Áp lực thi cử: Vấn nạn nhức nhối của nền giáo dục Việt Nam

Áp lực thi cử không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà còn là vấn đề chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm gì để giảm thiểu tác động tiêu cực từ áp lực học tập cho học sinh?

Trẻ nhỏ đang phải chịu áp lực học tập quá lớn

Mới đây, thông tin một học sinh sinh năm 2009 sau khi công bố điểm chuẩn kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024 đã nhảy cầu Long Biên đã khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi xót xa khi bày tỏ việc áp lực thi cử quá lớn lên các em học sinh ở thành phố lớn.

Phụ huynh Nguyễn Thị Nga bày tỏ quan điểm: "Sự việc này như một hồi chuông cảnh tỉnh tới những người làm cha mẹ - những người luôn đặt lên vai con trẻ những điều mình không làm được, bắt chúng thực hiện luôn cả ước mơ của mình. Gia đình và xã hội cần giảm bớt áp lực và kỳ vọng quá cao đối với học sinh. Đừng khiến cho các con bị áp lực và thất vọng vào bản thân khi không làm được điều cha mẹ kỳ vọng. Các con khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc là quá may mắn rồi”.

Theo vị phụ huynh này, con cái thi cử không được điểm cao thì học trường thấp điểm một chút cũng không ảnh hưởng, Đây mới chỉ là thi vào cấp 3, không học trường này thì học trường khác, miễn sao sau này làm người có ích cho xã hội là được.

Đồng tình với ý kiến trên, phụ huynh Minh Trang cho rằng: “Cha mẹ hãy luôn quan tâm động viên con, không nên kỳ vọng quá mà tạo áp lực cho các con. Cánh cửa này khép lại còn có nhiều cánh cửa khác, để quyết định được tương lai sau này cần nhiều yếu tố. Học kiến thức quan trọng nhưng học được kỹ năng sống và kỹ năng sinh tồn để bươn trải ngoài xã hội còn quan trọng hơn”.

Câu chuyện học sinh chịu áp lực từ các kỳ thi quan trọng là chuyện năm nào cũng có, đòi hỏi phụ huynh và thầy cô giáo cần có những biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tránh tạo áp lực và cần luôn hỏi han, chia sẻ để các em học sinh biết, hiểu những vấn đề mình đang gặp phải, tránh những suy nghĩ tiêu cực hoặc có ý định tự tử…

Áp lực thi cử là nguyên nhân lớn gây ra những vụ tự tử trong thời gian gần đây (Ảnh: Người đưa tin)

Áp lực thi cử là nguyên nhân lớn gây ra những vụ tự tử trong thời gian gần đây (Ảnh: Người đưa tin)

Áp lực học tập và thi cử không chỉ là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam mà còn là câu chuyện của nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể kể đến, Hàn Quốc nổi tiếng với hệ thống giáo dục cạnh tranh khắc nghiệt, nơi học sinh phải chịu áp lực học tập to lớn từ khi còn nhỏ để đạt được kết quả cao trong các kỳ thi quan trọng. Điều này dẫn đến nhiều vụ tự tử thương tâm do học sinh không chịu nổi áp lực.

Ở Nhật Bản, tỷ lệ tự tử trong giới học sinh và sinh viên cũng ở mức cao do áp lực học tập và kỳ thi. Việc thi cử đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng tương lai, khiến nhiều em học sinh phải gánh vác kỳ vọng lớn từ gia đình và xã hội.

Còn ở Trung Quốc, hệ thống thi cử "gaokao" lâu đời với tính chất quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong cuộc sống cũng tạo nên áp lực nặng nề cho học sinh. Không ít em học sinh đã chọn cách tự tử để giải thoát khỏi áp lực này.

Như vậy, có thể thấy rằng vấn đề tự tử do áp lực học tập và kỳ thi là một vấn đề nhức nhối chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Cần có sự chung tay góp sức của gia đình, nhà trường và xã hội để giảm thiểu những tác động tiêu cực của áp lực học tập và giúp học sinh có một môi trường học tập lành mạnh, an toàn.

Những vấn đề nổi cộm trong giáo dục đang tác động tới trẻ nhỏ, tạo nên áp lực cho hàng triệu học sinh có trách nhiệm như thế nào từ Bộ Giáo dục và Đào tạo? Đặc biệt là các chuyên gia đã chỉ ra rằng, sau 4 năm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, nạn dạy thêm học thêm vẫn tràn lan.

Trầm cảm do không chịu nổi áp lực thi cử và kỳ vọng của gia đình

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Thạc sĩ, Chuyên gia tâm lý Lưu Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục Xanh (Green Edu) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến áp lực thi cử cho học sinh hiện nay từ sự kỳ vọng quá mức từ gia đình các em. Họ luôn muốn con phải đạt điểm cao, thi đỗ vào trường top đầu, thậm chí có những kỳ vọng quá cao so với năng lực của học sinh.

Ngoài ra, áp lực đồng trang lứa cũng khiến nhiều học sinh tự cảm thấy mình cần phải cố gắng để đạt mục tiêu về điểm số cao, phải thi đỗ bằng được “trường điểm” như bạn bè xung quanh. Hoặc cũng có thể là các em tự thấy bản thân mình phải học tập tốt, cố gắng để sau này thành công, có một cuộc sống tốt hơn, giúp đỡ cho gia đình, xã hội.

Trong khi đó, chương trình học, thi cử còn nặng, học sinh phải học nhiều kiến thức lý thuyết, ngày học trên lớp, buổi tối lại tham gia các lớp học thêm khiến cho các em ít có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, giải tỏa áp lực. Tình trạng này kéo dài khiến cho các em bị rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo âu hay trầm cảm.

Tuy nhiên, cũng cần suy nghĩ tích cực rằng, áp lực thi cử ở đâu cũng có, việc đỗ đạt hay không tùy thuộc vào năng lực của từng người và có nhiều cơ hội khác, các bậc phụ huynh, giáo viên hãy chia sẻ và cùng con vượt qua.

Thạc sĩ, Chuyên gia tâm lý Lưu Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục Xanh (Green Edu) (Ảnh: NVCC).

Thạc sĩ, Chuyên gia tâm lý Lưu Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục Xanh (Green Edu) (Ảnh: NVCC).

Từ phía nhà trường nên có một số biện pháp để hỗ trợ học sinh như thầy cô giáo nên hệ thống hóa kiến thức cho học sinh theo hướng có trọng tâm, bám sát theo yêu cầu nội dung kiến thức để thi cử trong năm học, tránh tình trạng các em phải học tập một lượng kiến thức “khổng lồ” dẫn tới sự hoang mang và khó có khả năng ghi nhớ.

Bên cạnh đó, các thầy cô cần sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học thú vị, hấp dẫn học sinh khiến mỗi tiết dạy các em không chỉ thu nhận được kiến thức mà còn hào hứng tham gia một cách tích cực.

Về phía các bậc phụ huynh, cha mẹ cần phải thật sự hiểu năng lực, điểm mạnh của con mình, tránh đưa ra sự kỳ vọng quá sức với trẻ. Hãy luôn cổ vũ, động viên con rằng: “Con chỉ cần nỗ lực hết sức, dù kết quả như thế nào thì bố mẹ vẫn luôn tự hào vì con đã cố gắng”.

“Đặc biệt, các bậc cha mẹ không nên nói những câu mang tính đe dọa, chì chiết, chê bai hay so sánh con mình với con nhà người ta như “Không thi đỗ thì đừng có về nhà nữa”, hay “Con họ học ngày học đêm, con mình thì lười”,... Những câu nói như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy không được yêu thương, quan tâm, bị tổn thương, xúc phạm dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cha mẹ cần sắp xếp thời khóa biểu học tập hợp lý, khoa học để các em có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, vận động để giải tỏa căng thẳng sau những giờ học tập. Điều này giúp các em luôn duy trì được trạng thái khỏe mạnh, giữ được sự tỉnh táo, tập trung để học tập hiệu quả. Gia đình cũng có thể cho trẻ tham gia các buổi chia sẻ có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, để nâng cao nhận thức của các em về áp lực thi cử và cách thức tháo gỡ, giải tỏa.

Trẻ nhỏ cần được giáo dục cách sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả

Tự tử là hành động dại dột, đáng báo động khi hành động này lại đang có xu hướng lan truyền nhiều trong xã hội. Những hệ lụy từ mạng xã hội khi những tin "nóng" về người tự tử bị lan truyền với tốc độ "chóng mặt", điều này ảnh hưởng đến những bạn học sinh đang tuổi nghĩ chưa tới. Vậy nên, cũng cần có những biện pháp ngăn chặn những luồng thông tin xấu, những hình ảnh bạo lực, tự tử... tránh ảnh hưởng tới con cháu chúng ta.

Theo chuyên gia tâm lý Lưu Văn Tuấn, mạng xã hội mang lại cơ hội tiếp cận với những kiến thức mới, với những thông tin ở khắp mọi nơi trên thế giới. Điều này giúp trẻ mở mang kiến thức, biết nhiều hơn về các lĩnh vực khác nhau. Thêm nữa giúp trẻ có thể giao lưu làm quen, thiết lập mối quan hệ với bạn bè, hay nhiều người khác nhau ở khắp mọi nơi. Điều này cũng giúp trẻ mở ra nhiều cơ hội mới cho bản thân của mình.

Tuy nhiên, những thông tin trên mạng xã hội rất nhiều, và có nhiều thông tin không được kiểm chứng, thông tin “rác”, độc hại. Những hình ảnh mang tính chất bạo lực, tiêu cực được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội có thể gây ra nhiều hệ lụy. Khi trẻ tiếp xúc quá nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới suy nghĩ những gây ra hành vi dại dột hay nguy hiểm với trẻ.

Do đó, để ngăn ngừa những luồng thông tin xấu, hình ảnh bạo lực thì trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là cơ quan có trách nhiệm kiểm duyệt những thông tin trên mạng xã hội. Cần có những biện pháp để ngăn ngừa và xử lý kịp thời với những thông tin xấu, bạo lực, tránh ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ em.

Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường, xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục các em sử dụng mạng xã hội với mục đích học tập, phát triển bản thân, mối quan hệ tích cực một cách an toàn và hiệu quả. Nhà trường cần tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống, các buổi hội thảo, chia sẻ trong nhà trường theo định kỳ.

“Các bậc phụ huynh cần phải có biện pháp để quản lý việc con mình xem, tiếp cận với các thông tin trên các thiết bị điện tử cũng như giờ giấc sử dụng. Cha mẹ phải cho trẻ hiểu được đâu là những thông tin độc hại, xấu để tránh xa và bản thân gia đình cũng cần phải làm gương cho trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, hiệu quả”, ông Tuấn nhắn nhủ.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/ap-luc-thi-cu-van-nan-nhuc-nhoi-cua-nen-giao-duc-viet-nam-d4842.html