Tỷ giá ngoại tệ, tỷ giá USD/VND hôm nay 21/2: Yen Nhật bứt phá, thị trường 'mệt mỏi' vì thuế quan
Tỷ giá ngoại tệ, tỷ giá USD/VND hôm nay 21/2 ghi nhận đồng USD đã giảm so với các loại tiền tệ chính vào phiên giao dịch vừa qua.
Bảng cập nhật tỷ giá ngoại tệ - tỷ giá USD Agribank hôm nay

Diễn biến tỷ giá tại thị trường trong nước
Trên thị trường trong nước, ghi nhận của TG&VN lúc 8h ngày 21/2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 10 đồng, hiện ở mức 24.643 đồng.
Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức: 23.461 đồng - 25.825 đồng.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào-bán ra như sau:
Vietcombank: 25.320 - 25.710 đồng.
Vietinbank: 25.170- 25.750 đồng.

Tỷ giá ngoại tệ, tỷ giá USD/VND hôm nay 21/2: Yen Nhật bứt phá, thị trường 'mệt mỏi' vì thuế quan. (Nguồn: Tradestation)
Diễn biến tỷ giá trên thị trường thế giới
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,79%, xuống mức 106,38.
Đồng USD đã giảm so với các loại tiền tệ chính vào phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà đầu tư đánh giá các kế hoạch thuế quan mới nhất của Tổng thống Donald Trump.
Dữ liệu của Mỹ cho thấy, các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu phù hợp với kỳ vọng.
Ngoài ra, một báo cáo cho rằng, tăng trưởng sản lượng nhà máy chậm lại ở khu vực giữa Đại Tây Dương trong tháng 2 đã có tác động tối thiểu đến thị trường tiền tệ. Các báo cáo không thay đổi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất trong vài tháng.
Tuy nhiên, chính sách thuế quan vẫn là mối quan tâm chính đối với các nhà đầu tư tiền tệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào ngày 19/2 rằng, ông sẽ công bố mức thuế quan mới trong tháng tới hoặc sớm hơn đối với ô tô nhập khẩu, chất bán dẫn và dược phẩm, thêm gỗ và các sản phẩm từ rừng vào các kế hoạch đã công bố trước đó.
Ông Paresh Upadhyaya, Giám đốc chiến lược tiền tệ tại Amundi U.S. ở Boston nhận định: “Thị trường đã đạt đến trạng thái mệt mỏi với thuế quan đến mức không phản ứng nhiều, giống như những gì đã xảy ra ngay sau cuộc bầu cử vào tháng 11, tháng 12 và thậm chí là tháng 1”.
Trong phiên giao dịch buổi chiều, đồng EUR tăng 0,7% so với đồng USD, đạt mức 1,0499 USD, tăng sau ba ngày giảm liên tiếp.
Một báo cáo khác cũng gây sức ép không nhỏ lên đồng USD, đó là chỉ số sản xuất hằng tháng của Fed bang Philadelphia đã giảm từ mức 44,3 điểm vào tháng 1 xuống còn 18,1 điểm vào tháng 2, xác lập mức giảm 26,2 điểm - mức giảm lớn nhất trong gần 5 năm.
“Động lực kinh tế của Mỹ đang chậm lại và không tạo ra bối cảnh hỗ trợ cho đồng USD. Chính sách tiền tệ của Fed chỉ có thể hỗ trợ rất ít cho đồng bạc xanh”, Boris Kovacevic, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại công ty thanh toán Convera ở Vienna cho biết.
Trong khi đó, đồng Yen tăng lên mức đỉnh trong 11 tuần so với đồng bạc xanh, khi các khoản cược tăng lên cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ).
Yen tăng lên mức đỉnh trong 11 tuần là 149,40 Yen/USD.
Bảng Anh cũng tăng 0,6% so với đồng USD, đạt mức 1,2664 USD.