Ảrập Xêút và Lebanon: Sự tương phản giữa hai nền kinh tế
Trong khi nền kinh tế Ảrập Xêút được đánh giá có triển vọng và khởi sắc thì Lebanon (Libăng) lại đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Điều này làm nổi bật lên sự tương phản giữa hai quốc gia ở Trung Đông.
Kinh tế Ảrập Xêút tăng trưởng mạnh mẽ
Dựa trên các dự báo kinh tế mới nhất cho thấy, nền kinh tế của Ảrập Xêút đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Công ty Capital Economics ước tính rằng, kinh tế của quốc gia này trong quý II.2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng cao chủ yếu đến từ sự khởi sắc trong lĩnh vực dầu mỏ với mức tăng 23,1%. Cụ thể, ngành dầu mỏ của Ảrập Xêút đã duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ với sản lượng tăng từ 10,36 triệu thùng/ngày trong tháng 4 lên 10,42 triệu thùng/ngày trong tháng 5, tương ứng với mức tăng trưởng 22,9%… Bên cạnh đó, việc không hưởng ứng lời kêu gọi tăng sản lượng của các nước phương Tây nhằm hạ nhiệt giá dầu cũng là nguyên nhân giúp kinh tế nước này tăng trưởng tích cực.
Trong tương lai, triển vọng của ngành dầu mỏ sẽ càng khởi sắc hơn. Việc OPEC + quyết định nâng hạn ngạch sản lượng lên 50% trong tháng 7 và tháng 8 sẽ tạo thêm động lực cho sản xuất của Ảrập Xêút. Và nếu như OPEC + loại bỏ xiềng xích của hạn ngạch sau tháng 9, Ảrập Xêút sẽ là một trong số ít thành viên có thể tận dụng và sản lượng sẽ đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2023. Capital Economics cho biết, nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân sẽ được thúc đẩy hơn nữa nhờ việc nới lỏng các chính sách tài khóa hiện đang được thực hiện và khả năng rõ ràng là cắt giảm thuế VAT. Thuế suất VAT đã tăng gấp ba lần vào năm 2020 lên 15%, sự gia tăng này là để củng cố tài chính của chính phủ đang bị căng thẳng do giá dầu thấp sau đó.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự tăng giá dầu thô đã mang lại lợi ích cho các quốc gia sản xuất dầu như Ảrập Xêút. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này dự kiến sẽ tăng 7,6% trong năm 2022. Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vẫn duy trì cam kết đối với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC +, trong đó nhấn mạnh sự độc lập ngày càng tăng của Ảrập Xêút và UAE trước đồng minh lâu đời là Mỹ. Hiện nay, khi giá dầu tăng cao đã mang lại cho Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) tầm ảnh hưởng kinh tế cũng như cải thiện vị thế vô cùng lớn đối với thế giới.
Khủng hoảng kinh tế Lebanon
Thời gian qua, Lebanon rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc nội chiến (1975 - 1990) dẫn đến sự sụp đổ tài chính, cũng như thiệt hại lớn đối với hệ thống ngân hàng, ước tính của chính phủ vào khoảng 69 tỷ USD. Việc rút tiền mặt bằng ngoại tệ ở Lebanon đã bị hạn chế nghiêm ngặt, thêm vào đó kể từ năm 2019. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi vào hồi tháng 8.2020, một vụ nổ cực lớn đã tàn phá bến cảng Beirut làm hư hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng của thành phố, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Việc thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng cộng với đồng nội tệ mất giá trị hơn 90% đã kéo giá cả các mặt hàng không ngừng leo thang, khiến khoảng 74% dân số nước này rơi vào cảnh nghèo đói.
Thêm vào đó, khi giá lúa mì và dầu tăng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, Lebanon đang phải chứng kiến những cảnh tượng lặp lại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào mùa hè năm 2021, với tình trạng thiếu hụt xảy ra ở các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, trong khi ô tô đứng hàng giờ đồng hồ xếp hàng dài trước các trạm xăng. Bên cạnh sự gia tăng của chi phí vận tải, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực điện lực ngày càng trầm trọng hơn. Công ty Điện lực quốc gia Electricité du Liban (EDL), vốn đã thiếu tiền mua nhiên liệu, giờ đây càng ít nguồn lực hơn để cung cấp điện cho đất nước.
Như Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhấn mạnh, tình trạng tê liệt chính trị hiện nay tại Lebanon đang phá hủy các trụ cột chính của nền kinh tế chính trị thời hậu nội chiến của Lebanon. Nó là dẫn chứng sự sụp đổ của hầu hết các dịch vụ công cơ bản và tình trạng chảy máu chất xám khổng lồ, cả hai hiện tượng này sẽ gây thêm thiệt hại về sau. Gốc rễ sâu xa đẩy Lebanon vào tình trạng như hiện nay là thực tế nhiều năm quốc gia này vẫn tăng trưởng ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và nạn tham nhũng diễn ra trên diện rộng. Pháp đã và đang dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy Lebanon giải quyết nạn tham nhũng và thực hiện các cải cách do các nhà tài trợ yêu cầu. Một chính phủ mới được thành lập vào cuối năm 2021, trong khi các cuộc đàm phán để ký một thỏa thuận sơ bộ giữa Lebanon và IMF về một gói hỗ trợ nhằm giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng tài chính hiện vẫn đang diễn ra. Dẫu vậy, cho đến nay Chính phủ Lebanon vẫn chưa thực hiện bất kỳ chính sách cải cách quan trọng nào.
Bên cạnh đó, trong một tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Mohammed bin Salam đã bày tỏ tầm quan trọng của việc thành lập chính phủ và thực hiện các cải cách cơ cấu về chính trị và kinh tế để Lebanon có thể vượt qua khủng hoảng, để không trở thành bệ phóng cho những kẻ khủng bố và các hoạt động đe dọa đến sự ổn định an ninh của khu vực. Theo đó, Trung tâm Cứu trợ và Nhân đạo Quốc vương Salman đã viện trợ nhân đạo 36 triệu USD cho Lebanon vào hồi tháng 3 vừa qua.
Theo đánh giá của giới phân tích, để đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, Chính phủ Lebanon cần nhanh chóng thực hiện một loạt giải pháp then chốt, trong đó có các cải cách hết sức cấp thiết về kinh tế và tài khóa.