Ấu thơ 'quần đùi áo số'

EURO đang vào cao trào, tôi lại nhớ thời 12 - 13 tuổi, đó là vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Thời đó tôi cũng mê 'quần đùi áo số' lắm, đến nỗi cứ hở ra là đi đá bóng. Tôi được bố mua cho quả bóng cao su giá 1,6 đồng màu đỏ, to chỉ nhỉnh hơn quả bưởi và dĩ nhiên là nhỏ hơn quả bóng đá đá bình thường. Nhưng được như thế là oách lắm rồi…

Giấc mơ

Có bóng thì đi đá bóng là đương nhiên. Dạo ấy lũ nhóc chúng tôi đá ở bất kỳ chỗ nào có thể, khi thì ở góc vườn hoa, lúc lại ngay trên vỉa hè. Thời đó xe cộ còn ít, người đi bộ ngoài phố cũng ít, vậy nên đá bóng trên vỉa hè cũng là một cách giải tỏa “cơn khát” bóng đá.

Chúng tôi dĩ nhiên chia thành 2 đội. Tuy không được quy củ lắm bởi dù chia nhưng theo kiểu có bao nhiêu đứa thì tách làm đôi, thế thôi. Việc chia đội hoàn toàn tự nguyện, nghĩa là tùy, đứa nào thích cùng đội với đứa nào thì chạy về phía đội đó. Việc xác định cầu thủ 2 đội cũng đơn giản. Một đội cởi trần, đội còn lại mặc áo. Cứ cắm cổ chạy theo bóng, thoáng thấy có đứa cởi trần (biết ngay là đội mình) thì chuyền cho nó. Thoáng thấy thằng mặc áo (biết là đội bạn) thì băm bổ lao vào tranh bóng.

Có hôm đi học về, khi ngang qua cửa nhà anh Ninh thì mắt tôi sáng lên. Anh Ninh hơn tôi 4 tuổi đang đứng trước cửa với vẻ mặt rất mãn nguyện. Chao ôi, oách thật đấy, anh mặc quần đùi có 3 sọc trắng, chân đi giầy ba ta xanh. Tôi cứ đứng ngây ra, mắt dán vào chiếc áo may ô anh đang mặc đầy ngưỡng mộ. Đó là chiếc áo may ô Đông Xuân màu trắng, và quan trọng phía trước có hình một cầu thủ đang tung chân móc bóng, sau lưng in số 11 đỏ thẫm. Tôi thèm thuồng. Tôi thuỗn mặt ra mà ao ước, giá mình cũng có “chiếc áo cầu thủ” như thế. Hình như anh Ninh cũng nhận thấy nên ưỡn ngực ra, anh quay trước quay sau khiến tôi nuốt nước bọt ừng ực. Rồi anh vẫy tay gọi tôi lại gần: “Mày thấy đẹp không?”. “Dạ đẹp! Làm thế nào mà anh có chiếc áo này ạ?”. Anh Ninh cười rõ to: “Dễ ợt”. Tôi ngơ ngác hỏi lại: “Dễ như thế nào?”. Không trả lời ngay, anh Ninh lại ưỡn người quay trước quay sau. Động tác ấy càng làm tôi thêm háo hức. Tôi rụt rè: “Anh bảo em cách với”.

Anh Ninh kéo tôi lại gần hơn. Chúng tôi đã có “cuộc nói chuyện nghiêm túc” về cách làm thế nào để có được một chiếc áo may ô in số và hình cầu thủ bóng đá. Tôi nghe một hồi thì cũng hiểu ra, nhưng vẫn băn khoăn: “Em chưa biết làm thế nào?”. Anh Ninh lại thầm thì: “Thế… cứ thế… Mày cứ đến đấy mà xem người ta làm thế nào rồi về làm theo”.

Nhớ về ký ức tuổi thơ với những buổi vui chơi cùng đám bạn

Nhớ về ký ức tuổi thơ với những buổi vui chơi cùng đám bạn

Học mót

Chủ nhật ấy, theo chỉ dẫn của anh Ninh tôi quyết tâm dạy sớm. Đi bộ từ nhà đến vườn hoa Hàng Đậu thì nhảy lên xe điện tuyến Quán Thánh - Bờ Hồ. Tới cuối phố Hàng Đào thì tôi xuống xe, đi chậm rãi trên vỉa hè bên số lẻ. A đây rồi! Tôi thầm reo lên sung sướng. Đập ngay vào mắt tôi là mấy cửa hàng in áo bóng đá. Đó là những cửa hàng nhỏ chỉ đủ kê một chiếc bàn gỗ, phía sau lưng người thợ đang cắm cúi làm việc là một dây phơi treo la liệt những chiếc áo may ô vừa được in số xong. Sau này, tôi được biết là áo treo như thế vừa để cho khô mực, vừa để thu hút ánh người đi ngang qua.

Tôi lân la sán lại gần một cửa hàng, quan trọng là người thợ ở cửa hàng này nhìn vẻ mặt khá thân thiện. Tôi đã có “kinh nghiệm” lân la ngồi bậu cửa trên phố nên biết trẻ con rất dễ bị đuổi đi. Tuy vậy, thấy vẻ mặt người thợ lành lành nên tôi vẫn ghé mông vào. Người quay ra ngoài phố, nhưng mặt tôi thì ngoái vào trong theo dõi người thợ làm việc. “Mày phải đến đó để xem người ta làm như thế nào. Đến đó để học mót cách làm. Hiểu chưa?” - anh Ninh đã cẩn thận dặn tôi như vậy.

Tôi ngồi với tinh thần là xem cho nhanh và cũng phải nhanh chóng rời đi khi bị đuổi. May quá, người thợ này không khó chịu khi thấy tôi xuất hiện và ngồi lỳ ở bậu cửa. Bác vừa quay lưng treo chiếc áo lên dây phơi, vừa mở to mắt nhìn tôi. Thấy tôi chăm chú nên bác ấy hiểu ra và hỏi: “Mày xem hay học đấy?”. Một câu hỏi rất thiện chí, tôi nghĩ vậy nên trả lời luôn: “Cháu học”. Bác thợ cười khà khà: “Muốn học thì nói luôn cho rồi”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi quay hẳn người vào trong nhà: “Vâng, cháu muốn in số lên áo ạ”. Bác thợ lại cười khà khà rồi mặc tôi đang hớn hở, bác tiếp tục công việc của mình. Nhưng lần làm việc này bác thợ có thay đổi, nghĩa là bác làm chậm hơn cho tôi nhìn được kỹ. Đầu tiên, bác trải chiếc áo may ô xuống bàn sau khi đã lồng vào trong áo một tấm bìa dày vừa sít với chiếc áo. Bác thong thả vuốt cho chiếc may ô được phẳng phiu rồi với tay lấy mẫu. Trên tường sát với chiếc bàn đã mắc sẵn những khuôn mẫu bằng mica mỏng. Từng chiếc mica mẫu đã được cắt thủng những con số từ 1 tới 11. Tôi liếc nhìn bức tường, ở đó còn treo những mẫu hình cầu thủ nữa. Có mấy hình cắt sẵn như cầu thủ tung người móc bóng, cầu thủ đang dắt bóng, lại có cả hình cầu thủ 2 đội đang tranh bóng nữa.

Tiếp tục công việc, bác thợ đặt tấm mica cắt số lên chiếc áo, chỉnh để khuôn vào chính giữa. Rất cẩn thận, bác cầm cây bút lông chấm vào bát màu rồi nhẹ nhàng phết vào chỗ đã cắt thủng ở tấm mica, miệng nói nhỏ: “Quyệt nhẹ nhàng thôi. Nhớ là giữ cho khuôn không xê dịch và không được hở 1 ly. Mẫu phải đặt khít thì nét in sẽ không bị nhòe, không bị dính vào số khác”. Rồi bác cũng rất nhẹ nhàng nhấc mẫu in lên. Tôi ồ lên thán phục. Một con số rất ngay ngắn với đường nét gọn gàng đã hiện ra. Bác thợ lại nhẹ nhàng nhấc chiếc áo vừa in lên và cẩn thận lồng vào bên trong chiếc khung nhỏ rồi giải thích: “Để cho 2 mặt áo không bị dính vào nhau”. Rồi bác lại treo chiếc áo đó lên dây phơi.

Cảnh xem bóng đá thời bao cấp

Cảnh xem bóng đá thời bao cấp

Những ngôi sao sân cỏ

Vèo một cái đã sắp tới trưa. Tôi cũng đã học xong, nhưng chỉ là học xong cách phết màu sơn chứ chưa học được cách làm khuôn mẫu. Biết vậy nên bác thợ bảo: “Cắt đục số cũng dễ thôi. Đơn giản là làm ngược lại”. Thì ra cách làm ngược lại như bác thợ nói là đặt những con số làm bằng bìa cứng lên tấm mica nguyên vẹn, lấy bút chì vẽ theo con số đó rồi dùng dao cạo râu để cắt. Thế là được một khuôn mẫu số để in áo.

Nằn nì mãi, cuối cùng tôi cũng nhờ vả xin được mấy bản phim chụp X-quang bỏ đi. Có “nguyên liệu” làm mẫu số rồi, tôi lại phải nhờ chú Bình, một người chuyên làm nghề cắt chữ cắt hộ trên bản phim X quang. Quả là chú Bình cắt chữ rất giỏi. Chữ hay số nào cũng sắc nét và đều nhau. Rồi tôi còn phải cậy cục bố tôi mang về hộp màu vẽ của Đông Đức nữa, thế là đủ. Tôi bàn với lũ bạn cùng phố cách làm sao để đứa nào cũng có được một chiếc may ô trắng.

Mùa hè năm đó, đội bóng trẻ con phố tôi trở nên “chuyên nghiệp” hẳn, đứa nào cũng mặc áo số ra sân. Dĩ nhiên cũng mất một hồi cãi nhau chí chóe vì chuyện thằng nào cũng tranh số 9 hay số 11 cho mình.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/au-tho-quan-dui-ao-so-post582807.antd