'ATM gạo' tiếp tục lan tỏa đẩy lùi dịch COVID-19

Ngày 16/4, 'ATM gạo' được vận hành tại Trung tâm Văn hóa huyện miền núi Đồng Xuân, một trong những huyện nghèo của tỉnh Phú Yên theo Nghị quyết số 30A/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Người nghèo ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) nhận gạo miễn phí từ cây "ATM gạo". Ảnh: TTXVN

Người nghèo ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) nhận gạo miễn phí từ cây "ATM gạo". Ảnh: TTXVN

Người khó khăn khi đến nhận chỉ cần đưa tay vào hệ thống cảm biến của máy, gạo sẽ chảy ra. Phía bên ngoài, các nhà hảo tâm liên tục chở gạo đến để đổ thêm vào bồn chứa. Để hỗ trợ việc nhận gạo đối với những người già, người tàn tật…, bên máy luôn có hai bạn tình nguyện viên.

Người nghèo khi đến “ATM gạo” nhận được 3 kg/lần, mỗi người được nhận tối đa 6 lần, tương đương 18 kg. Trong lúc khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số gạo này giúp duy trì nồi cơm của nhiều gia đình.

Vừa được nhận gạo, bà Nguyễn Thị Thắng, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân vui vẻ nói: Mấy hôm nay nghe nói có “ATM gạo” chúng tôi cũng mong có ở Phú Yên, bây giờ thì có thật. Năm nay, tôi đã hơn 70 tuổi lại ở một mình, không con cháu nên khó khăn lắm. Nhận được gạo thế này rất mừng. Lát ra chợ mua thêm bó rau, quả trứng là có bữa cơm ngon...

Ngay trong buổi sáng 16/4, có 3 tấn gạo đã được hỗ trợ cho những người nghèo của huyện Đồng Xuân. Để tiếp thêm gạo cho “ATM gạo”, PV OIL Phú Yên tặng thêm 2 tấn. Sau 3 ngày, "ATM gạo" sẽ được di chuyển đến những xã xa nhất của huyện Đồng Xuân như Phú Mỡ, Đa Lộc và sau đó tiếp tục đến với các huyện miền núi khác như Sông Hinh, Sơn Hòa...

Đại diện của nhóm thiện nguyện từ Hà Nội thực hiện chương trình “ATM gạo”chia sẻ: Phú Yên được xem là vựa lúa của miền Trung và đang đúng vào mùa thu hoạch. Thế nhưng ở miền núi, nhất là ở những huyện nghèo vẫn còn nhiều người cần đến gạo. Chính vì thế “ATM gạo” được đặt ở huyện Đồng Xuân. Đến thời điểm này nhóm thiện nguyện đã vận động được khoảng 20 tấn gạo và mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm ủng hộ cho hoạt động này ở Phú Yên để có thêm nhiều người nghèo được giúp đỡ.

Ông Đặng Văn Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân cho biết: Là huyện nghèo nên Đồng Xuân có nhiều khó khăn. Trong thời gian dịch COVID-19, “ATM gạo” là sự hỗ trợ rất ý nghĩa đối với người nghèo và mang tính cộng đồng rất nhiều. Việc “ATM gạo” được di chuyển đến những xã xa, đi lại khó khăn giúp cho người nhận cũng bớt phần vất vả. Ủy ban nhân dân huyện phối hợp chặt chẽ với các nhà hảo tâm để đảm bảo việc nhận gạo an toàn theo quy định phòng, chống dịch.

Lan tỏa sự chia sẻ đối với người nghèo trong mùa dịch COVID-19, thầy và trò trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh cũng đang tích cực triển khai “ATM gạo” đặt ngay tại sân trường. Hơn 20 tấn gạo sẽ được hỗ trợ cho người nghèo ở thành phố Tuy Hòa và luân phiên ở các địa phương khác trong tỉnh.

Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh cho biết: “ATM gạo” của trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần này. So với một số nơi việc đặt “ATM gạo” ở trường có chậm hơn nhưng đây là công sức của thầy và trò, nhất là những em học sinh còn ngồi ghế nhà trường. “ATM gạo” do học sinh làm ra không đơn thuần là việc tặng gạo mà còn là bài học đối với các em về sự chia sẻ, tiếp nối truyền thống "lá lành đùm lá rách".

* Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng người lao động bị mất việc tạm thời, không có thu nhập ở tỉnh Trà Vinh rất lớn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Long Đức (thành phố Trà Vinh) thông báo cho công nhân tạm nghỉ chờ việc hoặc sắp xếp làm việc luân phiên. Nhằm chia sẻ một phần khó khăn với người lao động, nhiều chủ nhà trọ trong tỉnh đã miễn, giảm tiền trọ cho người lao động.

Nhà trọ Thanh Tuyền, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh có 49 phòng, với khoảng 90 người ở trọ, phần lớn là công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Long Đức. Giá thuê phòng từ 700.000 - 1.000.000 đồng/phòng/tháng.

Anh Nguyễn Văn Quân, chủ nhà trọ Thanh Tuyền cho biết, do tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã luân phiên cắt giảm thời gian làm việc của công nhân, ảnh hưởng lớn đến nhu nhập. Thấu hiểu những khó khăn của người lao động, gia đình anh quyết định không thu tiền nhà trọ khi người lao động tạm nghỉ việc do tình hình dịch bệnh và chỉ thu tiền trọ khi người lao động đi làm trở lại.

Cũng là một chủ nhà trọ lớn ở Khu Công nghiệp Long Đức, với hơn 100 phòng cho thuê, có trên 200 người đăng ký ở thường xuyên, chị Lê Thị Huỳnh Nga, chủ nhà trọ Hùng Nga quyết định miễn tiền thuê phòng cho tất cả công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Long Đức trong thời gian nghỉ làm việc để phòng, chống dịch COVID-19.

Bà Lê Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh cho biết, để chia sẻ một phần khó khăn với người lao động trong tình hình dịch COVID-19, thời gian qua, Liên đoàn Lao động các cấp trong tỉnh đã kêu gọi các các chủ nhà trọ trên địa bàn miễn, giảm tiền thuê phòng cho người lao động. Đến giữa tháng 4/2020, toàn tỉnh có 28 chủ nhà trọ đồng ý miễn, giảm tiền thuê nhà trọ cho hàng trăm người lao động; trong đó, một số chủ nhà trọ miễn 100% tiền thuê và cam kết chỉ thu tiền trọ khi người lao động đi làm trở lại. Việc làm này thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, góp phần động viên, giúp người lao động vượt qua khó khăn, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch COVID-19.

* Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội phối hợp với Bưu điện tỉnh Nghệ An và các ngân hàng để chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 2 tháng (tháng 4 và 5/2020) vào cùng một kỳ qua thẻ ATM và chi trả trực tiếp tại nhà cho những đối tượng được hưởng. Ghi nhận ngày đầu chi trả tại nhà đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo đối tượng được nhận.

Cán bộ Bưu điện tỉnh Nghệ An chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tại nhà cho người cao tuổi tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Cán bộ Bưu điện tỉnh Nghệ An chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tại nhà cho người cao tuổi tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Vợ chồng ông Nguyễn Đức Bưởi, xóm 1 xã Nghi Phú, thành phố Vinh đều là cán bộ hưu trí, mỗi tháng đều phải lên UBND xã Nghi Phú nhận lương hưu. Ngày 16/4, được cán bộ Bưu điện tỉnh Nghệ An tổ chức chi trả gộp hai tháng lương hưu bằng tiền mặt tới tận nhà, ông Bưởi cho biết: “Được nhận tiền lương hưu tại nhà vợ chồng tôi mừng vô cùng, vừa tránh được tập trung đông người lại không phải chờ đợi lâu...”.

“Lương hưu là nguồn thu nhập chủ yếu đối với chúng tôi, bây giờ không phải đi xa, không đến nơi tập trung đông người nên đây là sự cố gắng của cơ quan chức năng đối với lực lượng yếu thế như chúng tôi, chúng tôi rất vui mừng”, ông Trần Trọng Tường, xóm 6 xã Nghi Liên, thành phố Vinh nói.

Do đặc thù các đối tượng người hưởng lương hưu hầu hết là người cao tuổi, rất nhạy cảm với dịch bệnh, được khuyến cáo không ra khỏi nhà, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, giãn cách xã hội. Việc chi trả gộp 2 tháng trong một lần để tạo điều kiện cho người hưởng không phải đi ra ngoài nhận tiền, hạn chế rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Trước khi xuất phát, nhân viên Bưu điện được đo thân nhiệt, được trang bị khẩu trang, găng tay, nước rửa tay sát khuẩn để phục vụ quá trình chi trả an toàn. Để thuận lợi trong công tác chi trả, Bưu điện tỉnh Nghệ An thông báo người lĩnh lương tại nhà chuẩn bị sẵn các giấy tờ cần thiết như: Sổ lĩnh lương hưu, giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy ủy quyền…, đồng thời thực hiện các biện pháp an toàn trong quá trình nhận tiền như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn trong giao tiếp.

“Thực hiện nhiệm vụ trên, Bưu điện tỉnh Nghệ An đã huy động 950 nhân viên với mục tiêu chi trả an toàn, chính xác, hoàn thành theo kế hoạch về thời gian chi trả là ngày 25/4”, bà Đào Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Nghệ An cho biết.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện có hơn 162.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại 21 huyện, thành, thị với số tiền hơn 1.100 tỉ đồng. Trước đó, ngày 7/4, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 2 tháng (tháng 4 và 5/2020) cho gần 19.000 người qua tài khoản ATM (chiếm 11% đói tượng thụ hưởng), còn trên 143.000 người sẽ được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại nhà.

Xuân Triệu - Thanh Hòa - Bích Huệ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/atm-gao-tiep-tuc-lan-toa-day-lui-dich-covid19-20200416155234177.htm