Không KPI, không deadline: Thạc sĩ báo chí bỏ việc đi bán cơm, chọn niềm vui thay vì thu nhập 'khủng'

Huang, 26 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ báo chí tại Đại học Bắc Kinh – ngôi trường danh giá hàng đầu Trung Quốc. Thay vì theo đuổi những công việc thu nhập cao, cô chọn về làm nhân viên căng tin trường với mức lương chỉ 6.000 tệ/tháng (tương đương khoảng 2 triệu đồng). Câu chuyện của cô đang gây tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Trong khi phần lớn bạn bè cùng lớp đang làm việc tại các công ty công nghệ lớn hoặc cơ quan truyền thông nhà nước với thu nhập cao, cô gái trẻ tên Huang lại lựa chọn một con đường hoàn toàn khác, trở thành nhân viên phục vụ tại căng tin Đại học Bắc Kinh, nơi cô từng theo học.

Câu chuyện của Huang được đăng trên tạp chí Sanlian LifeWeek, nhanh chóng trở thành chủ đề được cộng đồng mạng Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

Từ thạc sĩ báo chí đến “dì bán cơm”

Huang tốt nghiệp chương trình thạc sĩ báo chí của Đại học Bắc Kinh vào năm 2022. Trong thời gian học, cô từng thực tập tại các tập đoàn Internet lớn và một số cơ quan truyền thông trung ương. Với học lực và kinh nghiệm như vậy, một công việc ổn định với mức lương hấp dẫn là điều hoàn toàn trong tầm tay.

Tuy nhiên, Huang cho biết môi trường áp lực cao cùng yêu cầu hiệu suất công việc khắt khe khiến cô cảm thấy kiệt sức và mất đi niềm vui sống.

“Tôi luôn cảm thấy mình phải trả lời tin nhắn công việc từ sáng sớm đến tối khuya, miễn là tôi còn thức. Cả ngày đầu óc tôi bị cuốn vào những email và KPI,” cô chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp, Huang quyết định xin làm nhân viên căng tin tại trường. (Ảnh: Douyin)

Sau khi tốt nghiệp, Huang quyết định xin làm nhân viên căng tin tại trường. (Ảnh: Douyin)

Sau khi tốt nghiệp, Huang quyết định xin làm nhân viên căng tin tại trường. Công việc hằng ngày của cô bao gồm chia cháo, múc súp, sơ chế rau củ và phục vụ sinh viên vào các bữa ăn. Dù công việc hiện tại không liên quan đến chuyên môn đã học và đôi khi khá nặng nhọc, Huang cho biết cô cảm thấy hạnh phúc và dễ chịu hơn rất nhiều so với thời còn làm văn phòng.

“Có lần tôi phải cắt hết một giỏ ớt cay, tay sưng lên vì bỏng. Đau lắm, nhưng sáng hôm sau là hết. Mới đầu tôi mệt không chịu nổi, nhưng ngủ một giấc là lại có sức,” cô kể.

Huang bắt đầu công việc từ sáng sớm, mỗi ngày đều phải đứng hàng giờ. Trong mắt sinh viên, cô được gọi một cách thân mật là “Dì Huang”, như một phần thân quen của đời sống sinh viên trong trường.

Hiện tại, Huang nhận mức lương 6.000 tệ mỗi tháng, tương đương khoảng 20 triệu đồng. Dù con số này thấp hơn nhiều so với thu nhập trung bình khoảng 20.000 tệ của bạn bè đồng khóa, cô cho biết mình không hề thấy áp lực.

“Lương tôi không cao, nhưng đủ sống. Quan trọng là tôi thấy vui. Tôi tự chọn công việc này, vì nó hợp với nhịp sống tôi muốn,” cô nói.

Gia đình phản đối, xã hội tranh luận

Sinh ra trong một gia đình bình dân tại tỉnh Hồ Nam, nơi cả bố và mẹ đều là tài xế xe buýt, Huang hiểu rõ giá trị của lao động. Tuy nhiên, khi biết con gái quyết định làm căng tin thay vì vào các tập đoàn lớn, bố mẹ cô không giấu được nỗi lo lắng.

“Họ sợ tôi khổ, không có tương lai. Khi có người hỏi con gái họ làm gì, bố mẹ tôi chỉ nói rằng tôi làm việc ở Đại học Bắc Kinh. Ai cũng nghĩ tôi là giảng viên,” Huang kể lại.

Câu chuyện của cô đã tạo nên làn sóng tranh luận trái chiều trên mạng xã hội Trung Quốc. Một bộ phận đông đảo người dùng bày tỏ sự đồng tình, cho rằng quyết định của Huang thể hiện tư duy độc lập và lòng dũng cảm.

“Mỗi người có quyền lựa chọn con đường của mình, miễn là sống vui vẻ và không làm hại ai,” một người dùng bình luận.

“Cô ấy rất tỉnh táo, vì chẳng có gì quý hơn sự bình yên,” người khác chia sẻ.

Huang đã chọn niềm vui thay vì thu nhập "khủng". (Ảnh: Douyin)

Huang đã chọn niềm vui thay vì thu nhập "khủng". (Ảnh: Douyin)

Tuy nhiên, không ít ý kiến phản bác, cho rằng việc một thạc sĩ tốt nghiệp trường top đầu chọn làm căng tin là một sự lãng phí nguồn lực giáo dục.

“Xã hội đầu tư bao nhiêu vào đào tạo để rồi làm nghề này? Câu chuyện không nên được cổ vũ,” một bình luận thu hút nhiều lượt thích viết.

Câu chuyện của Huang đã đặt ra một câu hỏi lớn trong xã hội hiện đại, đặc biệt với giới trẻ Trung Quốc, rằng thành công là gì? Là mức lương cao, chức danh hào nhoáng, hay là sự tự do và hạnh phúc?

Trong bối cảnh nhiều người trẻ đang mệt mỏi vì áp lực thành tích và guồng quay công việc, lựa chọn của Huang tuy khác biệt, nhưng không hề sai. Nó phản ánh một xu hướng mới, nơi con người bắt đầu ưu tiên đời sống tinh thần và giá trị cá nhân hơn những tiêu chuẩn truyền thống về “thành đạt”.

Hiện tại, Huang vẫn tiếp tục công việc tại căng tin, không có ý định rời bỏ hay thay đổi. Cô cho biết mục tiêu của mình trong tương lai là trở thành quản lý căng tin.

“Không cần làm người giỏi nhất, chỉ cần sống đúng với mình là đủ rồi,” cô nói, mỉm cười.

Ngọc Bảo (Theo SCMP)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/khong-kpi-khong-deadline-thac-si-bao-chi-bo-viec-di-ban-com-chon-niem-vui-thay-vi-thu-nhap-khung-13541.html