Áp lực thi cử với học sinh quá lớn, ngành giáo dục cần làm gì?

Trải qua mấy năm triển khai đổi mới chương trình giáo dục, áp lực thi cử với học sinh vẫn gia tăng, đặc biệt là đối với kỳ thi vào lớp 10. Theo TS. Hoàng Trung Học, việc đánh giá không đúng năng lực học tập của trẻ nhỏ sẽ dẫn tới lựa chọn không phù hợp và có thể dẫn tới những hệ lụy khác.

Học sinh tự tử, điều trị tâm thần vì áp lực thi cử

Thời gian gần đây, học sinh tự tử do không đạt được kết quả kỳ vọng trong học tập lại tái diễn khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đó là những đứa trẻ phải chịu áp lực học tập quá mức từ chính cha mẹ hoặc vì thành tích của nhà trường trong thời gian dài mà không được chia sẻ nên đã có hành động dại dột.

Tháng 1/2024, một nam sinh lớp 10 Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) nhảy từ tầng 3 của trường rồi sau đó tử vong vì áp lực học hành. Vào đầu tháng 6 vừa qua, nam sinh trú tại quận Ba Đình (Hà Nội) nhảy cầu Long Biên sau khi biết điểm chuẩn vào lớp 10.

Trước tình huống này, nhiều phụ huynh cho rằng, gia đình và xã hội cần giảm bớt áp lực và kỳ vọng quá cao đối với học sinh.

Mới nhất là vào đầu tháng 7 vừa qua, Bệnh viện E (Hà Nội) tiếp nhận một nam sinh được gia đình đưa vào cấp cứu vì thi vào lớp 10 nhưng điểm số không như kỳ vọng nên đã có hành động tự sát bằng cách dùng dao tự cắt vào tay và cổ. Rất may là gia đình phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu, sau khi sức khỏe ổn định thì được chuyển qua điều trị sức khỏe tâm thần.

Nhiều đứa trẻ chịu áp lực rất lớn bởi sự kỳ vọng quá mức từ gia đình và thành tích của nhà trường (Ảnh: Thanhnien).

Nhiều đứa trẻ chịu áp lực rất lớn bởi sự kỳ vọng quá mức từ gia đình và thành tích của nhà trường (Ảnh: Thanhnien).

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Chung - Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện E cho biết, những trường hợp như học sinh trên không hiếm, bởi sau mỗi kỳ thi, khoa đều tiếp nhận các ca bệnh rối loạn tâm thần như vậy. Áp lực đối với trẻ thường đến từ quá trình ôn thi trước đó, điểm số thi không được như mong muốn là "giọt nước tràn ly" khởi phát những bệnh lý tâm thần.

Các bạn học sinh sẽ có phản ứng cấp như stress, lo lắng, lo âu, mất ngủ, suy nhược thần kinh. Trường hợp nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, nặng nề hơn là tìm tới tự sát. Ngoài ra, ở một số trẻ, khi chịu áp lực điểm thi, có thể tìm tới chất kích thích để giải tỏa như bóng cười, cần sa, các chất hướng thần, đồ uống có cồn…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bệnh trầm cảm tại khu vực Đông Nam Á, chỉ riêng Việt Nam có tới gần 800.000 người chết vì tự tử hàng năm. Trong đó, nhóm tuổi gây tử vong hàng đầu là nằm trong khoảng 15 - 29 tuổi.

Đánh giá không đúng năng lực học tập sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng

Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về vấn đề này, TS. Hoàng Trung Học - Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, áp lực thi cử và học tập ở mức độ vừa phải là điều cần thiết để học sinh trưởng thành và phát triển. Những áp lực này giúp học sinh rèn luyện bản lĩnh, sự kiên trì và khả năng thích nghi với những thử thách trong cuộc sống.

Nếu học sinh muốn trưởng thành, phát triển và mạnh mẽ khi ra cuộc sống thì cần phải được tôi luyện dưới áp lực và áp lực học hành, thi cử cũng là một trải nghiệm tốt để các em trưởng thành. Tuy nhiên, việc học tập quá tải và áp lực quá lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh.

TS. Hoàng Trung Học - Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục (Ảnh: NVCC).

TS. Hoàng Trung Học - Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục (Ảnh: NVCC).

Hiện nay, những áp lực lớn hiện nay đang đè nặng lên các học sinh thi vào trung học phổ thông. Số lượng các trường công đáp ứng chỉ khoảng 50-60% trăm số lượng học sinh, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này có nghĩa 40-50% học sinh còn lại buộc phải học tại các trường ngoài công lập hoặc đi học nghề để chuẩn bị lao động.

“Việc phân luồng học sinh là tất yếu để đảm bảo sự hài hòa của lực lượng lao động. Điều này xuất phát từ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, tuy nhiên cũng là nguyên nhân tạo ra áp lực cho học sinh trung học cơ sở”, TS. Hoàng Trung Học nói.

TS. Hoàng Trung Học khẳng định, tinh thần hiếu học và ý chí vươn lên của nhân dân ta rất đáng trân trọng. Tâm lý kỳ vọng, mong mỏi con cái thi cử đỗ đạt và việc nhắc nhở, đôn đốc con chú tâm vào học hành là hoàn toàn chính đáng của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, song song với việc động viên, đồng hành với con trong ôn luyện, thi cử, nhiều phụ huynh lại kỳ vọng quá nhiều vào năng lực của con và mong muốn con có thể học tập tại các trường chuyên danh giá, các trường công lập danh tiếng. Đáng nói, nhiều gia đình "ép buộc" con học tập quá sức, tạo áp lực đè nặng lên vai con trong khi không hiểu hết năng lực, sở trường và đam mê của con...

Thêm vào đó, khi đánh giá không đúng năng lực học tập của con sẽ dẫn đến việc định hướng con đường học tập không phù hợp, khiến các em thêm mệt mỏi, căng thẳng, chán chường và lo sợ, nếu mình không đỗ vào những trường mà bố mẹ mong muốn thì sẽ là “tội lớn”. Thời gian ôn thi quá dài, quá ngưỡng chịu đựng, lại không được chia sẻ, động viên, vỗ về, nhiều em bị trầm cảm, rối loạn tâm thần. Đáng nói, một số em đã có suy nghĩ tiêu cực và hành động dại dột để thoát khỏi sự mệt mỏi, căng thẳng một cách thật đau lòng.

Phụ huynh cần thay đổi góc nhìn và quan niệm về con đường thành công

Để có thể giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh trong bối cảnh này, TS. Hoàng Trung Học đề xuất, cần thực hiện tốt công tác hướng nghiệp với hai lực lượng chính là nhà trường và gia đình. Hai bên cần có sự phối hợp chặt chẽ để đánh giá năng lực học tập của học sinh, định hướng cho các em con đường học tập và phát triển phù hợp với năng lực và sở thích.

Thay vì chỉ tập trung vào điểm số, cần đánh giá học sinh một cách toàn diện dựa trên năng lực, kỹ năng và phẩm chất đạo đức. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động giáo dục ngoài giờ như tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật,... để đảm bảo sức khỏe tinh thần và giúp học sinh phát triển toàn diện.

“Để giải quyết từ tận gốc rễ câu chuyện sức ép này thì không thể một sớm, một chiều mà cần sự chung tay của nhiều lực lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vai trò là đơn vị quản lý Nhà nước cần phải chỉ đạo, giám sát để làm tốt công tác phân luồng trong giáo dục, phối hợp với các địa phương để triển khai hiệu quả chính sách phân luồng học sinh, đảm bảo học sinh được học tập tại môi trường phù hợp với năng lực”, TS. Hoàng Trung Học nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần chỉ đạo để đội ngũ làm công tác hướng nghiệp có thể tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của việc hướng nghiệp và định hướng học tập phù hợp, thay đổi góc nhìn, quan niệm về thành tích và con đường để đạt được thành công của học sinh.

Nhà giáo và gia đình cần làm tốt công tác tư vấn, công tác tâm lý học đường để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, giúp các em chuẩn bị cho mình một tâm thế tốt khi đón nhận con đường lập thân, lập nghiệp khác ngoài việc chỉ tập trung vào việc thi đỗ vào trung học phổ thông hay trường công.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã hướng đến giảm tải tri thức, tăng cường hoạt động trải nghiệm, rèn luyện năng lực tự học và tự phát triển cho học sinh. Tuy nhiên, nếu chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, thì Bộ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chương trình giáo dục để giảm tải tri thức, tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ, các hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm trong nhà trường và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, từ đó hướng đến hình thành năng lực hoạt động thực tiễn.

“Các nhà quản lý giáo dục cần lấy ý kiến của các giáo viên trực tiếp giảng dạy và thực hiện để có những đánh giá sâu hơn về chuyên môn, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo chương trình giáo dục thực sự giúp học sinh giảm sức ép và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay”, TS. Hoàng Trung Học nói.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/ap-luc-thi-cu-o-hoc-sinh-gia-tang-nganh-giao-duc-can-lam-gi-d4897.html