Áp lực tăng học sinh mỗi năm, Tp.HCM cấp bách xây thêm trường học
Kỳ họp thứ X của HĐND Tp.HCM đã quyết định nhiều dự án cho ngành giáo dục trước áp lực dân số khiến sĩ số học sinh chưa đáp ứng yêu cầu.
Hàng loạt dự án được quyết định
Ngày 12/7, tại kỳ họp thứ 10 HĐND Tp.HCM khóa X, các đại biểu đã thống nhất thông qua nhiều dự án xây mới, nâng cấp trường học trên địa bàn Tp.HCM.
Dự án nâng cấp Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) được HĐND Tp.HCM thông qua với mức đầu tư 79,970 tỷ đồng. HĐND Tp.HCM cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới khối lớp học Trường tiểu học thực hành thuộc Trường Đại học Sài Gòn theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế do Trường Đại học Sài Gòn quản lý dự án, tổng mức đầu tư 59 tỷ đồng.
HĐND Tp.HCM cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới và cải tạo Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp quản lý. Dự án sẽ xây dựng mới khối phòng học; khu phục vụ học tập, các phòng bộ môn, thực hành; khu hành chính; cải tạo các khối phòng học và khối công trình hiện hữu, đầu tư trang thiết bị, tháo dỡ các khối công trình xuống cấp với tổng mức đầu tư dự án hơn 215 tỷ đồng từ ngân sách.
Tại quận 8, có 4 dự án mở rộng, nâng cấp trường học được thông qua. Đó là dự án xây dựng, nâng cấp Trường THCS Dương Bá Trạc quy mô 18 phòng học, 540 học sinh (sĩ số 30 học sinh/phòng học) thực hiện mô hình trường tiên tiến hiện đại, tổng mức đầu tư dự án hơn 101 tỷ đồng.
Còn dự án xây dựng mở rộng Trường THPT Võ Văn Kiệt với tổng đầu tư hờn122,5 tỷ đồng. Dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ có mức đầu tư hơn 68,3 tỷ đồng. Và dự án sửa chữa, cải tạo Trường THCS Chánh Hưng có mức đầu tư hơn 83,2 tỷ đồng.
Trao đổi với Người Đưa Tin tại kỳ họp, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, ngành giáo dục vui mừng, trân trọng sự ủng hộ của HĐND Tp.HCM trong nhiệm vụ đảm bảo cơ sở vật chất, phục vụ cho dạy và học.
“Hằng năm chúng ta xây dựng thêm trường học, cải tạo sửa chữa các trường học nhưng tốc độ xây dựng chưa đáp ứng tốc độ gia tăng dân số, chưa giảm sĩ số học sinh/phòng học. Do đó, Sở GD&ĐT vẫn phải trao đổi thêm cùng các Sở ngành, địa phương để đầu tư hơn nữa”, ông Hiếu nói.
Cũng tại kỳ họp này, HĐND Tp.HCM đã thông qua Nghị quyết để triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội. Liên hệ đến ngành giáo dục, ông Hiếu cho rằng, Nghị quyết mới đã tạo cơ sở pháp lý cho Tp.HCM thực hiện các giải pháp phát triển về nhiều mặt. Trong đó, các dự án đầu tư không giới hạn số vốn đầu tư sẽ là cơ sở để Tp.HCM kêu gọi nhà đầu tư cho lĩnh vực giáo dục.
Thống kê của Sở GD&ĐT Tp.HCM hồi tháng 3/2023 chỉ ra, tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân tại Tp.HCM không đồng đều giữa các cấp học khi cấp tiểu học và THCS ở mức thấp.
Trong khi đó, với quy mô của ngành GD&ĐT, đến năm 2025, Tp.HCM cần 56.512 phòng học, so với số phòng đang có năm 2022 là 47.623. Như vậy, đến năm 2025, Tp.HCM cần bổ sung 8.889 phòng học ở tất cả bậc học, từ mầm non đến THPT.
Lo lắng đảm bảo chất lượng giáo dục
Theo báo cáo của UBND Tp.HCM gửi đến HĐND Tp.HCM trước kỳ họp, Tp.HCM tăng hơn 35.000 học sinh trong năm học 2023-2024. Số học sinh tăng này cao gần gấp rưỡi con số tăng năm ngoái (khoảng 22.000 học sinh). Trong đó, có gần 22.600 học sinh công lập và hơn 12.400 học sinh ngoài công lập. Cấp mầm non tăng hơn 7.900 học sinh, cấp tiểu học giảm 28.100 học sinh, THCS tăng 34.100 học sinh và THPT tăng hơn 21.100 học sinh.
Nhìn chung, năm học 2023-2024, số học sinh tăng nhiều ở cấp THCS, THPT và tập trung ở Tp.Thủ Đức, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Đây là những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh nên tình trạng dân số tăng.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Anh Đức báo cáo trước HĐND Tp.HCM: “Việc tăng số học sinh dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên và tăng biên chế, từ đó làm tăng nguồn chi ngân sách Tp.HCM. Hiện nay, nhiều nơi có trường tiểu học sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, chưa đáp ứng yêu cầu chương trình 2018”.
Theo ông Đức, để chuẩn bị cho năm học mới, dự kiến trong năm 2023, Tp.HCM sẽ đưa vào hoạt động 48 dự án với 672 phòng học mới, tổng đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Ghi nhận của Người Đưa Tin tại các quận, huyện cho thấy tình trạng "đụng đâu cũng vướng". Phó Chủ tịch UBND quận 4 Võ Thanh Dũng cho biết, dự kiến đến năm 2025, địa phương khó hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân do nhiều dự án xây trường phải điều chỉnh quy hoạch khiến thời gian thực hiện kéo dài.
"Chúng tôi có dự án xây trường triển khai từ năm 2017 nhưng đến nay không thực hiện được do khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, theo quy chuẩn xây dựng mới, một trường học hiện có 15 lớp nếu đập ra xây mới chỉ còn 10 lớp, càng khó khăn hơn đối với việc giải quyết chỗ học", ông Dũng nêu thực tế.
Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đào Thị My Thư chỉ ra, hầu hết dự án hiện đều vướng khâu đền bù, giải tỏa do giá bồi thường theo quy định nhà nước hiện nay quá thấp, người dân không đồng thuận bàn giao đất. Cá biệt tại quận Gò Vấp có phường 9 chưa có trường tiểu học và THCS, dù đã có dự án xây trường.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở quận 12 khi hằng năm gặp áp lực lớn về số học sinh tăng, có những lớp học với sĩ số trên 60 học sinh, mỗi năm tăng thêm hơn 4.000 học sinh. Đến 2025 quận có hơn 132.000 dân trong độ tuổi đi học, cần 1.700 phòng học mới đủ. Kế hoạch từ nay đến năm 2025 quận 12 sẽ triển khai 23 dự án trường học với 591 phòng. Nếu thực hiện thuận lợi vẫn chỉ đạt mức 240 phòng/10.000 dân.
Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho hay, hiện có những khu đất trên địa bàn là đất trống, bỏ hoang nhưng không thu hồi hoặc hoán đổi để xây trường được. Nếu có quỹ đất này để đầu tư xây dựng trường học, sẽ giải quyết được vấn đề trường lớp.
Còn ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng thông tin, huyện Bình Chánh đã đưa vào sử dụng 50 trường học mới, với 1.529 lớp học cho năm học. Tuy nhiên, số lượng học sinh trên địa bàn huyện tăng khoảng 4.000 em/năm, trường lớp vẫn đang bị quá tải. Trong khi đó, trên địa bàn hiện có hàng chục dự án xây mới trường lớp đang gặp khó khăn về bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trước thực tế khó khăn đó, Sở GD-ĐT Tp.HCM kiến nghị các quận, huyện ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện. Trong đó, cần tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cơ học cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất như quận 7, 9, 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh và Tp.Thủ Đức.