Áp lực thi cử khiến nhiều học sinh bị stress

Cứ đến mùa thi, số trẻ đến khám, nhập viện với những vấn đề liên quan rối loạn tâm thần đều tăng từ 30-40%.

Đối với những học sinh cuối cấp, ngày bế giảng đến gần là lúc áp lực kỳ thi chuyển cấp tăng lên. Việc dồn hết tâm sức vào việc ôn thi và đếm ngược đến kỳ thi quan trọng khiến nhiều thí sinh thường xuyên trong tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi.

Ngoài áp lực từ gia đình và nhà trường, nhiều thí sinh còn chịu áp lực do chính các em tạo ra. Có học sinh học lực tốt nhưng áp lực thi vào trường top đầu khiến các em luôn cảm thấy căng thẳng, lo lắng, dẫn đến rối loạn lo âu trước kỳ thi.

Ảnh minh họa: Suckhoedoisong

Ảnh minh họa: Suckhoedoisong

Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực có tính hai mặt. Nếu áp lực ở mức độ chấp nhận được sẽ rất tốt cho sức khỏe cũng như tinh thần. Đây là động lực tích cực giúp chúng ta hoàn thành được mục tiêu, đạt được mục đích đã đề ra.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Bùi Thanh Xuân - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nếu áp lực vượt quá sức chịu đựng sẽ dẫn tới căng thẳng, trầm cảm, thậm chí mất tự tin và tự đổ lỗi cho chính mình.

Bác sĩ thăm khám cho nam sinh điều trị rối loạn lo âu trong thời gian ôn thi. Ảnh: CAND

Bác sĩ thăm khám cho nam sinh điều trị rối loạn lo âu trong thời gian ôn thi. Ảnh: CAND

Theo TS.BS Trần Thị Hà An – Phó Viện trưởng Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, áp lực thi cử năm nào cũng được nhắc tới nhưng nhiều người lại xem đây là những tâm lý bình thường mà bỏ qua những biểu hiện bệnh lý. Mỗi năm cứ đến mùa thi, số trẻ đến khám, nhập viện với những vấn đề liên quan rối loạn tâm thần đều tăng từ 30-40%.

Các chuyên gia nhấn mạnh, để chuẩn bị cho một kỳ thi thành công, các thí sinh cùng cha mẹ và nhà trường phải có sự chuẩn bị dài hơi từ trước đó. Cụ thể là chuẩn bị tâm lý vững vàng, đồng thời cùng con đặt những mục tiêu thích hợp trong học tập, khi có kết quả kỳ thi sẽ đưa ra giải pháp thích hợp để tránh cho các em cảm giác hụt hẫng. Bên cạnh đó luôn có sự động viên, khích lệ và dành sự quan tâm đúng đắn cho con em mình.

Đặc biệt, phụ huynh không nên để trẻ phụ thuộc vào các loại thuốc an thần. Khi các em có các biểu hiện ăn kém, ngủ ít, kiệt sức, căng thẳng thì cần đưa đi khám vì rất có thể các em đã bị rối loạn cảm xúc gia tăng.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ap-luc-thi-cu-khien-nhieu-hoc-sinh-bi-stress-240196.htm