Chuyên gia: Thu thuế 20% lãi chuyển nhượng chứng khoán sẽ công bằng hơn, lỗ không còn phải đóng thuế
Thu thuế 20% trên lãi sẽ công bằng hơn vì chỉ thu khi có lãi và không làm ảnh hưởng đến thanh khoản ngắn hạn, thuận lợi giao dịch khi tần suất cao và thường áp dụng tại các thị trường phát triển, nơi hệ thống chuẩn hơn.

Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), một trong những nội dung đang được chú ý là mức thuế chuyển nhượng chứng khoán đối với nhà đầu tư cá nhân.
Trước đó, Khoản 4 Điều 3, Điều 13, Khoản 2 Điều 21, Điều 23 Luật Thuế Thu nhập cá nhân quy định: Đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần, mỗi lần chuyển nhượng thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng.
Trong quá trình thực hiện có ý kiến cho rằng việc thu thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần kể cả trường hợp cá nhân bị lỗ là chưa phù hợp, cần xác định phương pháp thu thuế trên thu nhập của cá nhân, nếu có lãi thì mới nộp thuế; cũng có ý kiến cho rằng cần tăng mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán lên mức cao hơn...
Trước đây, Luật Thuế Thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 (có hiệu lực từ 01/01/2009) quy định 2 phương pháp thu thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán, cụ thể: theo thuế suất 20% trên thu nhập năm (giá bán - giá mua và các chi phí liên quan), nếu không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh thì nộp thuế 0,1% trên giá bán từng lần và không phải quyết toán thuế khi kết thúc năm tính thuế.
Trường hợp cá nhân áp dụng phương pháp thu thuế theo thuế suất 20%, có kỳ tính thuế theo năm thì mỗi lần chuyển nhượng cá nhận tạm nộp thuế Thu nhập cá nhân 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần, cuối năm quyết toán được trừ số thuế đã tạm nộp trong năm.
Đến cuối năm nếu cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có yêu cầu quyết toán thuế theo thuế suất 20% trên thu nhập và có đầy đủ chứng từ chứng minh giá vốn và các chi phí liên quan thì thực hiện khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bố sung một số điều của các Luật về thuế (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015) quy định thống nhất một phương pháp tính thuế Thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần.
Ở một số nước, hầu hết các loại thu nhập từ vốn đều phải nộp thuế. Tuy nhiên cách thức và phương thức thu thuế của các nước cũng rất khác nhau. Có 14 quốc gia thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng, có quốc gia thu theo thu nhập có được từ hoạt động chuyển nhượng, có quốc gia áp dụng chính sách thuế khác giữa chứng khoán niêm yết và chứng khoán chưa niềm yết.
Tại Indonesia: Áp dụng mức thuế khấu trừ tại nguồn 0,1% đổi với doanh thu từ chuyển nhượng cổ phiểu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Philippines: Thuế Thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán niêm yết là 0,6% giá trị giao dịch; thu từ bán chứng khoán chưa niêm yết bị đánh thuế ở mức thuế suất 15%. Trung Quốc: Áp dụng thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán không niêm yết, xác định bằng doanh thu trừ đi chi phí liên quan.
Từ thực tiễn thực hiện thời gian qua, cũng như xụ hướng, kinh nghiệm của các nước thời gian gần đây, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định về thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân và cách tính thuế đối với hoạt độngchuyển nhượng chứng khoán của cá nhân như sau: Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyền nhượng chứng khoán của cá nhân cư trú được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%.
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ tính thuế (theo năm).
Trường hợp không xác định được giá mua và chỉ phí liên quan đến việc chuyền nhượng chứng khoán thì thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoản được xác định bằng giá bán chứng khoán nhân với thuế suất 0,1% theo từng lần chuyển nhượng.
Việc đang thống nhất tính mức thuế 0,1% từng lần chuyển nhượng lại chuyển sang lấy ý kiến 2 phương pháp tính thuế nêu trên của Bộ Tài chính, đang gây tranh cãi trong giới đầu tư. Đa phần đều đồng tình với cách tính cũ 0,1% theo từng lần chuyển nhượng.
Anh Phạm Văn C, một nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường nói: "Nếu áp dụng mức thuế 20% lãi thì quá cao, tại sao không phải là con số 5 hay 7% mà lại tính là 20%? Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán 95% là cá nhân nhỏ lẻ, nếu có lãi mà phải nộp 20% thì thiệt hại quá lớn".
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích và nghiên cứu khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng cho rằng dự thảo sẽ không ảnh hưởng đến thanh khoản trong ngắn hạn. Đồng thời, theo quan sát các thị trường thanh khoản cao cũng đang áp dụng mức thuế suất thu nhập cá nhân trên thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
Tuy nhiên, so sánh hai phương pháp tính thuế trên cho thấy, thu thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng thường áp dụng phổ biến tại các nước đang phát triển, thuế suất nhỏ, dễ thu song có thể khiến hạn chế thanh khoản vì làm tăng chi phí giao dịch, về tâm lý nhà đầu tư thì khiến khó chịu khi lỗ vẫn phải đóng thuế. Mặc dù vậy, cách tính này đơn giản, dễ thu và dễ áp dụng.
Trong khi đó, thu thuế 20% trên lãi sẽ công bằng hơn vì chỉ thu khi có lãi và không làm ảnh hưởng đến thanh khoản ngắn hạn, thuận lợi giao dịch khi tần suất cao và thường áp dụng tại các thị trường phát triển, nơi hệ thống chuẩn hơn.