ASEAN+3 cảnh báo tác động từ chủ nghĩa bảo hộ
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm ASEAN+3 (gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) ngày 4/5 đã đồng loạt cảnh báo về hệ lụy tiềm tàng đối với kinh tế toàn cầu do làn sóng bảo hộ thương mại đang trỗi dậy, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế quan mới hồi tháng trước.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố chung của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm ASEAN+3 đưa ra trong cuộc họp bên lề Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra tại Milan (Italy) nêu rõ: “Sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang đè nặng lên thương mại toàn cầu, dẫn đến sự phân mảnh kinh tế, ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và dòng vốn trong khu vực”.
Tuyên bố đồng thời thể hiện rõ lập trường phản đối các hành động đơn phương, tái khẳng định cam kết đối với một “hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, công bằng và minh bạch”.
Ngoài ra, các bộ trưởng và thống đốc ASEAN+3 cũng kêu gọi “tăng cường thống nhất và hợp tác trong khu vực”, cập nhật "thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai" được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 về cung cấp thanh khoản trong thời điểm khẩn cấp theo hướng mở rộng phạm vi bao gồm cả đại dịch và thiên tai.
Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền nhiệm kỳ hai hồi tháng 1 vừa qua, ông đã công bố nhiều mức thuế cao với các đối tác thương mại, bao gồm mức thuế cơ bản 10% và thuế đối ứng tùy theo mức thâm hụt thương mại với tùy từng đối tác. Nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề của chính sách thuế quan này, kể cả với những đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cũng tại Milan, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato tuyên bố sẽ không sử dụng lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Nhật Bản đang nắm giữ để làm công cụ gây áp lực đàm phán thương mại. Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Kato nhấn mạnh: "Chúng tôi không có kế hoạch dùng trái phiếu kho bạc Mỹ làm đòn bẩy trong đàm phán”.
Nhật Bản nắm giữ lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ và là một trong những quốc gia đầu tiên xúc tiến đàm phán về chính sách thuế mới với Chính quyền Tổng thống Trump. Nhà đàm phán hàng đầu của Nhật Bản, ông Ryosei Akazawa, đã đến Washington từ tuần trước để đàm phán vòng 2 với quan chức Mỹ, trong đó có cả Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.
Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc cũng nắm giữ lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ nhưng hiện hai nước chưa tiến hành đàm phán, dù đã bày tỏ ý định về việc này.
Trong tháng trước, thị trường tài chính đã có đợt bán tháo trái phiếu, cổ phiếu và đồng USD do lo ngại chính sách thuế quan của Tổng thống Trump có thể đẩy kinh tế Mỹ vào bất ổn.