Apple áp dụng các chuẩn USB-C khác nhau trên iPhone 15 gây ra nhiều rắc rối
Mặc dù việc chuyển đổi sang sử dụng cổng USB-C thay vì Lightning là một bước tiến lớn của Apple, song quá trình này lại mang đến nhiều sự phức tạp.
Hôm 12/9, Apple đã giới thiệu các dòng iPhone 15 và iPhone 15 Pro với nâng cấp được mong chờ nhất là việc đổi cổng Lightning độc quyền sang USB-C. Mặc dù động thái này có thể được thúc đẩy bởi các quy định của EU, nhưng việc tất cả các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn đều sử dụng cùng một cổng để truyền dữ liệu và sạc là một bước phát triển tích cực. Thật không may, quá trình chuyển đổi từ Lightning sang USB của Apple đối với iPhone 15 dường như đang mang lại một số nhầm lẫn cho tiêu chuẩn kết nối tưởng như phổ biến này.
Mặc dù có cùng điểm chung là kết nối USB-C, nhưng chúng lại phụ thuộc vào các tiêu chuẩn khác để quy định những thứ như tốc độ dữ liệu, khả năng cung cấp điện… Và cách Apple triển khai USB-C trên iPhone 15 series đang khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn.
Vấn đề đầu tiên là việc truyền dữ liệu trên iPhone 15 và 15 Plus bị giới hạn ở tốc độ USB 2.0 (480 Mbps), tương tự như tốc độ người dùng nhận được trên cổng Lightning. Trong khi đó, iPhone 15 Pro và Pro Max có hỗ trợ truyền dữ liệu “USB 3" với tốc độ lên tới 10 Gbps, nhanh hơn khoảng 20 lần so với các mẫu máy cơ bản.
Đó là một sự khác biệt lớn và không rõ vì sao Apple lại giới hạn iPhone 15 và 15 Plus ở mức độ này. Ngoài ra, việc Apple sử dụng "USB 3" để mô tả tốc độ truyền tải trên iPhone 15 Pro và 15 Pro Max có vẻ không hoàn toàn đúng. USB 3.0 (không giống với USB 3) có tốc độ tối đa 5 Gbps, tức Apple đang sử dụng USB 3.1 Gen 2 hoặc USB 3.2 Gen 2 trên điện thoại mới của mình (cả hai đều có tốc độ lên tới 10 Gbps) và chỉ gắn nhãn là USB 3 để đơn giản hóa tên gọi.
Điều này đã bắt đầu khiến người dùng bối rối và đó là một lý do tại sao tổ chức USB-IF muốn các công ty nêu rõ tốc độ truyền dữ liệu thiết bị của họ thay vì trích dẫn tên phiên bản USB.
Ở mức độ thực tế hơn, việc cố gắng mua cáp hoặc bộ chuyển đổi phù hợp cho thiết bị của người dùng có thể là một thách thức lớn. Hiện tại, nếu người dùng truy cập trang web của Apple, nhấp vào tab Phụ kiện, chọn duyệt theo sản phẩm (trong trường hợp này là iPhone) và chọn phần Nguồn & Cáp, thực tế người dùng sẽ không thể tìm thấy bất kỳ dây USB-C nào trên trang đó. Thay vào đó, người dùng phải tìm đến phần iPad hoặc Mac, nơi họ có thể chọn giữa các cáp USB-C hai đầu dài 1 mét với giá 19 USD, hoặc 2 mét với giá 29 USD.
Nhưng ngay cả với sợi cáp này, mọi thứ vẫn hơi kỳ lạ. Đó là vì dây một mét mang lại tốc độ sạc lên tới 60 watt trong khi dây hai mét có thể xử lý công suất lên tới 240 watt. Con số đó là quá nhiều vì tất cả các phiên bản của iPhone 15 đều chỉ hỗ trợ sạc 27 watt. Theo đó, cả hai loại cáp đều chỉ hỗ trợ truyền dữ liệu với “tốc độ USB 2” hay còn gọi là 480 Mbps.
Được biết, Apple cũng không cung cấp thông số kỹ thuật cho bộ dây tặng kèm với iPhone 15 Pro và rất có thể cáp sạc USB-C này cũng sẽ bị giới hạn tốc độ truyền tải ở mức USB 2. Điều này khiến người dùng đã bỏ một khoản tiền lớn để trải nghiệm những nâng cấp mới trên thiết bị nhưng lại đang bị chính Apple giới hạn trải nghiệm bởi bộ cáp không tương thích.
Hơn nữa, trong phần phụ kiện iPhone, bộ sạc USB-C cũng chỉ hỗ trợ công suất sạc 20 watt, không tận dụng tối đa tốc độ sạc của dòng iPhone mới nhất. Vì vậy, nếu người dùng không có sẵn bộ sạc từ MacBook hoặc iPad Pro, họ sẽ cần phải trả thêm tiền cho bộ sạc đó để tận dụng tối đa khả năng của các mẫu điện thoại mới.
Ngoài ra, cũng không rõ liệu iPhone 15 có hỗ trợ USB Power Delivery với PPS (nguồn điện có thể lập trình) cho phép thiết bị và bộ sạc tự động điều chỉnh điện áp để đạt được tốc độ và hiệu quả cao nhất hay không.
Tuy nhiên, vẫn còn sớm và dòng iPhone 15 thậm chí còn chưa được bán ra, vì vậy nhiều khả năng trong tương lai gần Apple sẽ tung ra nhiều tùy chọn hơn để hỗ trợ các thiết bị mới nhất của mình. Tuy nhiên, đối với Apple – một công ty từ lâu đã tự hào về việc tạo ra các thiết bị hoạt động mượt mà, trơn tru – việc ra mắt USB-C trên iPhone có vẻ là một quá trình khá phức tạp.