ASEAN+3 thông qua thỏa thuận thanh toán bằng nội tệ, giảm phụ thuộc vào USD
Các nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc vừa ký thỏa thuận thanh toán bằng nội tệ trong thương mại nội khối.
Các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc, gọi tắt là ASEAN +3 vừa ký thỏa thuận thanh toán nội tệ (LCS) trong thương mại nội khối, tờ The Jakarta Post đưa tin ngày 11-5.
Thỏa thuận là sự mở rộng của một khuôn khổ đã được Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines xây dựng và triển khai từ năm 2017.
Theo thỏa thuận, các nước sẽ thành lập một nhóm hỗ trợ chuyển đổi từ việc sử dụng các loại tiền tệ quốc tế (chủ yếu là USD) sang sử dụng các đồng nội tệ.
Động thái dựa trên xu hướng toàn cầu về giảm sử dụng đồng USD trong các giao dịch xuyên biên giới cũng như trong dự trữ của ngân hàng trung ương. Mục đích nhằm ổn định đồng nội tệ trước các đợt tăng lãi suất nhanh chóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo The Jakarta Post, cách đây một thập niên, việc “phi USD hóa” là điều không tưởng với Đông Nam Á vì khu vực phụ thuộc nhiều vào các giao dịch thương mại và đầu tư với Mỹ.
Tuy nhiên, sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của các thành viên ASEAN sau đại dịch COVID-19 cùng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật trong thương mại khu vực đã giúp ASEAN bớt phụ thuộc vào Mỹ.
Vào tháng 11-2022, 5 quốc gia ASEAN là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines đã ký một thỏa thuận về thanh toán xuyên biên giới trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tại đảo Bali (Indonesia).
Thỏa thuận cho phép công dân 5 nước thực hiện các thanh toán nhanh chóng bằng mã QR, khách du lịch không phải đổi nội tệ sang tiền địa phương hoặc USD.
Sau khi triển khai thành công ở Thái Lan, Indonesia gần đây đã hoàn tất quy trình để thực hiện thanh toán tại Malaysia.
Vào tháng 3, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng nội tệ.
Ông nói: “Với việc sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch trên toàn khu vực, chúng ta sẽ có thể tăng cường khả năng phục hồi của mình trong việc hỗ trợ thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong khu vực vốn vẫn đang phụ thuộc vào các đồng tiền mạnh”.