Áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông có xu hướng mạnh thêm
Hồi 7 giờ ngày 22/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 180km về phía Bắc Tây Bắc.
Trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có xu hướng mạnh thêm
Đến 7 giờ ngày 23/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,7 Vĩ Bắc -115,3 độ Kinh Đông; cách Hoàng Sa khoảng 530 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15 -20 km/giờ. Vùng nguy hiểm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,0-21,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Vùng biển khu vực Bắc Biển Đông cấp độ rủi ro cấp 3.
Đến 7 giờ ngày 24/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc - 111,3 độ Kinh Đông; trên vùng biển phía Bắc Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15-20 km/giờ. Vùng nguy hiểm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,0-21,0 độ Vĩ Bắc; 109,5 - 114,0 độ Kinh Đông. Vùng biển khu vực Bắc Biển Đông cấp độ rủi ro cấp 3.
Từ ngày 25/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, cường độ mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng 22/10, mực nước trên các sông ở Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế đang xuống. Từ ngày 22 đến ngày 24/10, trên các sông từ Nam Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 1-3m. Đỉnh lũ trên các sông khả năng lên mức báo động 1- báo động 2, có sông lên trên mức báo động 2.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 1.
Trong khoảng trưa 22/10, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các huyện: Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình); Đắk Rông, Hướng Hóa, Cam Lộ, Do Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai thì lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Do vậy, người dân sống ở vùng núi cần thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...; cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở, tuyệt đối không đi qua các khu vực đã sạt lở vì vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục sạt lở.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại khu nuôi trồng thủy, hải sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.