ASEAN cần tăng cường thương mại nội khối để giảm thiểu tác động sau khi Mỹ áp thuế mới

Theo lời khuyên đưa ra bởi các doanh nhân và nhà phân tích kinh tế, các quốc gia Đông Nam Á nên tìm cách giảm thiểu tác động từ mức thuế quan mới của Mỹ bằng cách tăng cường liên kết thương mại nội khối và củng cố quan hệ với các đối tác như châu Âu và Mỹ.

 Thuế quan mới của Mỹ tác động đến rất nhiều quốc gia và khu vực. Ảnh minh họa: Thanh Niên

Thuế quan mới của Mỹ tác động đến rất nhiều quốc gia và khu vực. Ảnh minh họa: Thanh Niên

Các thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Indonesia, nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức thuế mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.

Ông Ong Kian Ming, Phó Hiệu trưởng Đại học Taylor (Malaysia), cựu Thứ trưởng Thương mại và Đầu tư Malaysia cho biết: “ASEAN không chỉ nên thúc đẩy hội nhập sâu hơn trong khu vực, mà khối cũng cần tìm cách tăng cường mối quan hệ thương mại với các khu vực khác”.

Điều này bao gồm “sự hội nhập rộng hơn” thông qua các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng lúc “thực hiện tốt hơn” các quy tắc và chính sách thương mại, cũng như tăng cường các hiệp định thương mại hiện có.

Được biết, cả RCEP và CPTPP đều là các hiệp định thương mại tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương, với lần lượt 15 và 12 quốc gia thành viên.

Trong một ý kiến khác có liên quan, Hiệu trưởng trường Đại học Queensland (Australia) Peter Varghese nhận định: “Chiến lược tốt nhất là tìm kiếm mọi cơ hội có thể, đồng thời tập trung nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế và tăng cường sức mạnh kinh tế trong môi trường mới vô cùng khác biệt. Đối với Đông Nam Á, điều này có nghĩa là tiếp tục hành động và thực sự hành động để đẩy nhanh tốc độ tự do hóa thương mại và đầu tư của ASEAN, vì rõ ràng là điều đó có hiệu quả”.

Wong Chen, nghị sĩ Malaysia, Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Quan hệ Quốc tế của quốc hội Malaysia cho biết, ASEAN nên chú trọng vào việc mở rộng sang các thị trường khác, đặc biệt là châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh.

Tổng giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Australia, Cựu Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền George W. Bush Michael Green tin tưởng, khu vực ASEAN nên “chống chủ nghĩa bảo hộ bằng tự do hóa thương mại”.

Cụ thể, theo lý thuyết, nếu ASEAN tăng cường tự do hóa thương mại, điều đó sẽ mang lại cho ASEAN nhiều quyền tự chủ hơn, nhiều đòn bẩy hơn. Tuy nhiên, một bước đi như vậy sẽ không dễ thực hiện.

Các nhà phân tích tại DBS, ngân hàng có trụ sở tại Singapore lưu ý, dựa trên các tiêu chí như thị phần xuất khẩu sang Mỹ và chênh lệch thuế quan qua lại, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là các quốc gia tương đối dễ bị tổn thương hơn, tiếp theo là rủi ro lan tỏa ở mức trung bình đối với Singapore, Indonesia và Philippines.

Trong khi tác động trực tiếp có thể thông qua việc áp thuế qua lại, tác động phát sinh thứ hai có thể nhìn thấy qua tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở các đối tác thương mại chính là Trung Quốc và Mỹ. Tăng trưởng kinh tế ở Thái Lan và Malaysia có khả năng chịu rủi ro cao nhất, trong khi Indonesia và Philippines - những nước có nền kinh tế tập trung nhiều hơn vào thị trường trong nước - sẽ chịu thiệt hại ít hơn.

Đan Lê (Lược dịch từ Nikkei Asia)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/asean-can-tang-cuong-thuong-mai-noi-khoi-de-giam-thieu-tac-dong-sau-khi-my-ap-thue-moi-152246.html