ASEAN sẽ là nhân tố chủ chốt trong thương mại toàn cầu bền vững

Theo nhận định của ông Patrick Lee, Giám đốc điều hành cấp cao của Standard Chartered, tăng trưởng của Đông Nam Á trong năm 2024 sẽ được thúc đẩy bởi sự gắn kết ngày càng tăng của các mối quan hệ thương mại trong khu vực.

Số hóa có thể đóng vai trò thúc đẩy các giải pháp bền vững, tăng cường sự gắn kết của các nước ASEAN. Ảnh minh họa: Congthuong

Số hóa có thể đóng vai trò thúc đẩy các giải pháp bền vững, tăng cường sự gắn kết của các nước ASEAN. Ảnh minh họa: Congthuong

Với tư cách là một khối kinh tế thống nhất, ASEAN đang sở hữu nhiều lợi thế và có triển vọng lạc quan trong năm nay, đại diện ngân hàng đa quốc gia Standard Chartered khẳng định.

Theo ông Lee, trong khi Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là trung tâm sản xuất của thế giới, thì ASEAN là cơ sở sản xuất mới nổi và là nơi chuyển giao công nghiệp toàn cầu.

Thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện và nguồn lao động dồi dào của ASEAN là lý do khiến khu vực này trở thành lựa chọn hàng đầu để ngành sản xuất truyền thống của Trung Quốc chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và đến gần hơn với các thị trường đích ở nước ngoài.

Một điểm cộng lớn khác mang lại lợi ích cho ASEAN là sự tham gia của khối này vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại tự do lớn giữa tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Với việc RCEP có hiệu lực, dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển.

Đồng thời, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại với cuộc khủng hoảng bất động sản, một số khoản đầu tư có thể sẽ được chuyển hướng đến các nước khác nhau ở Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia, ASEAN được mô tả như một khu vực hấp dẫn, với các thị trường quan trọng như Indonesia và Việt Nam có lực lượng dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và mức độ sung túc cũng ngày càng tăng. Từ đó, ASEAN được kỳ vọng sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế 4% trong năm 2024 - tốc độ nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới.

Ưu tiên ESG

Song song đó, ASEAN cũng đang ngày càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ diễn ra vào tháng 12 vừa qua (COP28), ASEAN đã thể hiện những nỗ lực trong việc dẫn đầu thị trường carbon trong khu vực. Theo ông Lee, “tính bền vững có thể trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng của ASEAN, và thành công sẽ được quyết định bởi khả năng chia sẻ vốn, chuyên môn và công nghệ của khu vực giữa các quốc gia thành viên”.

Số hóa thúc đẩy thương mại bền vững

Đồng thời, số hóa có thể đóng vai trò thúc đẩy các giải pháp bền vững, từ đó sẽ tăng cường sự gắn kết của khu vực Đông Nam Á.

Một hệ sinh thái thương mại bền vững sẽ mang lại lợi ích dưới hình thức tăng cường xuất khẩu, được hỗ trợ bởi việc áp dụng rộng rãi hơn các giải pháp tài chính chuỗi cung ứng kỹ thuật số (SCF). Nền tảng SCF cung cấp khả năng hiển thị và tính minh bạch cần thiết để theo dõi việc tuân thủ ESG trên toàn bộ chuỗi cung ứng và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các công ty.

“Các công nghệ mới nổi trong thương mại xuyên biên giới làm cho thương mại toàn cầu trở nên toàn diện hơn, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ASEAN”, Standard Chartered nhận định.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/asean-se-la-nhan-to-chu-chot-trong-thuong-mai-toan-cau-ben-vung-136741.html