Áp thuế 20% thu nhập thực từ bất động sản phải có lộ trình
Đề xuất tính thuế 20% trên lãi từ chuyển nhượng bất động sản được Bộ Tài chính đánh giá là bước thay đổi lớn, cần lộ trình triển khai và sự đồng bộ về chính sách, dữ liệu, hạ tầng để tránh thất thu thuế.

Bộ Tài chính cho rằng cần có lộ trình áp thuế 20% thu nhập thực từ bất động sản. Ảnh: Lê Vũ
Trước nhiều ý kiến trái chiều về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đã phản hồi về đề xuất đánh thuế 20% trên chênh lệch giá mua - bán mỗi lần chuyển nhượng bất động sản, TTXVN đưa tin.
Theo đó, thuế chuyển nhượng bất động sản được tính cố định 2% trên giá bán. Tuy vậy, việc này vẫn chưa phản ánh đúng thu nhập thực và bộ đã đề xuất phương án cho phép chọn tính thuế 20% trên thu nhập thực.
Cụ thể, thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các chi phí liên quan. Bộ Tài chính cho rằng phương án thu 20% trên thu nhập thực giúp điều tiết thuế công bằng hơn, đúng nguyên tắc "có lãi mới nộp".
Người dân có thể hưởng lợi khi chênh lệch giá thấp hoặc giao dịch lỗ thì không phải nộp thuế. Về lý thuyết, hai phương án có mức điều tiết tương đương.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng áp dụng phương án 20% là thay đổi lớn, cần triển khai theo lộ trình.
Việc này đòi hỏi sự đồng bộ về chính sách đất đai, nhà ở và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia cùng hạ tầng công nghệ thông tin, nhằm giúp ngành thuế xác định chính xác số thuế, ngăn chặn khai man và thất thu.

Các phương án tính thuế thu nhập cá nhân từ bất động sản. Minh họa: Gia Nghi
Một trong những đề xuất đáng chú ý khác trong dự thảo lần này là việc nghiên cứu áp dụng thuế suất khác nhau tùy thuộc vào thời gian nắm giữ bất động sản của người bán.
Bộ Tài chính cho biết đề xuất này được đưa ra theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ tại các văn bản như Nghị quyết 18, Công điện 03 và Thông báo 294, nhằm chấn chỉnh tình trạng thao túng giá, đầu cơ trên thị trường bất động sản.
Nhiều quốc gia đã dùng thuế thu nhập cá nhân để hạn chế đầu cơ bất động sản, bằng cách tăng thuế với giao dịch bán ra trong thời gian ngắn sau khi mua. Ngược lại, họ áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc miễn thuế cho tài sản giữ lâu dài, nhằm giảm sức hút của đầu cơ ngắn hạn.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có điều kiện tương đồng để xây dựng chính sách phù hợp, khả thi. Đồng thời, Bộ khẳng định việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân lần này là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV.
Dự thảo được xây dựng theo hướng sửa đổi toàn diện, với 6 nhóm chính sách lớn, không chỉ liên quan đến bất động sản. Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi. Bộ cam kết tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp ý kiến để hoàn thiện chính sách phù hợp thực tiễn, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.