ASEAN - Những ngày không quên!

Nghiền ngẫm những trang sách về hành trình của Việt Nam trong ASEAN, tôi nhận ra rằng nếu nói con đường Việt Nam gia nhập ASEAN là lẽ đương nhiên và 'phẳng phiu' là không đúng! ASEAN và Việt Nam đã tưởng chừng là những 'đường thẳng song song' mãi mãi nhưng khi 'vận mệnh' đổi thay cả Việt Nam và ASEAN lại trở thành những mảnh ghép tròn trịa, cùng nhau viết lên những câu chuyện đẹp.

Đặc biệt, ASEAN đã trở thành một phần không quên trong cuộc đời của nhiều nhà ngoại giao Việt Nam mà tên tuổi của họ gắn liền với hành trình ấy, chớp mắt, đã gần 30 năm trôi qua…

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN dự lễ kéo cờ Việt Nam tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 28/7/1995. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN dự lễ kéo cờ Việt Nam tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 28/7/1995. (Nguồn: TTXVN)

Nhìn lại một hành trình

Trong cuốn sách “25 năm Việt Nam trong ASEAN: Cái nhìn người trong cuộc”, cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định rằng thời kỳ chiến tranh Lạnh, một số nước Đông Nam Á theo đuổi chính sách thù địch chống lại Việt Nam, thậm chí đã gửi quân tới Việt Nam, tham gia Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) dưới vỏ bọc “chống cộng”. Tuy nhiên, cả Việt Nam và khu vực trong những năm 1980 đều trải qua thay đổi to lớn.

Theo cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan, chính sách Đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI là một quyết định lịch sử và Việt Nam đã chọn thúc đẩy quan hệ với các quốc gia trong khu vực là bước đột phá chiến lược quan trọng. Cùng lúc, Chiến tranh Lạnh chấm dứt, xu hướng toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại - đầu tư bắt đầu nhen nhóm. Các nước ASEAN mong muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam và tạo ra một môi trường khu vực thuận lợi cho phát triển.

Con đường vào ASEAN của Việt Nam khởi đầu từ đó. Năm 1986, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tiết lộ ý định tham gia ASEAN của Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Nation (Thái Lan); năm 1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ hữu nghị với các quốc gia thành viên ASEAN và các quốc gia khác trong khu vực”; năm 1992, Việt Nam và Lào trở thành quan sát viên của ASEAN; năm 1994, Việt Nam tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), đồng thời ASEAN bày tỏ sẵn lòng chấp thuận Việt Nam là thành viên ASEAN. Một ngày của lịch sử, 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội.

Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong một lần tham gia tọa đàm trực tuyến về Cộng đồng ASEAN, năm 2017. (Nguồn: TGVN)

Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong một lần tham gia tọa đàm trực tuyến về Cộng đồng ASEAN, năm 2017. (Nguồn: TGVN)

Lịch sử những lần đầu tiên

Nhà ngoại giao xúc động đứng trước lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc được kéo lên cùng với quốc kỳ của sáu thành viên ASEAN khác tại Lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN được tổ chức long trọng ở Quảng trường thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei ngày 28/7/1995 là nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm. Trong nhiều lần trò chuyện với báo chí, nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Mạnh Cầm chia sẻ rằng chính những năm tháng làm về ASEAN đã cho ông kinh nghiệm quý giá và nhiều kỷ niệm khó quên.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm từng kể về một lần “vượt rào” đáng nhớ trong cuộc đời ngoại giao. Năm 1992, Việt Nam và Lào chính thức trở thành quan sát viên của ASEAN, theo đó Việt Nam được phép tham dự hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) nhưng không tham gia sinh hoạt chính thức.

Từ quan sát viên trở thành thành viên chính thức của ASEAN thông thường phải mất năm năm. Ông Cầm cho biết, bất ngờ vào đầu năm 1994, Tổng thư ký ASEAN Ajit Singh đã gặp riêng ông và nói rằng: “Các nước ASEAN rất mong muốn Việt Nam sớm gia nhập ASEAN, đề nghị nếu Chính phủ Việt Nam thấy đủ điều kiện và sẵn sàng gia nhập ASEAN thì xác nhận với chúng tôi tại Hội nghị Bộ trưởng ở Bangkok tháng 7/1994”. Sau đó, ông Cầm báo cáo sự việc này với Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bộ Chính trị.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm kể rằng buổi sáng hôm lên đường sang Bangkok dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, Thường vụ Bộ Chính trị đã họp để ra quyết định. Nhưng buổi họp hôm đó, vắng mặt một đồng chí. Sau khi trao đổi phân tích kỹ, những đồng chí có mặt đều nhất trí việc thông báo với ASEAN là Việt Nam đủ điều kiện và sẵn sàng tham gia ASEAN, đồng thời đồng chí Tổng Bí thư cử một đồng chí đi gặp đồng chí vắng mặt để xin ý kiến và dặn “cứ lên đường cho kịp họp, đồng chí sẽ điện sang cho tôi biết”, ông Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại.

Trước giờ tham dự cuộc họp chính thức nhưng vẫn chưa thấy điện của Tổng Bí thư, ông Cầm cảm thấy vô cùng sốt ruột. Vào phòng họp, Chủ tịch Hội nghị (Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan) nêu vấn đề đầu tiên: “Đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho biết ý kiến Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập ASEAN chưa?”.

“Lúc đó, tôi có niềm tin rằng đa số các thành viên trong Thường vụ Bộ Chính trị chắc chắn sẽ ủng hộ việc gia nhập ASEAN nên dù chưa nhận điện của đồng chí Đỗ Mười, tôi vẫn đứng dậy khẳng định Việt Nam đã cân nhắc kỹ, thấy mình có đủ điều kiện và sẵn sàng gia nhập ASEAN” - ông Cầm kể lại. Chiều hôm đó, khi cuộc họp kết thúc, ông Cầm nhận được điện của Tổng Bí thư viết rằng: Thường vụ nhất trí, anh nói với hội nghị ta sẵn sàng gia nhập. Lúc này ông Cầm thấy thở phào nhẹ nhõm với quyết định táo bạo của mình. Với câu trả lời của Việt Nam, AMM tại Bangkok thông báo tháng 7/1995, AMM tại Brunei sẽ tổ chức lễ kết nạp chính thức Việt Nam là thành viên thứ 7 của ASEAN.

ASEAN có lẽ cũng là một phần làm nên “dấu ấn Vũ Khoan” – cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Trưởng Quan chức cấp cao (SOM) đầu tiên của Việt Nam (1992-1997) với những đóng góp của ông trong quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN và Khu mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).

Trong cuốn sách “25 năm Việt Nam trong ASEAN: Cái nhìn người trong cuộc”, ông Vũ Khoan cho rằng việc tham gia AFTA là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một hiệp định thương mại tự do đa phương, chấp nhận và tuân thủ các quy tắc chung. Điều này góp phần tạo nền tảng cho cải cách thể chế kinh tế trong nước, chuẩn bị cho các bước hội nhập tiếp theo vào khu vực lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương và Á - Âu, hướng tới hội nhập toàn cầu. Đối với Việt Nam, tham gia AFTA được xem như là cuộc “tập dượt” quan trọng để hội nhập kinh tế quốc tế nói chung.

Chuyên gia lâu năm về ASEAN người Kavi Chongkittavorn từng nhận định ông Vũ Khoan là “người có công” với ASEAN. Một minh chứng được chuyên gia người Thái Lan nhắc đến là việc ông Vũ Khoan đã giúp các đồng nghiệp ASEAN khác thống nhất tên viết tắt của Hội nghị Á - Âu (ASEM) tại một cuộc họp quan chức cấp cao ở Brunei năm 1995. Trong cuộc thảo luận kéo dài hai ngày, các quan chức ASEAN không thể nhất trí về từ viết tắt AEM của hội nghị, vì từ này trùng lặp với từ viết tắt của Cuộc họp Kinh tế ASEAN. Cuối cùng, ông Vũ Khoan đề xuất viết tắt của Hội nghị Á - Âu là “ASEM”. Theo ông Vũ Khoan, từ viết tắt này sẽ giải quyết được vấn đề. Ở Việt Nam, các từ viết tắt thường sử dụng hai chữ cái đầu của tên hoặc chức danh.

Suốt hành trình phát triển của ASEAN, cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan có niềm tin mạnh mẽ vào sức sống của Hiệp hội, trong nhiều chia sẻ, ông luôn nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ và tự cường của ASEAN, kết hợp với “Phương cách ASEAN” phải là kim chỉ nam trong hành động. Dù bên ngoài có “sóng gió” ra sao thì nơi “cư trú” của ASEAN chính là bản thân nội khối ASEAN với một cộng đồng hơn 600 triệu dân.

ASEAN lớn mạnh gắn liền với Việt Nam và Việt Nam phát triển có hình ảnh của ASEAN, người dân Việt Nam coi ASEAN là mái nhà chung với người dân các nước thành viên Hiệp hội.

ASEAN lớn mạnh gắn liền với Việt Nam và Việt Nam phát triển có hình ảnh của ASEAN, người dân Việt Nam coi ASEAN là mái nhà chung với người dân các nước thành viên Hiệp hội.

Như “hơi thở thường ngày”

Hòa vào dòng chảy ASEAN và biến nó như “hơi thở thường ngày” với Việt Nam cũng là hành trình có nhiều điều để nhớ của các nhà ngoại giao.

Với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tâm Chiến, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam (1997-2001), sau cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan, những cuộc họp SOM ASEAN với ông là cơ hội để trải nghiệm sự “thống nhất trong đa dạng”. Trong cuốn sách “25 năm Việt Nam trong ASEAN: Cái nhìn người trong cuộc”, ông Nguyễn Tâm Chiến chia sẻ rằng thời gian đầu làm việc cùng các đồng nghiệp ASEAN khiến ông có nhiều bỡ ngỡ khi phải thích nghi với sự đa dạng về văn hóa. Tuy vậy, vẫn có thể cảm nhận được sợi dây kết nối trong chính sự đa dạng ấy khi xem điệu múa tre – bamboo dance hay sáo tre – bamboo flute sau các cuộc họp dài. Bài hát Con ếch xanh – The Green Frog của Indonesia với giai điệu tràn đầy năng lượng cũng trở nên thân thuộc.

“Ông Vinh SOM” là danh hiệu gắn liền với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh - Trưởng SOM ASEAN lâu nhất của Việt Nam với gần tám năm liên tục (2007-2014). “Cái tên có lẽ bắt đầu từ thời kỳ trước khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2010. Đó là giai đoạn chúng tôi lăn thân vào việc. Cái tên đó là ân tình của mọi người, nhưng cũng đi kèm với trách nhiệm lớn lao”, nguyên Thứ trường từng chia sẻ với báo chí.

Hơn 100 cuộc họp của ASEAN mỗi năm, có những cuộc kéo dài qua đêm tới 1-2 giờ sáng. Ông Vinh gần như thuộc lòng Hiến chương ASEAN, tham gia thảo luận sâu rộng nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN, cùng các đồng nghiệp trong ASEAN “đấu trí” trước nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có cả vấn đề Biển Đông. Giờ đây, khi đã trải qua nhiều lần thay đổi vị trí công tác và nghỉ hưu nhưng mỗi lần nhắc đến ASEAN, ông lại say sưa. Những chia sẻ đi ra từ tâm trí của nhà ngoại giao đã coi ASEAN là một phần đặc biệt trong cuộc đời mình.

Gần ba thập kỷ qua, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng với vai trò là thành viên ASEAN. ASEAN lớn mạnh gắn liền với Việt Nam và Việt Nam phát triển có hình ảnh của ASEAN, người dân Việt Nam coi ASEAN là mái nhà chung với người dân các nước thành viên Hiệp hội.

Thế hệ đi sau tiếp bước thế hệ đi trước, với sứ mệnh viết tiếp hành trình của Việt Nam trong ASEAN, các nhà ngoại giao Việt Nam hôm nay vẫn cháy rực ngọn lửa đam mê, tận tâm cống hiến để Việt Nam luôn vững vàng nỗ lực cùng các nước thành viên dệt thêu khát vọng phát triển của ASEAN trong tương lai. Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 - sáng kiến của Việt Nam và lần đầu tiên được tổ chức – diễn ra vào ngày 23/4 sắp tới là minh họa cho quyết tâm hết lòng vì sự phát triển ASEAN đó của Việt Nam.

Ngày 1/4, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo về Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. (Ảnh: Anh Sơn)

Ngày 1/4, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo về Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. (Ảnh: Anh Sơn)

Sáng kiến tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 (Jakarta, Indonesia, tháng 9/2023).

Diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 23/4 tại Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 200-300 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, bao gồm lãnh đạo cấp cao của một số thành viên ASEAN và đối tác, đại diện các tổ chức quốc tế, các học giả hàng đầu khu vực và thế giới.

“ASEAN có nhiều cơ chế khác nhau trải từ cấp cao tới các bộ ngành, với diễn đàn mở như Diễn đàn Tương lai ASEAN, tôi hy vọng ASEAN sẽ có nhiều ý tưởng mới để hướng tới định hình tương lai của Hiệp hội”, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh tại buổi họp báo quốc tế ngày 1/4.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asean-nhung-ngay-khong-quen-266655.html