Apple đóng cửa các ứng dụng của bên thứ ba kích hoạt iMessage trên Android
Apple vừa cho biết đã đóng cửa các ứng dụng bên thứ ba cho phép thiết bị Android sử dụng dịch vụ iMessage để liên lạc với người dùng iPhone.
Nhà sản xuất iPhone tuyên bố “đã thực hiện các bước để bảo vệ người dùng bằng cách chặn các kỹ thuật khai thác thông tin đăng nhập giả mạo để có quyền truy cập vào iMessage”.
Apple nói thêm rằng “những kỹ thuật này gây ra rủi ro đáng kể với bảo mật và quyền riêng tư của người dùng, bao gồm khả năng lộ siêu dữ liệu (metadata) và tạo điều kiện cho các tin nhắn, thư rác cùng những cuộc tấn công lừa đảo không mong muốn”.
Công ty thông báo sẽ tiếp tục thực hiện những thay đổi trong tương lai để bảo vệ người dùng. Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi Beeper Mini, ứng dụng mới nhất kích hoạt iMessage trên thiết bị Android, ngừng hoạt động.
iMessage của Apple cung cấp tin nhắn được mã hóa giữa iPhone, Mac, iPad và các thiết bị khác do công ty sản xuất. Apple đã từ chối các lời kêu gọi mở rộng dịch vụ iMessage sang Android trong gần một thập kỷ qua.
Một số người dùng từ lâu lập luận rằng việc thiếu ứng dụng iMessage cho Android khiến việc nhắn tin giữa hai nền tảng trở nên kém an toàn hơn. Apple gần đây cho biết sẽ hỗ trợ RCS (Rich Communication Services) vào cuối năm 2024.
RCS là sự thay thế cho dịch vụ SMS tiêu chuẩn sẽ mang lại trải nghiệm nhắn tin được cải thiện giữa các nền tảng. Với RCS, được coi là tiêu chuẩn ngành công nghiệp cho tin nhắn, người dùng có thể gửi và nhận ảnh và video chất lượng cao, trò chuyện qua Wi-Fi hoặc dữ liệu di động và biết khi nào tin nhắn đã được đọc, cùng với các tính năng khác.
Công ty Beeper Mini do Eric Migicovsky thành lập, được biết đến với việc tạo ra đồng hồ thông minh Pebble trong những năm trước khi Apple Watch trình làng và là thành viên của Y Combinator, vườn ươm doanh nghiệp uy tín nhất ngành công nghệ.
Trong một cuộc phỏng vấn, Eric Migicovsky cho biết công ty mới của ông vẫn tiếp tục phát triển Beeper Mini và “cảm thấy hài lòng” về việc một lần nữa vượt qua được các hạn chế của Apple. Ông nói rằng Beeper Cloud, một biến thể của Beeper Mini, vẫn đang hoạt động. Ông cho biết Beeper Mini an toàn hơn và kết nối trực tiếp với các dịch vụ của Apple, trong khi Beeper Cloud sử dụng máy chủ bên thứ ba.
Eric Migicovsky nói: “Niềm đam mê và năng lượng mà mọi người dành cho Beeper Mini trong tuần này cho thấy tầm quan trọng của những gì chúng tôi đang làm”.
Eric Migicovsky phủ nhận việc Beeper Mini tạo ra các vấn đề bảo mật cho người dùng, đồng thời cho biết ứng dụng của ông cho phép tin nhắn được mã hóa giữa Android và iOS, nên “bảo mật kém hơn là một quan niệm sai lầm”.
Cho biết chưa nghe thông tin gì từ Apple về dịch vụ của mình, Eric Migicovsky bán Beeper Mini với giá đăng ký 1,99 USD mỗi tháng sau một tuần dùng thử miễn phí. Apple không tính phí đăng ký sử dụng iMessage trên các thiết bị của mình.
Apple cho biết không thể xác minh rằng các tin nhắn được gửi qua hệ thống trái phép giả mạo việc sử dụng thông tin đăng nhập của hãng thực sự mã hóa hai đầu. Các dịch vụ khác, gồm cả Sunbird, trước đây cố gắng giúp iMessage hoạt động trên Android. Những nỗ lực đó cũng bị Apple ngăn chặn.
Dù sẽ hỗ trợ RCS vào năm tới, các lãnh đạo Apple đã công khai bác bỏ ý tưởng tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng iOS và Android giao tiếp.
Năm ngoái, Tim Cook - Giám đốc điều hành Apple đã gợi ý rằng “người dùng nào muốn nhắn tin dễ dàng hơn với mẹ mình trên smartphone Android thì hãy mua cho bà một chiếc iPhone”.
Craig Federighi, Giám đốc kỹ thuật phần mềm của Apple, viết trong một email gửi tới các đồng nghiệp cách đây vài năm rằng “iMessage trên Android chỉ nhằm mục đích loại bỏ trở ngại với các gia đình có iPhone muốn cho con họ mua điện thoại Android”.
Hệ điều hành của Apple sẽ mở rộng hơn nữa vào năm tới tại Liên minh châu Âu (EU) với Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, điều này sẽ yêu cầu Apple cho phép các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba trong khu vực này.
iMessage có sẵn cho iPhone, Mac và iPad. Những ai nhắn tin thường xuyên với người dùng smartphone Android nói rằng bong bóng màu xanh lá cây, khi tin nhắn SMS xuất hiện trên iPhone, là trải nghiệm kém sang hơn.
Nếu áp dụng tiêu chuẩn nhắn tin RCS, Apple sẽ giải quyết các vấn đề mà người dùng smartphone Android và iPhone đã phàn nàn từ lâu khi nhắn tin cho nhau (chẳng hạn như video và ảnh bị mờ hoặc nén), đồng thời loại bỏ việc mô tả biểu tượng cảm xúc của người dùng iPhone với một tin nhắn từ smartphone Android. Chẳng hạn như iPhone sẽ không gửi lại tin nhắn Sam thích 'Hẹn gặp lại' cho người dùng smartphone Android mà chỉ hiển thị biểu tượng trái tim trên tin nhắn gốc Hẹn gặp lại.
Về cơ bản, RCS sẽ biến tin nhắn văn bản thành trải nghiệm trò chuyện đầy đủ hơn, tương tự như những gì mà Apple đang làm với iMessage. Điều khác biệt là RCS sẽ hoạt động trên nhiều smartphone, nhà cung cấp và hệ điều hành. RCS được tích hợp ngay trên ứng dụng tin nhắn của smartphone Android.
RCS cũng dần có được khả năng mã hóa tương đương với iMessage, đã hỗ trợ mã hóa đầu cuối (E2EE) trong các cuộc trò chuyện 1 – 1 và được triển khai trong các cuộc trò chuyện nhóm cuối năm nay.
Hồi tháng 8.2022, Google đã khởi động chiến dịch công khai nhằm gây áp lực buộc Apple phải áp dụng RCS.
Gã khổng lồ tìm kiếm đã tạo ra một trang web có tên Get The Message, đưa ra hàng loạt lập luận quen thuộc về lý do tại sao Apple nên hỗ trợ tiêu chuẩn này. Nói chung, nó liên quan đến việc đảm bảo quá trình nhắn tin mượt mà hơn giữa iPhone và thiết bị Android. Google cũng tạo hashtag #GetTheMessage để thu hút sự chú ý và lan tỏa nó.
Tại hội nghị nhà phát triển I/O thường niên của mình năm ngoái, Google cho biết hãng hy vọng “mọi hệ điều hành di động đều nâng cấp lên RCS”.
Apple đã có mọi thứ ở hiện tại khi khóa chặt khách hàng trong hệ sinh thái của họ. Apple cung cấp giao tiếp liền mạch (nhưng chỉ giữa những người dùng iMessage) và biến bong bóng tin nhắn màu xanh lá cây của Android thành một “điểm tối” tinh tế. Đó là lý do tại sao các lãnh đạo Apple thừa nhận trong email nội bộ rằng việc đưa iMessage vào Android sẽ “làm hại Apple nhiều hơn là giúp công ty".
Tại hội nghị I/O hồi tháng 5, Google đã dành một chút thời gian trong buổi thuyết trình hàng năm để gọi tên Apple và đám đông rất hào hứng vì điều đó.
"Khi đang nhắn tin trong một cuộc trò chuyện nhóm, bạn không cần phải lo lắng về việc liệu mọi người có sử dụng cùng loại điện thoại hay không. Gửi hình ảnh và video chất lượng cao, nhận thông báo khi nhập tin nhắn và mã hóa đầu cuối sẽ hoạt động tốt", Sameer Samat, Phó chủ tịch quản lý sản phẩm của Google, nói tại hội nghị I/O, khiến khán giả bật cười và cổ vũ.
Sameer Samat cho biết: "Chúng tôi hy vọng mọi hệ điều hành di động đều hiểu và chấp nhận RCS… Qua đó, tất cả chúng ta có thể tham gia trò chuyện nhóm cùng nhau bất kể đang sử dụng thiết bị nào", ông nói thêm.
Sameer Samat cho biết hơn 800 triệu người đang sử dụng chuẩn RCS, với kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 1 tỉ vào cuối năm nay.
RCS được chọn làm giải pháp thay thế tiềm năng cho nhắn tin SMS vào năm 2008. Không giống như SMS hoạt động qua mạng của nhà cung cấp dịch vụ, RCS hoạt động qua internet, nghĩa là có thể hỗ trợ tốt hơn các tính năng đa phương tiện qua nhắn tin, giúp gửi ảnh GIF và video có độ phân giải cao dễ dàng hơn. RCS cũng giúp cho việc nhắn tin nhóm dễ dàng hơn.
"Từ quan điểm của Google, chúng tôi nghĩ rằng mọi người dùng Android chỉ nên nhắn tin qua Wi-Fi", Sanaz Ahari, người giám sát Android và các thông tin kinh doanh tại Google, nói với trang The Verge. Bà cho biết thêm rằng Apple và Google có "rất nhiều cuộc thảo luận" về vấn đề này.
Kể từ khi phát động chiến dịch kêu gọi Apple áp dụng RCS, Google đã đưa ra các lời chỉ trích khác nhắm vào đối thủ, gồm bài đăng kỷ niệm 30 năm của nhắn tin SMS, gọi iPhone "bị mắc kẹt trong những năm 1990", quảng cáo trên tấm biển vào dịp năm mới kêu gọi Apple khắc phục vấn đề các ảnh, video bị nhòe trong tin nhắn...