Áp lực thúc đẩy công tác quy hoạch

Hôm nay, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Theo các chuyên gia, đây là áp lực quan trọng để thúc đẩy công tác quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch, góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển đất nước ổn định, bền vững.

Làm rõ vướng mắc, bất cập

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Luật Quy hoạch mang lại một số giá trị nổi bật

Luật Quy hoạch năm 2017 đã mang lại một số giá trị nổi bật. Trong đó, đáng chú ý, số lượng quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch (giảm 97%). Cụ thể: cấp quốc gia giảm từ 270 xuống còn 41 quy hoạch; cấp vùng giảm từ 76 còn 6 quy hoạch; cấp tỉnh giảm từ 3.308 xuống còn 63 quy hoạch.

Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn, hệ thống quy hoạch quốc gia với 111 quy hoạch, thay thế cho trên 3.600 quy hoạch trước đây, đã thiết lập một hệ thống quy hoạch thống nhất, giản lược, có tầng bậc, tích hợp, dễ theo dõi và thực hiện, qua đó tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển, không gian phát triển mới, giá trị mới và động lực phát triển mới của quốc gia, vùng và địa phương.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, thời gian qua, công tác quy hoạch đã làm tốt vai trò định hướng, là công cụ để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Kể từ sau khi Luật Quy hoạch 2017 ra đời, với việc đưa ra hệ thống quy hoạch mới, đặc biệt là hệ thống quy hoạch tích hợp ở các tỉnh đã tạo bước đột phá mới cho công tác này.

Tuy nhiên, qua hơn 3 năm thực hiện Luật Quy hoạch, mới chỉ có gần 10% quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu cơ sở, thiếu hành lang trong triển khai phát triển, nhất là phát triển đô thị. Do đó, việc Quốc hội giám sát lần này là dấu ấn quan trọng đồng thời tạo áp lực để thúc đẩy công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch.

Điều đáng lưu ý, theo vị chuyên gia này, cuộc giám sát đã nhận diện khá đồng bộ những tồn tại, không chỉ chủ quan mà nhất là yếu tố khách quan, trong đó có sự bất cập giữa các quy hoạch, đặc biệt là tính thiếu thực tiễn trong quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở đó, sẽ đề ra giải pháp phù hợp để thực hiện tốt công tác quy hoạch thời gian tới.

TS. Võ Kim Cương, chuyên gia về quản lý đô thị, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, đất nước muốn phát triển theo mục tiêu ổn định, bền vững “dứt khoát phải có quy hoạch”. Theo ông Cương, ý nghĩa lớn nhất của Luật Quy hoạch là tích hợp các quy hoạch phát triển của địa phương vào quy hoạch chung duy nhất, tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, “ai ai cũng làm”. Dù vậy, vẫn còn sự chồng chéo, như giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch đất đô thị về sử dụng đất. Bởi thế, giám sát của Quốc hội sẽ góp phần làm sáng rõ khâu thực hiện có đúng Luật Quy hoạch không, xem Luật có vướng mắc, bất cập gì để tháo gỡ. “Điều này đặc biệt quan trọng nếu muốn đất nước phát triển bền vững”.

Đoàn Công tác Ủy ban Kinh tế khảo sát thực tế nút giao Bến Lức (thuộc địa phận Long An) nơi giao giữa tuyến Vành đai 3 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương tháng 5.2022
Ảnh: Mạnh Linh

Nhiều kỳ vọng sau giám sát

Rất nhiều kỳ vọng đặt ra sau cuộc giám sát của Quốc hội. Trong báo cáo giám sát, Đoàn giám sát cũng đưa ra nhiều kiến nghị hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, gồm cả giải pháp cần triển khai ngay và giải pháp dài hạn.

Không gian phát triển quốc gia là một thể thống nhất

Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương lập Quy hoạch tổng thể quốc gia. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tháng 10.2022.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất, để thúc đẩy, nâng cao chất lượng quy hoạch, trước hết cần rà soát danh mục để giảm bớt quy hoạch không cần thiết. Đối với quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, “phải chăng chỉ nên có quy định khung, còn quy định chi tiết để quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch kỹ thuật thực hiện thì hợp lý hơn”. Cùng với đó, Chính phủ cần giao nhiệm vụ, thúc đẩy hoàn thiện các quy hoạch ngành quốc gia, nếu không rất khó khăn cho các tỉnh trong thực hiện quy hoạch.

Về nguồn lực, trước đây có hệ thống tư vấn theo từng chuyên ngành rải đều cả nước, nhưng hiện rất khó tìm ra tổ chức tư vấn có năng lực đa ngành để đảm đương công việc lập quy hoạch cho các tỉnh. Ông Nghiêm cho rằng, cần tìm cách tháo gỡ để huy động nguồn lực tư vấn cho quy hoạch, nhất là cơ chế chính sách huy động nguồn lực từ nước ngoài. Trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nên xem xét cả hình thức chọn thầu và chỉ định thầu. Đồng thời, cần nghiên cứu để có quy chế vừa nghiên cứu quy hoạch mới vừa cho phép áp dụng quy hoạch cũ, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đang còn hiệu lực. Muốn vậy, Quốc hội cần có quy định cho phép triển khai thực hiện.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Liên quan công tác thẩm định, cần huy động sự tham gia của các chuyên gia thực sự có năng lực chuyên môn trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội chuyên ngành để tham gia Hội đồng thẩm định quy hoạch tích hợp, nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch. “Quốc hội cần có Nghị quyết riêng để hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, điều chỉnh cục bộ Luật này”, ông Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị.

Còn theo TS. Võ Kim Cương, để khắc phục sự chậm trễ liên quan công tác quy hoạch, gốc của vấn đề là phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân. Để nâng cao chất lượng quy hoạch, phải xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể. Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều yếu tố bên ngoài tác động đến kinh tế xã hội rất phức tạp và khó lường, việc hy vọng đồ án quy hoạch chuẩn xác là rất khó.

“Cần thay đổi quan điểm đánh giá quy hoạch chất lượng là phải có khả năng linh hoạt, không cứng nhắc. Tất nhiên, vẫn phải bảo đảm tính cố định như hệ thống hạ tầng giao thông, song hướng sử dụng đất phải linh hoạt. Khi làm quy hoạch, phải đánh giá thật chính xác, rõ ràng, toàn diện các nguồn lực để phát triển, trong đó có các lợi thế cũng như bất lợi, trên cơ sở đó đặt mục tiêu vừa sức, khả thi để bảo đảm chất lượng quy hoạch”, TS. Võ Kim Cương đề xuất.

Vũ Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/ap-luc-thuc-day-cong-tac-quy-hoach-i290727/