ASEAN và Trung Quốc mong muốn sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)
Cuộc thảo luận đầu tiên trong vòng đám phán mới nhằm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ diễn ra trong tháng 3 này tại Indonesia. Dù còn những khác biệt nhưng cả hai bên đều thể hiện mong muốn sẽ sớm hoàn tất COC bởi tầm quan trọng của văn kiện này với an ninh khu vực.
Sẽ có “các cách tiếp cận mới” nhằm mang lại tiến triển
Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Indonesia cho biết đang chuẩn bị tổ chức một vòng đàm phán về COC trong năm nay, với các cuộc thảo luận đầu tiên diễn ra vào tháng 3 này. Các cuộc đàm phán là một phần trong ưu tiên của Indonesia nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cam kết thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ngoại trưởng Indonesia cũng cho biết cả ASEAN và Trung Quốc đều muốn đạt được COC hiệu quả, thực chất và khả thi và sẽ có “các cách tiếp cận mới” nhằm mang lại tiến triển cho COC.
Sau một loạt diễn biến phức tạp ở Biển Đông cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, cả ASEAN và Trung Quốc đều nhận thấy cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử để điều chỉnh hành vi của các bên liên quan tại Biển Đông. Trên cơ sở đó, năm 2000, hai bên đã chính thức khởi động tiến trình đàm phán về COC. Trong quá trình đàm phán COC, ASEAN và Trung Quốc nhất trí trước mắt thông qua DOC như một văn kiện chính trị giữa hai bên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tranh chấp ở Biển Đông, củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác hiện có giữa các bên ký kết. Trên cơ sở đó, DOC đã được ASEAN và Trung Quốc ký vào tháng 11-2002, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận đa phương về vấn đề này.
Là văn kiện đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được trong vấn đề Biển Đông, DOC là cơ sở để soi chiếu, đánh giá tính hợp pháp, chính đáng trong hành vi của các bên liên quan theo các cam kết của mình. Đồng thời, DOC cũng thúc đẩy việc xây dựng lòng tin, hợp tác biển giữa ASEAN và Trung Quốc. DOC cũng góp phần xây dựng các cơ chế, diễn đàn, văn kiện phù hợp để ASEAN và Trung Quốc đối thoại, hợp tác với nhau trên Biển Đông. Tuyên bố này tạo tiền đề các bước tiếp theo trong giải quyết căng thẳng trên biển.
Dù là một văn kiện mang tính bước ngoặt, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong hơn 20 năm qua nhưng do không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nên DOC vẫn chưa phát huy hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển. Đã đến lúc phải chuyển DOC thành COC nhằm tránh xảy ra các vi phạm và đối đầu giữa các nước liên quan, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đó là lý do tại sao khu vực cần COC, một công cụ có tính ràng buộc pháp lý, dựa trên Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Cho đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất vòng rà soát thứ nhất và đang tiến hành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC, thể hiện mong muốn của hai bên sớm đạt được một COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trao đổi giữa hai bên đã bị gián đoạn trong những năm gần đây.
Đàm phán về COC sẽ được tăng cường trong năm 2023
Cho đến nay, sau hơn 4 năm kể từ khi Trung Quốc và ASEAN đưa ra dự thảo COC đầu tiên tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 vào tháng 8-2018, bao gồm lập trường của các bên liên quan, nguyện vọng chung của các nước trong khu vực về một bộ COC chính thức để điều tiết căng thẳng Biển Đông vẫn chưa được đáp ứng.
Một trong những lý do lớn nhất của sự chậm trễ này là do những tính toán riêng của Trung Quốc trong xây dựng COC. Chẳng hạn, nhiều nội dung mà Trung Quốc muốn đưa vào COC có mục đích hạn chế các nước thành viên ASEAN phát triển hàng hải và diễn tập quân sự chung với các công ty và quốc gia bên ngoài khu vực. Những công ty hay quốc gia này có thể bị yêu cầu phải có được sự chấp thuận của Trung Quốc mới được tiến hành hợp tác quân sự với các nước ASEAN. Trung Quốc cũng muốn COC không mang tính ràng buộc, phải độc lập khỏi UNCLOS năm 1982 và phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực.
Có thể thấy Bắc Kinh đang sử dụng các cuộc đàm phán COC như một cái cớ để giúp củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông thông qua loại bỏ các yếu tố có thể gây bất lợi cho mình và mang lại lợi thế cho các nước ASEAN. Mất đi tính liên hệ với luật pháp quốc tế và sự ủng hộ, hiện diện của các nước ngoài khu vực, ASEAN sẽ cô độc trong cuộc đấu tranh chủ quyền biển trước một Trung Quốc mạnh cả về mặt quân sự lẫn vị thế chính trị.
Cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ - Trung cũng đang đặt các nước ASEAN vào tình thế bấp bênh, với cảnh báo nguy cơ “xung đột mở” có thể xảy ra. Biển Đông vẫn đang tiếp tục chứng kiến những hành động đi ngược lại với quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển cũng như luật pháp quốc tế, làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng, không tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán. Về nội bộ ASEAN, theo ông Collin Koh - chuyên gia phân tích tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, có nhiều thách thức để tạo đột phá trong tiến trình đàm phán COC do các ưu tiên chiến lược của các nước ASEAN trong năm 2023 vẫn nghiêng về giải quyết khó khăn kinh tế trong nước như áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu. Khu vực Biển Đông cũng đối mặt với động lực kép của cả cạnh tranh và hợp tác. Còn ông Veeramalla Anjaiah - Chuyên gia nghiên cứu Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Indonesia nhấn mạnh đến tính đoàn kết của các quốc gia ASEAN trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Ông cho rằng các nước ASEAN phải quyết tâm, đoàn kết, gạt bỏ lợi ích xung đột giữa các nước thành viên để có tiếng nói chung nhằm đạt được COC ràng buộc về mặt pháp lý.
Trong bối cảnh đó, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia được kỳ vọng có thể thúc đẩy đáng kể các cuộc đàm phán về COC. Ông Dewi Fortuna Anwar - chuyên gia cấp cao về quan hệ quốc tế tại Cơ quan nghiên cứu và đổi mới quốc gia (BRIN) tại Indonesia nhận định, là một quốc gia lớn trong khu vực, Indonesia có năng lực và sự đáng tin cậy để thuyết phục Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Điều quan trọng là quốc gia này phải đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN và UNCLOS năm 1982 phải được áp dụng nhất quán. Indonesia có kinh nghiệm trong việc thúc đẩy UNCLOS, có thể được áp dụng để đẩy nhanh các cuộc đàm phán về COC trên Biển Đông.
Một tín hiệu tích cực là tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ở Jakarta, Indonesia, cuối tháng 2 vừa qua, hai bên cho biết các cuộc đàm phán về COC sẽ được tăng cường trong năm nay. Ông Tần Cương nói: “Trung Quốc và Indonesia sẽ hợp tác với các nước ASEAN khác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, đẩy nhanh tham vấn về COC và cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.