'Apple thời Tim Cook thành công nhưng chẳng có siêu phẩm nào'
Những sản phẩm rất thành công của Apple trong 10 năm qua đều chỉ là phụ kiện bổ trợ cho iPhone.
Bài viết là quan điểm của nhà báo Walt Mossberg trên The Verge.
Làm thế nào để thay thế một huyền thoại như Steve Jobs, đồng thời phải thay đổi để thích nghi với sự đi xuống của sản phẩm quan trọng nhất, mang tính biểu tượng của công ty bạn? Đó là thử thách kép mà Apple phải đối mặt trong thập kỷ vừa qua. Dưới sự dẫn dắt của CEO Tim Cook, công ty này đã tìm được một vài đáp án và vẫn đang rất thành công về mặt tài chính, nhưng cũng không tránh khỏi một số quyết định sai lầm và sự thay đổi lớn trong phương hướng kinh doanh.
Trong thập kỷ vừa qua, Apple đã trở thành một công ty khổng lồ. Doanh thu năm tài chính 2019 của họ gấp 6 lần doanh thu năm 2009. Trụ sở mới được khai trương thậm chí còn lớn hơn Lầu Năm Góc. Mỗi mảng kinh doanh của họ, nếu tách ra, đều có thể lọt vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới.
Thế nhưng sản phẩm của họ, và văn hóa mà họ từng tạo ra thì sao?
Sự khác biệt lớn của Tim Cook
Khi bước vào thập kỷ này, Jobs vẫn lãnh đạo Apple nhưng sức khỏe đã đi xuống rõ rệt. Vào tháng 1/2010, ông giới thiệu chiếc iPad, sản phẩm cuối cùng trong chuỗi sản phẩm làm thay đổi hoàn toàn ngành phần cứng từ năm 1998 của Apple. Ngay từ khi được giới thiệu, iPad đã cho thấy rõ tiềm năng.
Không lâu sau, sức khỏe kém khiến Jobs phải nhường hẳn vị trí CEO cho Tim Cook. Ông qua đời tháng 10/2011.
Tim Cook là người đứng đầu chuỗi vận hành toàn cầu của Apple. Ông biết rõ từng chân tơ kẽ tóc của Apple. Tuy nhiên, ông không phải người làm sản phẩm, và cũng không có mối quan hệ gần gũi với "phù thủy thiết kế" Jony Ive như Jobs. Do vậy, ông nhường hầu hết quyết định về phần cứng lẫn phần mềm cho Ive.
Với Apple lúc đó, họ chịu sức ép phải tạo ra một sản phẩm đẹp, cao cấp và đột phá để giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái. Khi đó, sản phẩm được nhiều người suy đoán là một chiếc TV, dựa trên lời kể của Jobs với nhà văn Walter Isaccson là ông đã "vượt qua rào cản" của ngành. Cook cũng không ngần ngại gợi ý rằng Apple có thể tham gia ngành truyền hình, nhưng rồi kế hoạch đó đã không thành hiện thực.
Những sản phẩm đáng nhớ đầu tiên của Apple dưới thời Tim Cook lại là các sản phẩm được thiết kế từ thời Steve Jobs: MacBook Air thiết kế lại năm 2010 và chiếc iPhone 4.
Tới năm 2015, sản phẩm hoàn toàn mang dấu ấn từ thời Tim Cook mới xuất hiện. Đó chính là chiếc Apple Watch. Tuy nhiên, cũng phải 2 năm sau, tới thế hệ thứ ba thì Apple Watch mới thật sự kết hợp được phần cứng, phần mềm và các chức năng một cách tốt nhất.
Sản phẩm nổi bật còn lại dưới thời Cook chính là AirPods, tai nghe không dây hoàn toàn được ra mắt năm 2016. Giờ đây nó xuất hiện ở mọi nơi, và trông như một chiếc khuyên tai bằng nhựa màu trắng.
Apple không cho biết họ đã bán được bao nhiêu chiếc Watch hay AirPods, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng chúng chiếm thị phần áp đảo trong phân khúc sản phẩm. Giống nhiều sản phẩm Apple trước đây, Watch và AirPods khiến các đối thủ của Apple điên cuồng tìm cách vượt qua.
Thành công và thất bại của CEO Apple
Dù vậy, hai sản phẩm này chưa thể tạo được dấu ấn hay số lượng như những sản phẩm tốt nhất thời Jobs. Kể cả dòng iPad, giờ đây đang dần đi xuống về doanh thu, vẫn tạo ra doanh thu gần bằng toàn bộ danh mục "thiết bị đeo, trong nhà và phụ kiện", bao gồm Apple Watch và AirPods.
Đây không phải là lỗi của Cook. Những ngành công nghiệp đều phải thay đổi, và cả thập kỷ vừa qua chẳng có thiết bị nào đạt được thành công như iPhone.
Tuy nhiên, Cook vẫn phải chịu trách nhiệm với một loạt hành động khiến cho dòng máy Macintosh thất thế trong nhiều năm. MacBook Air, chiếc máy tính được yêu thích bị ngó lơ trong 5 năm. Mac Pro, sản phẩm được nhiều người dùng chuyên nghiệp lựa chọn thì bị chê trách về thiết kế với phiên bản "thùng rác" năm 2013.
Một số ý kiến trong cuộc cho rằng Cook đã để cho đội ngũ thiết kế của Ive quyền quyết định quá lớn, đánh mất sự cân bằng giữa thiết kế và kỹ thuật, điều mà Jobs từng làm được.
Điều này có thể thấy rõ với dòng máy MacBook Pro, khi Apple quá nhấn mạnh vào độ mỏng làm cho bàn phím tệ hại và loại bỏ phần lớn cổng kết nối. Phải tới thế hệ MacBook Pro gần nhất, khi Ive đã rời công ty, Apple mới làm ra được một bàn phím chấp nhận được trên MacBook Pro, cùng thiết kế thân thiện hơn trên Mac Pro. Dù vậy, cổng chuyển đổi vẫn trở thành một trải nghiệm không thể bỏ qua của các sản phẩm Apple nói chung.
Một thành công khác của Tim Cook cũng đáng nhắc đến là thay đổi iPhone để thích ứng với sự đi xuống của dòng sản phẩm nói chung. Thay đổi đầu tiên là năm 2014, khi Apple giới thiệu iPhone 6 Plus màn hình lớn, giống như hướng đi của các hãng Android. Doanh số năm đó lập tức tăng vọt, và iPhone màn hình lớn trở nên quen thuộc.
Thay đổi đó không đủ để kéo dài đà tăng trưởng. Sau khi doanh số iPhone bắt đầu tụt dốc, Apple buộc phải tăng giá iPhone, sau đó quyết định chỉ báo cáo doanh thu chứ không cho biết số lượng iPhone bán ra nữa. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý, vì trong quá khứ Apple luôn thích khoe con số bán ra.
Dù có tin đồn Apple đang phát triển kính thực tế ảo và xe tự lái, nỗ lực lớn nhất của Cook dồn vào ngành dịch vụ. Số lượng dịch vụ của Apple tăng đều theo năm: Apple Music, Pay, News+, Card, Arcade, và gần đây nhất là TV+. Đây là những ngành dịch vụ mà chúng ta không thể tưởng tượng ra với Apple dưới thời Steve Jobs, nhưng lại rất quan trọng đối với hệ sinh thái Apple. Quả là một ván bài lớn với công ty này.
Một ván bài khác của Apple là tập trung vào quyền riêng tư và tìm cách tạo sự khác biệt với những công ty liên tục bị chỉ trích như Facebook và Google. Tim Cook thậm chí từng lựa chọn đối đầu với FBI vào năm 2016 để đảm bảo độ bảo mật của chiếc iPhone. Dù vậy, họ vẫn bị chỉ trích về vấn đề lưu trữ dữ liệu tại Trung Quốc.
Apple ngày nay vẫn là công ty sản phẩm quan trọng nhất, ảnh hưởng tới nhiều ngành công nghệ và cả xã hội. So với thập niên trước, họ giàu lên rất nhiều.
Dù vậy, câu hỏi vẫn không khác biệt so với 10 năm trước: liệu họ có tung ra được một sản phẩm cách mạng nữa hay không?