ASEAN cần một kế hoạch phục hồi vì lợi ích của tất cả thành viên
Theo Tiến sỹ Szantos, các nền kinh tế chủ chốt của khu vực bị suy yếu đáng kể do đại dịch và điều đó sẽ đòi hỏi cả một tầm nhìn mạnh mẽ lẫn sự hợp tác trong ASEAN để tạo ra một quá trình phục hồi.
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và 39 và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến từ 26-28/10 dưới sự chủ trì của Brunei với chủ đề bao trùm “Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta thịnh vượng.”
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 2021 là một năm đầy thách thức trên nhiều phương diện, cả sự lây lan của dịch COVID-19, biến động địa chính trị lẫn tình hình khu vực.
Về những cơ hội, thách thức, hướng phục hồi sau đại dịch và vai trò của Việt Nam tại ASEAN trong bối cảnh hiện nay, Tiến sỹ Balaz Szantos thuộc Bộ môn Khoa học chính trị của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định hiện nay, đại dịch COVID-19 rõ ràng vẫn là thách thức lớn nhất, trong khi việc tiêm chủng vẫn đang diễn ra, vẫn còn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ phải bắt đầu xây dựng một khuôn khổ cho sự phục hồi kinh tế.
Theo Tiến sỹ Szantos, các nền kinh tế chủ chốt của khu vực, trong đó có Thái Lan, bị suy yếu đáng kể do đại dịch và điều đó sẽ đòi hỏi cả một tầm nhìn mạnh mẽ lẫn sự hợp tác trong ASEAN để tạo ra một quá trình phục hồi, trong đó các nước thành viên không theo đuổi những lợi ích ngắn hạn làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác.
Chẳng hạn như du lịch là một ngành công nghiệp quan trọng ở nhiều quốc gia, nhưng những nỗ lực phục hồi của mỗi quốc gia không được tác động tiêu cực đến các thành viên còn lại.
Việc thúc đẩy sự phục hồi của du lịch thông qua thu hút du khách nước ngoài không được gây thiệt hại cho các thành viên ASEAN khác. Theo đó, ASEAN cần tập trung xây dựng một kế hoạch phục hồi dựa trên sự đồng thuận nhằm đảm bảo rằng khối này phục hồi như một tập thể.
Tiến sỹ Szantos nhận xét đại dịch COVID-19 mang lại cơ hội để các nước thành viên ASEAN đánh giá lại nền kinh tế của mình. Du lịch đã trở thành một ngành công nghiệp chiếm ưu thế ở nhiều nước ASEAN, nhưng những ảnh hưởng bên ngoài đối với các nền kinh tế đó đã bị bỏ qua và tăng trưởng diễn ra mà không có cải cách cơ cấu. Các nước ASEAN sau đại dịch cần tái kiến thiết nền kinh tế theo cách thức đa dạng và bền vững hơn.
“Tôi cho rằng việc phát triển sức mua nội địa sẽ là rất quan trọng: Đại dịch đã cho thấy những mối đe dọa từ việc phụ thuộc sâu vào chi tiêu nước ngoài trong khi cung cấp lao động giá rẻ,” Tiến sỹ Szantos nói.
Ông Szantos cho rằng các quốc gia ASEAN cần phát triển một nền kinh tế có năng lực tự cường ngay cả trong giai đoạn không thể thu hút được du khách nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh không biết rằng liệu chế độ đi lại toàn cầu có được phục hồi như trước đại dịch hay không.
Việc thúc đẩy nền kinh tế nhằm tạo ra một tầng lớp chuyên gia mạnh cũng như nền tảng công nghệ và công nghiệp bản địa cũng sẽgóp phần giảm thiểu tác động của tình trạng sức mua nội địa giảm do thu nhập không khả quan và chi phí sinh hoạt tăng.
Về những đóng góp của Việt Nam cho ASEAN, Tiến sỹ Szantos nói rằng Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 ở một thời điểm rất khó khăn. Nhưng cho đến nay, ASEAN đã vượt qua khủng hoảng mà không bị rạn nứt hoàn toàn, mặc dù tổ chức này có sự hợp tác lỏng lẻo hơn so với các nhóm khu vực khác chẳng hạn như Liên minh châu Âu (EU). Với ý nghĩa đó, Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đó là quy tụ tổ chức này trong một thời điểm mà các nước thành viên rất dễ muốn tìm ra con đường của riêng họ.
“Tôi cho rằng ngay lúc này ASEAN cần phải có một kế hoạch phục hồi phục vụ lợi ích của tất cả các nước thành viên và bảo vệ ASEAN khỏi ảnh hưởng gia tăng thông qua các kịch bản bẫy nợ khác nhau,” Tiến sỹ Szantos chia sẻ.
Ông Szantos cho rằng rất khó để từ chối hỗ trợ kinh tế từ bên ngoài để đạt được sự phục hồi nhanh chóng, ngay cả khi những hỗ trợ đó gắn liền với những ràng buộc đáng kể. Ảnh hưởng kinh tế như vậy đã đóng một vai trò gây chia rẽ trong ASEAN khi nói đến những tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
“Điều quan trọng đối với ASEAN là phải thông qua một khuôn khổ giảm thiểu những mối đe dọa như vậy, bao gồm vận động chống lại 'lối thoát dễ dàng' bằng cách tham gia các chương trình cho vay nước ngoài lớn và tìm kiếm các mô hình phục hồi thay thế,” Tiến sỹ Szantos khẳng định./.