Argentina tăng lãi suất lên 97% khi phải vật lộn với lạm phát
Ngân hàng Trung ương Argentina đã tăng lãi suất cơ bản vào ngày 15-5 thêm 6 điểm phần trăm, lên 97% trong nỗ lực giải quyết lạm phát tăng vọt đã đạt mức cao nhất trong 30 năm.
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu khác cũng đang vật lộn để kiềm chế lạm phát, nhưng lạm phát là một vấn đề đặc biệt ở Argentina, nơi tỷ lệ lạm phát hằng năm tăng vọt trên 100% vào tháng trước.
Đó là mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990, và hiện tại, Venezuela và Zimbabwe là hai quốc gia duy nhất có lạm phát cao hơn Argentina, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ngân hàng trung ương của Argentina cũng đang hy vọng việc tăng lãi suất sẽ khuyến khích đầu tư vào đồng tiền của đất nước. Lạm phát tăng phi mã dẫn đến dòng vốn đầu tư lớn chảy ra ngoài bằng đồng peso của Argentina, khiến giá trị của nó giảm 23% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay.
Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10, Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa tập trung vào việc giảm sự mất giá lớn hơn nữa của đồng tiền và kiềm chế lạm phát. Ông được coi là ứng cử viên tiềm năng của bên thứ ba kể từ khi Tổng thống đương nhiệm Alberto Fernandez tuyên bố vào tháng trước rằng ông sẽ không tái tranh cử và thành công của Massa có thể gắn liền với kết quả của kế hoạch chống lạm phát này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, đợt tăng lãi suất mới khó có thể mang lại thay đổi thực sự nào cho thị trường Argentina.
Miguel Kiguel, cố vấn tài chính và là cựu phó giám đốc của Ngân hàng Trung ương Argentina thông tin thêm: “Có cảm giác rằng chính phủ đang hoàn toàn mất khả năng chống lại lạm phát”.
Kiguel nói với CNN: “Tôi sợ rằng chính phủ đã bắt đầu hành động quá muộn; tăng lãi suất tất nhiên là chiến lược chính để chống lạm phát, nhưng chúng cần có thời gian. Khi một ngân hàng trung ương tăng lãi suất, các tác động sẽ được cảm nhận trong khoảng hai hoặc ba tháng sau đó và khoảng thời gian đó không hiệu quả trong tình hình của Argentina”.