ASEAN: Nỗ lực phục hồi hậu đại dịch Covid-19
Về dài hạn, bất chấp cuộc suy thoái nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, ASEAN vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế thế giới.
Theo dự báo của HIS market, tổng GDP của ASEAN được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ tới, tăng từ 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020 lên 6,8 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Trong thập niên tới, khu vực ASEAN sẽ là một trong ba động lực tăng trưởng chính của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.
Tác động tiêu cực nghiêm trọng từ Covid-19
Tác động tiêu cực, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và các lệnh cấm đi lại, đóng cửa trên diện rộng, khiến không ít nền kinh tế ASEAN rơi vào suy thoái sâu trong năm 2020.
Hệ quả của việc các thị trường chủ chốt như Mỹ và EU đóng cửa dẫn đến xuất khẩu của nhiều quốc gia ASEAN sụt giảm nghiêm trọng trong nửa đầu năm 2020.
Trong số các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Singapore, chịu tác động mạnh từ các đợt giãn cách xã hội, đình trệ kéo dài gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, xây dựng và chi tiêu tiêu dùng.
Các lệnh cấm đi lại trong chính khu vực ASEAN cũng tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch và lữ hành quốc tế.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021, hoạt động kinh tế nội địa cho thấy sự phục hồi đáng kinh ngạc ở nhiều quốc gia ASEAN, sau khi các biện pháp đóng cửa biên giới dần được nới lỏng và các đơn đặt hàng xuất khẩu tăng nhanh trở lại. Trong đó, Việt Nam nổi lên là nền kinh tế duy nhất tăng trưởng dương và thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác.
Nhưng tai ương vẫn không ngừng đeo bám, khi đà phục hồi nhanh chóng của ASEAN trong giai đoạn đầu của đại dịch lại sớm vấp phải làn sóng dịch bệnh thứ tư (tháng 4/2021).
Sự xuất hiện của biến thể Delta đe dọa nghiêm trọng thành quả chống dịch của các nước trong khu vực và làm chậm tiến trình hồi phục kinh tế. Lần này, Covid-19 “đánh” trúng vào nhiều điểm yếu của các quốc gia Đông Nam Á, là chi tiêu tiêu dùng và sản xuất công nghiệp, khiến động lực kinh tế tiếp tục suy yếu trong những tháng gần đây.
Theo dữ liệu mới nhất của IHS Markit, diễn biến phức tạp của Covid-19 và các biện pháp tái hạn chế ở nhiều nước ASEAN vừa qua, khiến các điều kiện hoạt động trong khu vực sản xuất giảm mạnh, trong bối cảnh sản lượng nhà máy và đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm nhanh.
Chỉ số sản xuất PMI (đo lường hoạt động quản lý mua hàng trong ngành sản xuất) của ASEAN trong tháng Tám được ghi nhận tại 44,5 điểm, dù chỉ giảm nhẹ so với con số 44,6 của tháng 7, nhưng báo hiệu sự suy giảm tháng thứ ba liên tiếp về sức khỏe của khu vực sản xuất.
Lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, tình trạng xấu đi được ghi nhận tại toàn bộ bảy nền sản xuất hàng đầu ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong lĩnh vực dịch vụ, tác động của đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng ở hầu hết các quốc gia ASEAN. Làn sóng Covid-19 leo thang, các hạn chế đi lại quốc tế thành trở ngại lớn đối với sự phục hồi của du lịch quốc tế và du lịch nội địa, dự kiến tiếp tục kéo dài trong những tháng còn lại của năm 2021. Du lịch nội địa cũng bị gián đoạn, “bồi thêm” một cú sốc tiêu cực cho ngành du lịch ASEAN.
ASEAN đang từng bước tiến tới phục hồi kinh tế thông qua nhiều sáng kiến khác nhau trong Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) nhằm giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của đại dịch và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN. Trong đó, Khung thỏa thuận hành lang đi lại (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho đi lại vì mục đích công vụ và kinh doanh trong lúc dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn biến mất…
Vượt thách thức để “cất cánh”
Khi bài toán phục hồi hậu đại dịch được đặt ra, có ba vấn đề được cho là thách thức lớn đối với nỗ lực của ASEAN trong ngắn và trung hạn là vaccine Covid-19, niềm tin và chiến lược đối phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Tất nhiên, thực tế cho thấy, tiêm vaccine không phải là chiến lược kỳ diệu có thể hoàn toàn thoát khỏi dịch bệnh, mà một giải pháp y tế cộng đồng phù hợp mới là giải pháp căn cơ. Nó có vai trò đặc biệt quan trọng hỗ trợ tái khởi động nền kinh tế theo từng giai đoạn và khôi phục niềm tin trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 đang diễn ra là dịp đầu tiên trong năm 2021 lãnh đạo các nước ASEAN cùng ngồi lại trao đổi và chỉ đạo về chính sách, cũng như quyết định tất cả các vấn đề then chốt liên quan đến thực hiện các mục tiêu của ASEAN.
Trong đó, ứng phó Covid-19 và phục hồi hậu đại dịch là một trong những vấn đề chính được thảo luận, được xem là một thách thức an ninh phi truyền thống đối với khu vực. Bên cạnh những ưu đãi dài hạn cho nhà đầu tư, các quốc gia thành viên ASEAN đang triển khai Cơ chế một cửa nhằm khơi thông các luồng thương mại và hàng hóa…
Qua những nỗ lực không ngừng, các nước thành viên ASEAN đang cho thấy sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các kế hoạch ứng phó với đại dịch Covid-19, giải quyết những thách thức kép, vừa chống dịch và giữ an toàn cho người dân, vừa nỗ lực duy trì và kích hoạt lại các hoạt động kinh tế. Trước mắt, cộng đồng ASEAN đang tập trung cho sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 với việc tăng tốc phủ vaccine Covid-19 và dần mở cửa nền kinh tế.
Hiện tại, dù con đường phục hồi chưa chắc chắn, nguy cơ tái bùng phát dịch hiện hữu và việc triển khai tiêm phòng vaccine chưa đồng đều, nhưng sức hút đầu tư của ASEAN vẫn tăng lên nhờ triển vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong dài hạn và những xung lực cất cánh đến từ thương mại, chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch lên nền kinh tế toàn cầu, ASEAN vẫn đón luồng đầu tư mạnh mẽ đạt 70 tỷ USD. Triển vọng kinh tế ASEAN được nâng cao hơn nữa sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết (tháng 11/2020), giúp ASEAN gia cố chặt chẽ các chuỗi cung ứng và tăng cường độ mở thương mại với nhóm các đối tác lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
RCEP cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn tạo sự chuyển biến tích cực trong tiến bộ kinh tế khu vực và toàn cầu, đồng thời củng cố sự phục hồi mạnh mẽ của thành viên ASEAN trong dài hạn.
Với quy mô dân số lên tới trên 675 triệu người, chiếm hơn 8% dân số thế giới, việc mở rộng kết nối số được dự báo sẽ giúp GDP của ASEAN tăng thêm 1.000 tỷ USD vào năm 2025 (Báo cáo của Bain & Company).
Các Hiệp định chất lượng cao giúp thúc đẩy các cải cách quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ lao động, tự do hóa đầu tư, an ninh mạng, dữ liệu xuyên biên giới và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời tinh gọn các thỏa thuận thương mại ưu đãi chồng chéo bằng cách thiết lập các quy tắc thương mại chung, bền vững.
Với khoảng trống lớn về phát triển kết nối số, xung lực từ chuyển đổi số sẽ là lĩnh vực có nhiều tiềm năng để ASEAN tạo nên sức mạnh tăng trưởng mới, tăng tốc thương mại, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới ở khu vực. Với quy mô dân số lên tới trên 675 triệu người, chiếm hơn 8% dân số thế giới, việc mở rộng kết nối số được dự báo sẽ giúp GDP của ASEAN tăng thêm 1.000 tỷ USD vào năm 2025 (Báo cáo của Bain & Company).
Tác động của Covid-19 đối với các hành vi xã hội, mô hình tiêu thụ và sử dụng năng lượng, đã đặt ra một bước ngoặt trong cách thức phát triển trong tương lai. Trong đó, tái cấu trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và phát triển bền vững… cũng là những bước tiến dài hạn, được kỳ vọng sẽ giúp ASEAN “cất cánh”.
Tuy nhiên, phục hồi kinh tế sau tác động khủng khiếp của Covid-19 không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt khi các sáng kiến mới của ASEAN nhiều khi vẫn phải “đối đầu” với thách thức cũ đang tồn tại.
Giới chuyên gia cho rằng, đây là những khó khăn lớn, nhưng thành công trong tầm tay. Hy vọng cho tương lai của khu vực ASEAN nằm ở sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên, hành động như một tập thể hơn là sự tập hợp của các cấu phần.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asean-no-luc-phuc-hoi-hau-dai-dich-covid-19-163212.html