Tăng năng lực dự báo: Bảo vệ vững chắc hàng Việt trước 'bão' phòng vệ thương mại
Hàng hóa Việt Nam đang đối mặt với nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại, tuy nhiên không phải vụ việc nào cũng dẫn đến kết quả bất lợi nếu có sự chủ động ứng phó.
Giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, trong 6 tháng năm 2025, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 14 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng phát sinh từ 9 thị trường (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2024 là 13 vụ việc). Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 6 vụ việc (chiếm gần 43% số vụ việc 6 tháng đầu năm 2025).
Bên cạnh các vụ việc mới khởi xướng, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phải xử lý hơn 100 vụ việc từ những năm trước đang trong quá trình điều tra/rà soát áp dụng biện pháp. Đơn cử, có những biện pháp đã được áp dụng hơn 20 năm như lệnh áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ với cá tra-basa, tôm nước ấm vẫn được rà soát hàng năm.

Công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Hòa Phát
Đáng chú ý, những năm gần đây, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ như Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia với pin mặt trời và vỏ viên nhộng; Canada lần đầu tiên điều tra chống lẩn tránh...
Cùng với đó, sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, từ các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi (50 triệu USD), đĩa giấy (9 triệu USD)…
Một số vụ việc phòng vệ thương mại mới khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 như: Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với sơ-mi-rơ-moóc, hộp nhựa; EU điều tra chống bán phá giá với nhựa PET; Brazil điều tra chống bán phá giá với nhựa PET; Canada điều tra chống bán phá giá với dây đai thép; Mexico điều tra chống bán phá giá với thép cán nóng; Ấn Độ điều tra sợi Filament; Malaysia điều tra chống bán phá giá với tôn kẽm; Philippines điều tra chống bán phá giá với giấy gợn sóng; Nam Phi điều tra tự vệ với thép chống ăn mòn....
Trước "làn sóng" điều tra phòng vệ thương mại gia tăng, Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc do nước ngoài khởi xướng điều tra và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo đó, Cục Phòng vệ thương đã tăng cường cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh để các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp theo dõi và nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội, ngành hàng xử lý các vụ việc phát sinh: hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định điều tra và xây dựng phương án ứng phó.
Bên cạnh đó, trả lời các bản câu hỏi và tham gia các cuộc thẩm tra dành cho Chính phủ Việt Nam; xây dựng lập luận, phản biện, tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài khi hoạt động và kết luận điều tra chưa phù hợp với các quy định quốc tế, pháp luật của nước sở tại; đưa vụ việc ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại tiếp tục được chú trọng. Cục Phòng vệ thương mại cũng đang tích cực triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định 316/QĐ-TTg về hệ thống cảnh báo sớm và Quyết định 824/QĐ-TTg về tăng cường quản lý nhà nước trong phòng chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ.
Nhờ đó, công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: Hoa Kỳ kết luận tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham gia rà soát được hưởng mức thuế suất 0 USD/kg cho kỳ rà soát hành chính lần thứ 20 thuế chống bán phá giá với mặt hàng cá tra - basa phi lê đông lạnh. Một doanh nghiệp được dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng cá tra - basa phi lê đông lạnh.
Canada kết luận sơ-mi-rơ-moóc nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh. Một doanh nghiệp được hưởng thuế 0% trong vụ việc EU điều tra chống bán phá giá với thép cán nóng; Malaysia dỡ bỏ thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nguội hoặc thép không hợp kim.
"Việc các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp/thấp hơn so với các nước cùng bị điều tra đã góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu" - theo Cục Phòng vệ thương mại.
Đẩy mạnh dự báo từ sớm, từ xa
Trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp, việc đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại không còn là “rủi ro hiếm gặp” vì thế cần có sự chủ động thích ứng. Mặt khác, thực tế cho thấy, không phải vụ việc nào cũng dẫn đến kết quả bất lợi nếu Việt Nam chủ động, phối hợp tốt và có chiến lược ứng phó bài bản.
Vì vậy, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - ông Lương Hoàng Thái đã yêu cầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục cần bám sát các doanh nghiệp để có sự hỗ trợ kịp thời, tập trung vào các vụ việc Chính phủ cần tham gia trả lời và các vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn.
Theo đó, thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng trong thời gian qua và các vụ việc mới phát sinh (nếu có); tập trung vào vụ việc chống trợ cấp, điều tra tình hình thị trường đặc biệt, biến thể kinh tế phi thị trường (trong đó Chính phủ là một bên bị điều tra) và các vụ việc liên quan tới các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như thép, gỗ... do tác động lớn.
Ngoài ra, Cục sẽ tiếp tục hỗ trợ xử lý các vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, tập trung vào rà soát biện pháp chống trợ cấp, tình hình thị trường đặc biệt, biến thể kinh tế phi thị trường (trong đó Chính phủ là một bên bị điều tra) và các biện pháp liên quan tới các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như thép, thủy sản... do tác động lớn.
Bên cạnh đó, một số nước mặc dù đã công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường song vẫn quy định và áp dụng những biến thể của kinh tế thị trường như “tình trạng thị trường đặc biệt” hoặc “các quốc gia buộc phải tuân thủ” trong điều tra phòng vệ thương mại để áp đặt, đối xử với một số ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam thuộc quốc gia có nền kinh tế phi thị trường.
Vì thế, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện các kế hoạch được phê duyệt năm 2025 nhằm thực hiện Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 25/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch thúc đẩy các nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại giai đoạn 2024 - 2030”.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đã yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục phát huy những ưu điểm đã có để hoàn thành tốt các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhạy bén với các tình huống phát sinh.
Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Cục Phòng vệ thương mại cần làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin, đảm bảo các hoạt động điều tra được thực hiện một cách công bằng, minh bạch, tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Mặt khác, cần tiếp tục chú trọng và mở rộng công tác cảnh báo sớm để dự báo từ sớm, từ xa các tình huống có thể xảy ra, từ đó chủ động hơn nữa trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.
Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục theo dõi sát sao hoạt động điều tra của các cơ quan phòng vệ thương mại nước ngoài để đảm bảo tuân thủ đúng các cam kết quốc tế và quy định pháp luật. Đồng thời, chủ động trao đổi, can thiệp khi phát hiện bất kỳ điểm bất hợp lý nào gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.