và một trong mỗi 100 phụ nữ. Tuy nhiên, chúng có thể liên quan đến các khía cạnh của văn hóa hoặc ngôn ngữ.

Giả thuyết Sapir-Whorf (được đặt tên theo hai nhà ngôn ngữ học đề xuất nó là Edward Sapir và Benjamin Whorf), hay thuyết tương đối ngôn ngữ (linguistic relativity) cho rằng ngôn ngữ chúng ta nói ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và nhận thức thế giới.

Chẳng hạn, người Inuit có nhiều từ khác nhau để chỉ "tuyết", điều này phản ánh cách nền văn hóa của họ nhận thức và hiểu "tuyết" chi tiết hơn so với các nền văn hóa khác.

Mặc dù lý thuyết này vẫn tiếp tục được tranh luận sôi nổi trong ngôn ngữ học, tâm lý học và triết học, ngôn ngữ thực chấ vẫn ảnh hưởng đến cách chúng ta truyền đạt ý tưởng.

Ví dụ, tiếng Hy Lạp cổ đại không có từ cụ thể nào cho "màu xanh lam", đó là lý do tác giả Homer miêu tả biển là "màu rượu vang sẫm" trong tác phẩm The Odyssey của mình. Mặt khác, tiếng Nga có các từ riêng biệt cho màu xanh nhạt và màu xanh đậm.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mặc dù vốn từ vựng miêu tả màu sắc phong phú có thể giúp mọi người ghi nhớ màu sắc tốt hơn, điều đó không nhất thiết làm thay đổi cách họ thực sự cảm thụ chúng.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/them-mot-bai-kiem-tra-mau-sac-gay-tranh-cai-post1498611.html