Áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng mạnh lên thành bão, nhằm thẳng Nam Trung Bộ

Cơn áp thấp nhiệt đới sẽ có khả năng mạnh thành bão số 5, khi đổ bộ kết hợp với nước dâng do triều cường ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực Trung bộ.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Dự kiến, trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 5, hướng thẳng vào Nam Trung bộ, gây mưa lớn diện rộng. Đây là hình thế thời tiết rất đặc biệt, đặc trưng cho sự kết hợp của rất nhiều hình thế thời tiết với nhau. Đầu tiên là việc hình thành cơn ATNĐ, thứ hai là cơn này hình thành ngay trên dải hội tụ nhiệt đới, đây là vùng thấp có nhiều điều kiện để làm tăng cường độ phát triển của ATNĐ mạnh lên thành bão và còn mạnh thêm. Cạnh đó, việc kết hợp với không khí lạnh tạo ra hình thế rất nguy hiểm gây mưa cho cả khu vực miền Trung do yếu tố địa hình.

Trong mùa mưa bão năm nay, cơn ATNĐ này là cơn đầu tiên đổ về phía Nam Trung bộ nên người dân cần hết sức lưu ý trong công tác phòng chống. Dự kiến từ sáng mai ATNĐ mạnh lên thành bão sẽ gây mưa trên diện rộng, kéo dài đến ngày 31-10. Tuy nhiên, hết cơn ATNĐ này sẽ vẫn tồn tại dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh duy trì nên đợt mưa này vẫn kéo dài và mở rộng từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận.

Ông Khiêm nhận định, đợt mưa này vừa lớn, vừa kéo dài, vừa rộng từ miền Trung đến Tây Nguyên nên người dân cần đề phòng lũ, ngập lụt, sạt lở đất, nhất là khi đặc trưng khu vực miền Trung nước ta dòng sông dốc và ngắn. Đồng thời ATNĐ, bão cũng gây gió mạnh nên cần đề phòng công tác phát triển kinh tế, du lịch ven bờ.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia.

“Dự kiến, cơn ATNĐ, bão này khi đổ bộ sẽ kết hợp với nước dâng do triều cường nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực Trung bộ, đồng thời TP.HCM, Cần Thơ cũng chịu tác động của đợt triều cường này, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không mạnh. Thời điểm này dựa trên những tính toán từ bản tin mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp thì khả năng mức độ ngập do triều cường vẫn ở mức khoảng 1,7m”, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia khẳng định.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tính đến sáng ngày 29-10, lực lượng bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 45.000 phương tiện với khoảng 210.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ. Ước tính có khoảng 144.000 ô, lồng nuôi trồng thủy sản (tại Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Định có khả năng bị ảnh hưởng của đợt thiên tai này.

Cơn ATNĐ dự kiến mạnh lên thành bão khi đổ bộ sẽ kết hợp với nước dâng do triều cường nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực Trung bộ.

Cơn ATNĐ dự kiến mạnh lên thành bão khi đổ bộ sẽ kết hợp với nước dâng do triều cường nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực Trung bộ.

Về hồ chứa thủy điện, các hồ khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đang vận hành bình thường, không có hồ chứa xả tràn, trong đó mực nước các hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ đang ở mức rất thấp. Hồ chứa thủy lợi, mực nước các hồ chứa khu vực Trung Bộ còn ở mức thấp, nhiều hồ chứa đã xuống cấp hoặc đang sửa chữa.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương sáng 29-10, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương trong vùng dự báo bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão không được chủ quan, đặc biệt là tình hình mưa, lũ sau bão. Ngoài ra, thời điểm bão vào bờ, sóng biển cao kết hợp với tác động của triều cường, mưa lớn các địa phương ven biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh cần phải chú ý đề phòng. Các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào, đặc biệt là các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cần phải đề phòng ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp

Đối với tuyến biển, Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương phải có phương án đảm bảo an toàn cho các phượng tiện hoạt động trên biển, đặc biệt đảm bảo an toàn cho người dân nuôi trồng thủy sản, bảo vệ các lồng bè nuôi thủy sản. Về các hồ chứa ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tiến hành rà soát, kiểm tra, đặc biệt là đối với các hồ thủy điện ở khu vực này. Riêng Tổng cục Thủy lợi kiểm tra các hồ chứa thủy lợi phương án đảm bảo an toàn hồ chứa.

N.Yến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/ap-thap-nhiet-doi-nhieu-kha-nang-manh-len-thanh-bao-so-5-nham-thang-nam-trung-bo-567511/