ASEAN đóng vai trò trung tâm tại khu vực Biển Đông
Trong 53 năm hình thành và phát triển Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức khu vực thành công nhất thế giới đã góp phần quan trọng thiết lập trật tự, duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực, trong đó có việc giải quyết các vấn đề tại Biển Đông. Từ nền tảng này, ASEAN luôn đoàn kết, cùng nhau củng cố sức mạnh nội lực để bứt phá mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Đồng tâm hiệp lực vươn cao
Trong suốt hành trình 53 năm ra đời và phát triển, ASEAN đã ngày càng trưởng thành, phát triển, đảm bảo sứ mệnh lịch sử và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Ngày 8-8 vừa qua, ASEAN đã kỷ niệm 53 năm ngày thành lập (8/8/1967 – 8/8/2020). Đây cũng là dịp đánh dấu cột mốc 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 – 28/7/2020).
Nhìn lại chặng đường 53 năm của ASEAN, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, ASEAN đã thực sự trở thành tổ chức đại diện cho các quốc gia trong khu vực, gắn kết trong tình láng giềng hữu nghị và hợp tác, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng của người dân. Xuất phát từ một nhóm 5 quốc gia, ASEAN đã phát triển thành một Cộng đồng gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á với 650 triệu dân, có quy mô kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2019 với tổng GDP trên 3.000 tỷ USD.
Tổng thư ký Lim Jock Hoi khẳng định, ASEAN có sự gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và trách nhiệm xã hội cao. Sau 53 năm, hiện 10 quốc gia thành viên ASEAN vẫn đang nỗ lực tạo cho người dân Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều “không ai bị bỏ lại phía sau”, một cộng đồng thực sự hướng đến người dân, đặt người dân vào trung tâm của quá trình phát triển.
Trên thực tế, thế giới luôn công nhận ASEAN là tổ chức khu vực thành công nhất toàn cầu, trong đó nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hiếm có. Vượt ra ngoài phạm vi khu vực Đông Nam Á, ASEAN đã mở rộng quan hệ với nhiều đối tác, bao gồm cả các cường quốc hàng đầu thế giới. Nhờ động lực này, các tiến trình hợp tác, đối thoại vì hòa bình, an ninh, ổn định đã góp công lớn cho sự phát triển của châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung.
“Đó là thành quả quý giá được xây đắp bởi nhiều thế hệ mà chúng ta phải trân trọng và có trách nhiệm gìn giữ, phát huy. Chúng ta có hoàn thành sứ mệnh đó được hay không? ASEAN có tiếp tục duy trì giá trị và sức sống vững bền, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của người dân hay không? Điều này đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, ý chí chính trị và quyết tâm mạnh mẽ của tất cả các quốc gia thành viên” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Nền tảng sức mạnh giữ vững hòa bình
Đồng quan điểm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giới chuyên gia quốc tế đánh giá, kể từ khi Việt Nam tham gia ASEAN, với tinh thần trách nhiệm quốc tế cao cả, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN.
Với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” trong vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã và đang dành ưu tiên cao, đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, phối hợp hành động hiệu quả trong ASEAN cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác để nâng cao năng lực tự cường và khả năng ứng phó hữu hiệu của ASEAN trước các thách thức chưa từng có. Nổi bật trong đó là dịch bệnh Covid-19 và những chuyển động, cạnh tranh mạnh mẽ, sâu sắc của môi trường địa chiến lược toàn cầu và khu vực, trong đó phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Từ năm 2015, ASEAN đưa ra Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với 3 trụ cột gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Chỉ trong 5 năm thực hiện, ASEAN đã đạt được những thành công nhất định trong quá trình xây dựng 3 trụ cột, góp phần duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phát triển ở khu vực, cũng như tăng cường khả năng ứng phó của ASEAN trước các thách thức; củng cố liên kết kinh tế, kết nối, đề cao bản sắc và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Đặc biệt, riêng trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) đã tạo ra nền tảng sức mạnh quan trọng và thống nhất cho ASEAN. Các nước thành viên hợp tác chặt chẽ hơn với nhiều tiến triển quan trọng về xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực, quy tắc ứng xử, ngăn ngừa, quản lý xung đột, nâng cao năng lực xử lý những thách thức an ninh, đồng thời tiếp tục tuân thủ các cơ chế hợp tác an ninh, đối thoại, các nguyên tắc của Phương cách ASEAN: Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình...
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục biến động nhanh chóng và khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, ASEAN đã và đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn, kể cả cũ và mới, cả từ bên trong và bên ngoài. Đó là những thách thức an ninh phức tạp, gồm cả tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.
Theo đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN đang đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, tạo nên nền tảng hòa bình, ổn định tại khu vực, bao gồm Biển Đông. Tuy nhiên, ASEAN vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức an ninh phức tạp.
Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, ASEAN đóng vai trò “cầu nối” giữa các thế lực siêu cường nhằm thiết lập sự cân bằng cho một môi trường hòa bình, ổn định của khu vực. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, vai trò và vị trí của ASEAN bắt đầu từ yếu tố địa - chính trị, địa - chiến lược của Đông Nam Á và được xem là trung gian kết nối các trung tâm quyền lực, giữa các khu vực trọng yếu ở châu Á - Thái Bình Dương. Trên thực tế, khả năng kết nối giữa các trung tâm quyền lực của ASEAN trong thời gian qua đã chứng minh rất rõ nét cho điều này.