Áp thuế với hàng nhập khẩu giá trị thấp qua chuyển phát nhanh tạo sự cạnh tranh bình đẳng

Từ ngày 18/2, hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng qua chuyển phát nhanh sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo các chuyên gia, chính sách này sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu khi cả hai cùng chịu thuế VAT như nhau và cùng phải chịu kiểm tra chuyên ngành, an toàn thực phẩm.

Ông Đặng Sơn Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết ngay trong ngày đầu thực hiện, ngành hải quan đã thu hơn 6 tỷ đồng tiền thuế VAT từ hàng nhập khẩu giá trị thấp (không bao gồm thuế nhập khẩu).

Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 của Metric cho thấy người tiêu dùng Việt Nam không còn quá e ngại khi đặt mua sản phẩm từ nước ngoài. Cụ thể, năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm được đưa vào Việt Nam, tăng trưởng 37,9% so với năm trước.

Đáng chú ý, phân khúc giá rẻ thấp hơn 200.000 đồng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh cả về doanh số và thị phần, tăng khoảng 3,7% thị phần.

Áp thuế với hàng nhập khẩu giá trị thấp qua chuyển phát nhanh tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu.

Áp thuế với hàng nhập khẩu giá trị thấp qua chuyển phát nhanh tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu.

Theo tính toán của Tổng cục Hải quan từ dữ liệu những năm gần đây, mỗi năm tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ chuyển phát nhanh đạt khoảng 27 nghìn tỷ đồng. Nếu áp dụng mức thuế VAT 10%, ngân sách nhà nước có thể tăng thu khoảng 2,7 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan kỳ vọng số thu sẽ cao hơn nữa vì trước đây, các doanh nghiệp thường chia nhỏ giá trị hàng hóa để hưởng ưu đãi về thuế, nhưng nay hàng hóa giá trị nhỏ sẽ giảm, tiền thuế thu về sẽ tăng lên.

“Bản chất thuế VAT là thuế gián thu, sẽ có đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế, nhưng hàng chuyển phát nhanh về cơ bản là hàng tiêu dùng nên sẽ chịu thuế VAT là 10%”, ông Tùng cho hay.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết, mỗi năm doanh nghiệp có doanh thu bán lẻ trong nước trên 500 tỷ đồng, trong đó 80% sản phẩm có giá trị dưới 1 triệu đồng. “Cùng một chính sách thuế nhưng doanh nghiệp bán lẻ những đơn hàng giá trị nhỏ trong nước phải chịu thuế VAT, trong khi các nhà nhập khẩu và các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới lại được miễn thuế đã tạo ra cạnh tranh không bình đẳng. Hàng hóa nhập khẩu sẽ bán giá rẻ hơn, đương nhiên người tiêu dùng dễ tiếp cận và dễ mua hơn. Chính vì vậy, việc đánh thuế tạo ra sự công bằng, là quyết định rất kịp thời”, ông Việt nói.

Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, giá bán hàng xuyên biên giới trên sàn thương mại điện tử sẽ tăng do phải chịu thêm khoản thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu và khách hàng sẽ là người chi cho khoản tăng này. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, nhà bán hàng nước ngoài sẽ nỗ lực giảm chi phí hoặc chấp nhận giảm bớt một phần lợi nhuận để giữ chân khách hàng.

Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, quy định này có thể khiến giá hàng hóa khi nhập khẩu từ ngoài lãnh thổ vào Việt Nam không còn sức hút vì giá quá cạnh tranh.

“Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn về hàng hóa nhập khẩu khi mua sắm, từ đó tăng cường nhu cầu đối với hàng hóa nội địa, nhất là sản phẩm có chất lượng tương đương. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nội địa cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Ninh nói.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/ap-thue-voi-hang-nhap-khau-gia-tri-thap-qua-chuyen-phat-nhanh-tao-su-canh-tranh-binh-dang-1105043.html