APEC trước thách thức về tăng trưởng cân bằng, bền vững và toàn diện

Ngày mai, 18-11, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 dự kiến khai mạc tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, với chủ đề 'Mở-Kết nối-Cân bằng'. Nhiệm vụ của hội nghị APEC năm nay là nêu bật được tầm quan trọng của việc thúc đẩy hội nhập kinh tế, tài chính và xã hội cũng như những cách thức để đạt được 'tăng trưởng bao trùm'.

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 dự kiến khai mạc ngày 18-11 với chủ đề “Mở-Kết nối-Cân bằng.” “Mở” ở đây là mở cửa cho tất cả các cơ hội. “Kết nối” là tái kết nối khu vực. Và ưu tiên cuối cùng là “Cân bằng” tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, đồng thời đảm bảo sự tham gia và mang lại lợi ích công bằng cho tất cả mọi người. Ảnh: Reuters

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 dự kiến khai mạc ngày 18-11 với chủ đề “Mở-Kết nối-Cân bằng.” “Mở” ở đây là mở cửa cho tất cả các cơ hội. “Kết nối” là tái kết nối khu vực. Và ưu tiên cuối cùng là “Cân bằng” tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, đồng thời đảm bảo sự tham gia và mang lại lợi ích công bằng cho tất cả mọi người. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 17-11 đã hối thúc các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cùng nhau thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững trước những thách thức toàn cầu. Lời kêu gọi được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2022 tổ chức tại Bangkok.

Phát biểu tại hội nghị, ông Prayut cho biết các ưu tiên của APEC được định hướng theo sáng kiến Kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh mà Thái Lan đã đưa ra như một chiến lược phục hồi sau Covid-19 và một kế hoạch chi tiết cho tăng trưởng dài hạn cân bằng, bền vững và toàn diện hơn. Ông nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của khu vực tư nhân trong quá trình này, đồng thời liệt kê 3 lĩnh vực mà chính phủ và doanh nghiệp có thể hợp tác chặt chẽ với nhau.

Đầu tiên là thúc đẩy bền vững trong bối cảnh thế giới đối mặt những thách thức môi trường chưa từng có, bao gồm bão và hạn hán với mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiệt độ và mực nước biển tăng, chất lượng không khí xấu đi và mất đa dạng sinh học.

Tiếp theo là tăng trưởng bao trùm. Nhà lãnh đạo Thái Lan cho rằng các nền kinh tế cần phải đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển và cần đảm bảo các lợi ích của sự tăng trưởng này hiện hữu ở tất cả các cấp độ trong khu vực.

Lĩnh vực sau cùng là số hóa. Ông Prayut khẳng định chuyển đổi kỹ thuật số hiệu quả mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực, đồng thời sẽ là một động lực kinh tế đáng kể đóng góp vào sự phát triển lâu dài của khu vực.

Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC năm nay có chủ đề “Chào đón tương lai: Nắm bắt, tham gia, kiến tạo,” tập trung vào tăng trưởng và phát triển bao trùm, bền vững, đổi mới, chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực, số hóa và bình đẳng giới. Hội nghị mang đến cơ hội cho lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu tham gia đối thoại với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC.

Sau hai năm diễn ra theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) có cơ hội gặp gỡ trực tiếp tại thủ đô Bangkok của Thái Lan để cùng thảo luận và thống nhất các giải pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư, phục hồi tăng trưởng và tăng trưởng bao trùm trong một thế giới đang chuyển động phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó đoán định.

Trên thực tế, đây là năm đầu tiên APEC triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa – được thông qua năm ngoái khi New Zealand chủ trì nhóm, nhằm thực hiện Tầm nhìn Putrajaya về một “Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040 vì sự thịnh vượng của tất cả mọi người và các thế hệ tương lai.”

Chính vì vậy, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đánh dấu sự bình thường trở lại sau những mất mát, gián đoạn vì đại dịch Covid-19 suốt gần 3 năm qua mà còn là dịp để các thành viên tái kết nối với nhau, cùng hợp tác phục hồi kinh tế hậu Covid-19, tăng cường liên kết kinh tế và kết nối khu vực, cũng như thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm.

Với tư cách Chủ tịch APEC 2022, Thái Lan đã xây dựng chương trình nghị sự với chủ đề “Mở-Kết nối-Cân bằng” cho mục tiêu nói trên.

APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, đại diện cho khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Các nền kinh tế APEC đặt mục tiêu mang lại sự thịnh vượng lớn hơn cho người dân trong khu vực bằng cách thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bao trùm, bền vững, đổi mới và an toàn cũng như bằng cách đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực.

Trong hai thập niên qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đạt tốc độ phát triển nhanh chóng và sự thịnh vượng ngày càng tăng. Tuy vậy, thách thức đặt ra hiện nay là làm sao đảm bảo tất cả các nền kinh tế APEC đều có tốc độ tăng trưởng dương như nhau. Có thể thấy sau nhiều thập niên dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế, khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày nay là một khối kinh tế lớn song có sự phân hóa kinh tế xã hội rõ rệt giữa các thành viên giàu nhất và nghèo nhất.

Định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng trưởng bao trùm tập trung vào sự thịnh vượng chung, mà các nhà kinh tế thường đo lường bằng cách phân tích mức tăng trưởng thu nhập hằng năm của 40% dân số nghèo nhất của một nền kinh tế. Như vậy, sự thịnh vượng chung không thể đạt được khi các hộ gia đình nghèo không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế chung.

Tổng hợp từ AFP, Reuters, TTXVN

Y.Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/apec-truoc-thach-thuc-ve-tang-truong-can-bang-ben-vung-va-toan-dien/