ASEAN- mô hình điển hình về chống Covid-19

Đại dịch SARS-Cov-2 tác động tới kinh tế - xã hội tới đâu và ASEAN sẽ làm gì để phục hồi kinh tế sau đại dịch là vấn đề cộng đồng quốc tế quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19

Giống như các khu vực khác trên thế giới, 10 nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đều thực hiện việc giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn lây lan của SARS-Cov-2 đã trở thành đại dịch toàn cầu. Đại dịch SARS-Cov-2 tác động tới kinh tế - xã hội của ASEAN tới đâu? Và các biện pháp mà ASEAN sẽ thực hiện để phục hồi kinh tế sau đại dịch thế nào... đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

ASEAN ứng phó đại dịch

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra đã lan nhanh trên toàn thế giới, gây đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á cũng không nằm ngoài sự lây lan của Covid-19, thế nhưng tổng số ca nhiễm và số ca tử vong đều rất thấp, không bằng một phần nhỏ của nước Pháp hay Vương quốc Anh là những nước thấp hơn rất nhiều so với Italia hay Tây Ban Nha, chưa kể tới Mỹ. Tính đến ngày 16.4, tổng số ca nhiễm tại ASEAN chưa bằng số ca nhiễm tại Liên Bang Nga tính đến cùng ngày là hơn 21.000 ca, trong khi dân số của ASEAN là hơn 650 triệu người, dân số của Nga hơn 130 triệu người. Thế giới đặt câu hỏi tại sao khu vực Đông Nam Á bao gồm các nước trong hiệp hội ASEAN lại có tỷ lệ nhiễm bệnh và số ca tử vong thấp như vậy? Câu trả lời là ngay từ khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hệ thống y tế dự phòng và chuyên sâu của ASEAN có thể nói chưa thể hiện đại bằng các nước châu Âu và Mỹ, nhưng ASEAN đã kiên quyết thực hiện những biện pháp cần thiết rất khác so với châu Âu, đó là thực hiện việc giãn cách xã hội chưa từng có ở từng nước thành viên và có chế tài xử lý rất nghiêm khắc đã góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan. Mặt khác, ý thức về phòng chống dịch của người dân ASEAN cũng khác xa so với phương châm tự miễn dịch của phương Tây. Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 chưa lên đến đỉnh dịch, với vai trò là chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó đại dịch Covid-19 được tổ chức theo hình thức trực tuyến (chưa có tiền lệ trong lịch sử ASEAN). Tại cả hai hội nghị có sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã ra tuyên bố chung 18 điểm về ứng phó đại dịch Covid-19. Tuyên bố nêu rõ: ASEAN bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc trước những tổn thất sinh mạng và hậu quả do đại dịch gây ra, đồng thời ghi nhận sự tham gia của người dân trong phòng chống Covid-19. Với tinh thần “gắn kết, chủ động thích ứng”, ASEAN cam kết tăng cường đoàn kết, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hỗ trợ lẫn nhau trong phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh cũng như điều trị, đồng thời thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN+3. ASEAN và ASEAN+3 đã thành lập quỹ phòng chống dịch chung. Có thể nói rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, nhiều quốc gia đang lúng túng trong phòng chống dịch thì Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đã tìm được tiếng nói chung cùng các đối tác phối hợp chống Covid-19 thực sự là mô hình hiếm có hiện nay.

Tác động của Covid-19 với ASEAN

Những tác động từ đại dịch Covid-19 đối với kinh tế xã hội của thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng là không hề nhỏ, bởi toàn bộ nền kinh tế cũng như các hoạt động xã hội trên phạm vi toàn cầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay hầu như đã tạm “ngừng thở” gây ra nhiều tổn thất nặng nề, khiến toàn thế giới phải mất nhiều thời gian mới khôi phục được, đặc biệt về kinh tế. Với khu vực ASEAN đã nhận rõ 2 tác động cụ thể về kinh tế và một rủi ro phải đề phòng:

Tác động từ chuỗi cung ứng bị đứt đoạn: Để bảo vệ người dân hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện việc phong tỏa nguồn nhập từ bên ngoài nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Do đó khi Trung Quốc thực hiện phong tỏa để chống Covid-19 đã gây tác động không nhỏ đến nguồn cung nguyên liệu cho các nước ASEAN, đặc biệt là ngành dệt may và một số lĩnh vực kinh tế khác gặp gián đoạn ở cấp độ khác nhau có liên quan đến nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Khi đại dịch đi qua, chuỗi cung ứng được nối lại nhưng nó đã để lại hậu quả là người lao động của cả hai bên đều gặp khó khăn, trong đó ngành du lịch của ASEAN bị thiệt hại lớn nhất.

Tác động từ giá dầu thế giới sụt giảm: Thế giới đang dư thừa nguồn cung dầu mỏ nên khi đại dịch Covid-19 lan đến khu vực ASEAN nhiều chuyên gia cho rằng đây là cơ hội cho khu vực, thế nhưng chỉ một thời gian rất ngắn nhiều nước trong ASEAN đã nhận rõ tác động của giá dầu lao dốc đối với nền kinh tế bởi “dây chuyền” sản xuất toàn thế giới tạm dừng hoạt động. Mặt khác, vì lợi ích quốc gia, những nước sản xuất dầu thô chủ chốt trên thế giới lại chủ động tăng sản lượng khai thác làm giá dầu xuống thấp nhất trong vòng 19 năm qua, khiến cho những nước sản xuất dầu thô trong ASEAN như Brunei, Malaysia, Indonesia thiếu hụt ngân sách dành cho chi tiêu công nhằm hỗ trợ người dân.

Những rủi ro phải đề phòng: Một số chuyên gia phân tích cho rằng trừ Việt Nam và một số nước trong ASEAN có hệ thống chính trị ổn định, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của nhà nước trước các diễn biến, tác động của dịch bệnh và khó khăn kinh tế thì một số nước phải chú trọng đến những tác động từ dịch bệnh làm cho kinh tế gặp khó khăn sẽ dẫn đến các rủi ro chính trị. Đó là: Khi kinh tế gặp khó khăn cùng với hệ thống y tế chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thì chủ nghĩa dân túy sẽ trỗi dậy, đây là cảnh báo nghiêm túc của giới phân tích. Mặt khác, khi kinh tế gặp khó từ hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ rất dễ gây ra sự căng thẳng sắc tộc tại một số quốc gia trong ASEAN. Những cảnh báo này cho thấy rõ việc “chủ động thích ứng” để điều chỉnh chính sách của mỗi quốc gia thành viên ASEAN là vô cùng quan trọng, để khi đại dịch đi qua sẽ bắt nhập ngay với tiến trình phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Vực dậy nền kinh tế

Đại dịch Covid-19 đang gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế thế giới, định chế tài chính lớn nhất thế giới là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo rằng kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 3% trong năm 2020 và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ sụt giảm mạnh và Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 sẽ tăng trưởng chậm nhất trong vòng hơn 40 năm qua. Khu vực ASEAN cũng không nằm ngoài vòng xoáy tổn thất kinh tế của thế giới. Giới chuyên gia cho rằng khu vực ASEAN sẽ nhận sự tổn thất gấp đôi so với thế giới về kinh tế và tài chính. Tiến sĩ Malcoim Cook thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapo đưa ra nhận định rằng “các nền kinh tế ASEAN sẽ trong tình trạng nợ nần” điểm danh đến Philippin, Malaysia, Thái Lan – sẽ rơi vào suy thoái và một số quốc gia khác sẽ nâng tỷ lệ mắc nợ lên cao. Câu hỏi đặt ra là trước những khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 gây ra, khối ASEAN sẽ có những biện pháp gì để vực dậy kinh tế? Một điều hiếm gặp hiện nay trên thế giới đó là tại một ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng” đã tìm ra được lối thoát cho riêng mình bằng sự đồng thuận cao trong hành động là khẳng định và gắn kết cùng nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch, kích thích tăng trưởng kinh tế và tự cường tài chính, triển khai các biện pháp thích hợp ở mỗi quốc gia. Từ đó sẽ thúc đẩy niềm tin thị trường để cải thiện khả năng tự cường của một nền kinh tế, cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân, ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ. ASEAN đã từng trải qua và có kinh nghiệm quý giá sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009. Một vấn đề mấu chốt để ổn định tình hình sau mỗi cuộc khủng hoảng là vấn đề lương thực. Thế giới đang cảnh báo một cuộc khủng hoảng lương thực sẽ diễn ra, thiếu lương thực sẽ gây bất ổn. Rất may vấn đề cốt tử này ASEAN vững tâm hơn các khu vực khác trên thế giới bởi các quốc gia xuất khẩu gạo xếp thứ 2 đến thứ 5 thế giới đều thuộc ASEAN. Vấn đề đặt ra là ASEAN cần duy trì cảnh giác trước những rủi ro tiềm ẩn của khủng hoảng tài chính khu vực để đưa ra những dự báo, đánh giá chính xác phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

HẢI HÀ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/asean--mo-hinh-dien-hinh-ve-chong-covid-19-134065