Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Nên hay không?

Trong khi một số Hiệp hội và doanh nghiệp nêu ý kiến, chưa có đủ cơ sở khoa học khẳng định áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là hiệu quả thì đã có 85 quốc gia áp dụng thuế này, tăng gấp 6 lần so với 10 năm trước.

Áp thuế, giảm béo phì?

Tại Hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi)” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 5/7, các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhất tại hội thảo là việc bổ sung nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhiều đại biểu cho rằng, chưa có đủ bằng chứng và cơ sở khoa học thuyết phục để khẳng định việc áp dụng công cụ thuế này sẽ giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân mà cụ thể là phòng tránh nguy cơ thừa cân béo phì, trong khi đó lại có thể gây ra những tác động tiêu cực lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế và đời sống.

Tuy nhiên, thông tin Bộ Tài chính đã từng đưa ra lại cho thấy, đánh thuế đồ uống có đường đã trở thành xu thế chung. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị, Chính phủ các nước hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua việc đánh thuế vào nước giải khát có đường, để định hướng tiêu dùng.

Theo Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN Vũ Tú Thành, thực tiễn một số nước sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB lên mặt hàng nước giải khát có đường lại có tỷ lệ thừa cân béo phì không giảm mà lại tăng qua các năm. Như Chile có thời điểm áp dụng vào năm 2014, giai đoạn 2009-2010, tỉ lệ béo phì ở nam và nữ giới lần lượt là 19,2% và 30,7%. Sau khi áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt, đến giai đoạn 2016-2017, tỉ lệ béo phì ở cả nam và nữ giới Chile đều tăng, lần lượt là 30,3% và 38,4%.

Hội thảo góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Hội thảo góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Một số nước đã phải từ bỏ công cụ này sau một thời gian áp dụng vì không có tác động đáng kể lên việc cải thiện sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo của WHO, cho đến nay, Đan Mạch và Nauy đã chính thức bãi bỏ sắc thuế TTĐB áp dụng với nước giải khát có đường.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã từng dẫn ra số liệu hoàn toàn ngược lại. Việc áp thuế mang lại hiệu quả giảm tiêu thụ đường, theo Bộ Tài chính. Như tại Mexico, sau 2 năm áp dụng, các hộ gia đình đã giảm 12% mua đồ uống có đường, tăng thu thuế thêm 2,6 tỷ USD. Trong ASEAN, có 6 trên 10 nước gồm Thái Lan, Phillippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

85 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát

Góp ý về dự thảo, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đối với không chỉ ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần. Theo một báo cáo được CIEM thực hiện vào năm 2018-2021, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% và nâng thuế GTGT thêm 2% với mặt hàng này thì sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại khoảng 3.791,4 tỷ đồng, trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 2.722,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường … và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.

Trước đó, đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu áp dụng thuế TTĐB, sản lượng tiêu thụ của ngành đồ uống có đường có thể suy giảm trong một vài năm đầu tiên, nhưng sau đó sẽ phục hồi và có thể tiếp tục tăng. Hơn nữa, về bản chất thuế TTĐB là thuế đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ thuế cho người tiêu dùng nên ngoài mức suy giảm trong một thời gian ngắn về sản lượng thì các doanh nghiệp trong ngành ít chịu các tác động khác.

Hiện, các nước đã dần bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Có khoảng 85 quốc gia áp thuế này, tăng gần 6 lần so với cách đây 10 năm.

Khắc Kiên - Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-nen-hay-khong.html