Apple sẽ đầu tư hơn 1 tỷ Euro mở rộng trung tâm thiết kế chip tại Đức
Khoản đầu tư này sẽ được chi cho việc thành lập 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) mới tại trung tâm đặt ở thành phố Munich (Đức).
Trong thông báo ngày 2/3, Apple công bố khoản đầu tư 1 tỷ Euro (tương đương khoảng 1,1, tỷ USD) để mở rộng trung tâm thiết kế vi mạch tại thành phố Munich. Theo AFP, số tiền đầu tư này dự kiến được phân bổ trong vòng 6 năm tới. Đây sẽ là khoản đầu tư mới nhất sau cam kết đầu tư 1 tỷ Euro được đưa ra vào năm 2021 trước đó, với mong muốn Munich trở thành trung tâm thiết kế silicon ở châu Âu của hãng.
Munich hiện là trung tâm kỹ thuật lớn nhất của Apple tại châu Âu, với gần 2.000 kỹ sư từ 40 quốc gia làm việc trong nhiều lĩnh vực bao gồm thiết kế quản lý điện năng, bộ xử lý ứng dụng và công nghệ không dây.
CEO Apple Tim Cook cho biết: "Nhóm kỹ sư của Apple ở Munich đang đi đầu trong việc đổi mới sáng tạo giúp định hướng các công nghệ mới, sẽ đóng vai trò trung tâm trong các sản phẩm của Apple".
Cơ sở mới sẽ thuê hàng trăm nhân viên và tập trung vào việc đổi mới sáng tạo và thiết kế chip. Quá trình nghiên cứu và phát triển tại cơ sở này sẽ là nền tảng cho các thiết kế chip của Apple trong tương lai.
Ông Johny Srouji, Phó Chủ tịch cấp cao về công nghệ phần cứng của Apple nói rằng, các nhóm R&D ở Munich sẽ góp phần phát triển các sản phẩm mang lại hiệu suất, hiệu quả và tiết kiệm điện năng cao hơn.
Động thái này được cho là nỗ lực của Apple trong chiến lược phát triển chip riêng cho các dòng sản phẩm của công ty, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài.
Cũng trong tuần này, Apple đang có kế hoạch chuyển sang dùng chip modem 5G do chính Apple sản xuất cho các mẫu iPhone mới vào năm 2024, CNBC đưa tin.
Những biến động về chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu, cản trở các ngành công nghiệp quan trọng. Diễn biến đó cũng khiến các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ phải tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.