Áp lực tỷ giá tăng, dư địa giảm lãi suất điều hành bị thu hẹp
Hầu hết dự báo của các tổ chức đều giảm kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay do áp lực tỷ giá ngày càng tăng.
Trong nội dung báo cáo vừa công bố với tiêu đề “Vietnam At A Glance: Ánh sáng cuối đường hầm”, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC đã loại bỏ dự đoán trước đó về đợt cắt giảm lãi suất điều hành cuối cùng 0,5 điểm %. Nguyên nhân là do áp lực từ tỷ giá và lạm phát.
Theo HSBC trong khi lạm phát tháng 9 được kiềm chế ở mức 3,7%, dưới mức trần 4,5%, thì việc lạm phát liên tục nhích lên làm dấy lên mối lo ngại. Một mặt, giá thực phẩm đã tăng khoảng 3% so với tháng trước trong hai tháng liên tiếp, đẩy lạm phát so với cùng kỳ năm trước vượt quá 10%.
Mặc dù, HSBC không kỳ vọng những diễn biến gần đây sẽ đẩy lạm phát bình quân vượt mức trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng tình thế "họa vô đơn chí" này gây ra rủi ro gia tăng đáng kể.
"Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo lạm phát hàng quý và nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân lên 3,4% (trước đó: 3,2%) cho năm 2023. Vì vậy, chúng tôi không còn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Theo quan điểm của chúng tôi, các điều kiện trước đây đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa đã không còn: quá trình phục hồi đang diễn ra trong khi lạm phát và áp lực ngoại tệ đang gia tăng", các nhà phân tích của HSBC nhấn mạnh.
Với nhận định trên, HSBC kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài.
Ở chiều ngược lại, HSBC cũng không kỳ vọng chuyện tương tự tháng 10 năm ngoái lại xảy ra, khi đợt tăng liên tục của tỷ giá USD/VND buộc NHNN phải mạnh tay tăng lãi suất. Nguyên nhân là do các điều kiện kinh tế vĩ mô của VND đã được cải thiện.
Đơn cử như, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam gần như đã quay trở lại mức đỉnh trước đó là gần 5% GDP, nhờ thặng dư thương mại mạnh mẽ, lượng kiều hối dồi dào và doanh thu du lịch tăng.
Tương tự, nhiều tổ chức quốc tế khác cũng có quan điểm thận trọng khi dự báo về việc cắt giảm lãi suất điều hành. Tại báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 10/2023, các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng được cho là phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam. Song việc tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực đến tỷ giá.
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng khuyến nghị, NHNN cần hết sức cân nhắc trong việc hạ lãi suất bởi dư địa gần như đã không còn.
Theo đại diện IMF, việc nới lỏng chính sách tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế trong nửa đầu năm nay nhưng hiện không còn nhiều dư địa để tiếp tục nới lỏng.
Lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam đã gần bằng 0%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Do đó, chuyên gia IMF cho rằng nếu tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ gây ra tác động đáng kể với tỷ giá.
Trong một nhận định khác biệt, Ngân hàng UOB lại vẫn duy trì dự báo một đợt cắt giảm lãi suất điều hành nữa trong quý IV, với mức cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 100 điểm cơ bản. Dù vậy, UOB cho rằng quyết định này có thể vẫn cần cân nhắc khi ngân hàng trung ương sẽ xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.
Theo các chuyên gia UOB, tỷ lệ lạm phát đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây và rủi ro là áp lực tăng giá tiêu dùng có thể gia tăng trong thời gian tới do giá thực phẩm và năng lượng đã tăng gần đây khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng, xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine cũng những thay đổi về khí hậu/thời tiết. UOB giữ nguyên dự báo lạm phát CPI của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023.
“Do đó, dự báo của chúng tôi về việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của NHNN trong quý IV/2023 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn” – Ngân hàng này dự báo.