ASEAN hợp tác ứng phó với thách thức an ninh lương thực
Việc Indonesia đề xuất đưa ra Tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN về đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực nhằm tăng cường hợp tác chiến lược trong việc xây dựng cơ chế tăng cường an ninh lương thực, chuỗi cung ứng khu vực và nông nghiệp bền vững được xem là bước đi chủ động của Hiệp hội trong việc ứng phó với một trong những thách thức lớn toàn cầu hiện nay.
Thách thức an ninh lương thực toàn cầu
Phát biểu tại Hội nghị ASEAN về Tăng cường hội nhập an ninh lương thực diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 17-4, Tổng Thư ký Bộ Nông nghiệp Indonesia Kasdi Subagyono cho rằng, những thách thức toàn cầu hiện nay thúc đẩy ASEAN phải hành động khẩn trương - cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn - nhằm đẩy nhanh và củng cố hệ thống lương thực sao cho hiệu quả, toàn diện, tự cường và bền vững hơn. Theo vị đại diện của nước đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2023, để nhanh chóng ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng lương thực trong khu vực, các nước thành viên Hiệp hội cần có cam kết mạnh mẽ hơn.
Từ đó, Tổng Thư ký Bộ Nông nghiệp Indonesia đề xuất tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra ở nước này vào tháng 9 tới sẽ đưa ra Tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN về đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực nhằm tăng cường hợp tác chiến lược trong việc xây dựng cơ chế tăng cường an ninh lương thực, chuỗi cung ứng khu vực và nông nghiệp bền vững. Tuyên bố nhằm góp phần thống nhất vai trò của các ngành liên quan bao gồm lương thực thực phẩm, kinh tế, giao thông vận tải và tài chính để tạo ra sự hợp tác chắc chắn và sức mạnh tổng hợp nhằm ứng phó với các thách thức chung về an ninh lương thực.
Đề xuất của Tổng Thư ký Bộ Nông nghiệp Indonesia đưa ra trong bối cảnh vấn đề an ninh lương thực hiện đã dịu hơn so với một năm trước nhưng vẫn là thách thức lớn trên toàn cầu. Thách thức này vốn nổi lên khi biến đổi khí hậu ngày càng tác động nặng nề tới ngành nông nghiệp toàn cầu, lại thêm trầm trọng bởi đại dịch Covid-19 và gần đây là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine - những quốc gia xuất khẩu lương thực quan trọng trên thế giới.
Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trên thế giới hiện có khoảng 828 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói và con số này không ngừng tăng lên trong những năm qua. Năm 2021, khoảng 2,3 tỷ người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng và con số này tiếp tục tăng trong năm vừa qua. Số người không đủ khả năng tiếp cận một chế độ ăn uống lành mạnh lên tới 3,1 tỷ, tương đương khoảng 40% dân số thế giới.
Nhiều quốc gia không thể tiếp tục sản xuất lương thực như trước đây do khí hậu biến đổi, trái đất nóng lên, dân số ngày càng tăng, trong khi nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt. Nhóm dễ bị tổn thương nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nguy cơ mất an ninh lương thực. Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Yemen… đang trong tình trạng báo động cao về mất an ninh lương thực. Trên toàn thế giới, ước tính cứ 4 giây lại có 1 người chết vì đói, trong khi 345 triệu người đang trong tình trạng đói nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu vẫn được đánh giá là rủi ro lớn nhất đối với an ninh lương thực toàn cầu khi lũ lụt, hạn hán và nắng nóng đang gây thiệt hại cho mùa màng ở khắp các châu lục. Tại Pakistan, đợt mưa lũ nặng nề vừa qua đã nhấn chìm tới một phần ba diện tích đất nước, phá hủy cơ sở hạ tầng, cuốn trôi đất trồng trọt và cây cối của người dân. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngay cả trước khi đợt lũ lụt lịch sử xảy ra, khoảng 38 triệu người Pakistan, chiếm hơn 16% dân số, đã sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng. Trong khi đó, Ethiopia, Somalia và Kenya bước vào mùa khô hạn thứ 5 liên tiếp, đe dọa gây ra nạn đói trên diện rộng.
Bạo lực, xung đột vũ trang khiến mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực tại những khu vực dễ bị tổn thương càng trở nên mong manh. Xung đột quân sự giữa hai nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới là Nga và Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng chuỗi cung ứng lương thực. Liên hợp quốc đang nỗ lực kêu gọi các bên gia hạn và tiếp tục thực hiện Sáng kiến ngũ cốc Biển Ðen, góp phần loại bỏ các trở ngại đối với việc vận chuyển ngũ cốc đến những nước đang vật lộn với khủng hoảng lương thực và nạn đói.
ASEAN hợp tác bảo đảm an ninh lương thực
ASEAN dù không phải đối mặt với những nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng như một số khu vực khác trên thế giới, song đó vẫn là một thách thức không nhỏ. Thống kê của các tổ chức quốc tế cho biết, năm đầu của đại dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á, khoảng 7,3% dân số bị suy dinh dưỡng về sức khỏe, trong khi 18,8% phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực vừa hoặc nghiêm trọng; 27,4% trẻ em Đông Nam Á dưới 5 tuổi bị chậm phát triển, phần lớn thuộc các gia đình nghèo và khu vực nông thôn.
Dù các nước ASEAN vẫn đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, nhưng bất ổn an ninh thế giới thời gian qua đã cộng hưởng gây ra những tác động nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Biến đổi khí hậu và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm trầm trọng thêm nguy cơ mất an ninh lương thực, đồng thời làm lộ rõ sự phụ thuộc vào lương thực xuất khẩu của nhiều thành viên ASEAN.
Lương thực chính của khu vực ASEAN là gạo, nhưng nhu cầu lúa mỳ, đậu tương và ngô đã tăng lên trong thập kỷ qua mà các nước trong khu vực sản xuất không thể đáp ứng được. Trong đó, đậu tương và ngô đã trở nên đặc biệt quan trọng như một loại thức ăn chăn nuôi cần thiết để hỗ trợ nhu cầu chăn nuôi tăng trưởng theo cấp số nhân. Do đó, để đáp ứng nhu cầu này, ASEAN cần phải nhập khẩu từ bên ngoài khối. ASEAN sản xuất chưa đến 1/10 nhu cầu đậu tương của mình và chiếm 15% nhập khẩu lúa mỳ toàn cầu vào năm 2021.
Phần lớn lúa mỳ ASEAN nhập khẩu là từ Ukraine, do đó, cuộc xung đột tại Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lúa mỳ sang khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, dù gạo là lương thực chính duy nhất mà ASEAN sản xuất thặng dư, sản xuất lúa gạo chiếm khoảng 66% tổng diện tích đất canh tác ở ASEAN. Tuy nhiên, nhiều nước ASEAN vẫn là nước nhập khẩu gạo ròng, trong đó Indonesia và Philippines nhập khẩu nhiều nhất. Có quốc gia ASEAN nhập khẩu tới 76,5% lượng gạo từ các quốc gia thành viên ASEAN khác.
Các nước ASEAN rõ ràng cần phải làm việc cùng nhau và phát triển một chiến lược phối hợp để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực cũng như lưu thông lương thực hài hòa nội khối. ASEAN cần sớm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những biến động thị trường toàn cầu đối với an ninh lương thực của khu vực.
Nhằm đảm bảo an ninh lương thực, ASEAN cần tiếp tục cam kết tăng cường an ninh lương thực trong khu vực thông qua thực hiện Chiến lược hợp tác về lương thực và nông lâm nghiệp 2016-2025, Khuôn khổ an ninh lương thực và Chiến lược hành động về an ninh lương thực 2021-2026 và Khuôn khổ Chiến lược và Chương trình hành động về dinh dưỡng 2018-2030. Một Tuyên bố cấp cao ASEAN trong đó vạch ra chiến lược hợp tác về xây dựng cơ chế tăng cường an ninh lương thực, chuỗi cung ứng khu vực và nông nghiệp bền vững được xem là bước đi chủ động của Hiệp hội trong việc ứng phó với một trong những thách thức lớn toàn cầu hiện nay.