AUKUS - Gọng kìm mới siết Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Mỹ, Anh, Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh lịch sử nhằm tăng cường năng lực quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong nỗ lực đối trọng với Trung Quốc.

Sau cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người Thủ tướng Anh Boris Johnson, thỏa thuận hợp tác an ninh - quốc phòng lịch sử mang tên AUKUS được công bố.

Các quan chức Mỹ ca ngợi đây là thông báo lịch sử "ràng buộc dứt khoát Australia với Mỹ và Anh trong nhiều thế hệ".

Thỏa thuận lịch sử

Với AUKUS, các quan chức và các chuyên gia kỹ thuật của 3 nước này sẽ hợp tác trong vòng 18 tháng tới để cung cấp cho Australia công nghệ hạt nhân cho phép nước này triển khai tàu ngầm "nhằm cải thiện khả năng răn đe trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương".

3 nước cũng hợp tác trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo, toán lượng tử và năng lực tàu ngầm vào các hoạt động quân sự của họ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: EPA-EFE)

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: EPA-EFE)

"Đây là một thông báo lịch sử. Nó phản ánh quyết tâm của chính quyền Biden trong việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn nhằm duy trì hòa bình và ổn đỉnh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", một quan chức của chính quyền Biden cho biết.

Tại cuộc họp chung sau hội nghị, ông Biden cho biết đây là sáng kiến cần thiết để đảm bảo Mỹ và đồng minh được trang bị "năng lực hiện đại nhất cần có để điều động và phòng thủ trước các mối đe dọa nhanh chóng".

Ông Biden không nêu rõ các mối đe dọa này tới từ các quốc gia nào.

Các chuyên gia cho rằng dù không ai trong 3 nhà lãnh đạo nhắc tới Trung Quốc, thỏa thuận này rõ ràng vẫn nhắm mục tiêu vào Bắc Kinh.

Khi được hỏi về liên minh an ninh mới, Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington kêu gọi các nước "không nên xây dựng liên mình nhằm mục tiêu hoặc làm tổn hại tới lợi ích của bên thứ 3.

"Họ nên rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến về ý thức hệ", ông Liu nói.

Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall ở Mỹ cho rằng Bắc Kinh sẽ coi AUKUS là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm xây đựng các liên minh đối phó với Trung Quốc.

Trong khi đó, Charles Edel - chuyên gia về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương coi thông báo hôm 15/9 là ví dụ mới nhất về việc Biden từ bỏ cách tiếp cận "đơn thương độc mã" trong nỗ lực đối đầu với Trung Quốc và san sẻ nhiều hơn với đồng minh.

Ông Edel tin rằng với một Trung Quốc đang trỗi dậy, việc thu hút thêm đồng minh sẽ giúp Mỹ gia tăng năng lực răn đe.

Bộ tứ - 2 + 1

Trong khi đó, tờ Nikkei Asia Review, đánh giá AUKUS là "người em họ" của Bộ Tứ kim cương (QUAD) - liên minh tiềm năng để đối trọng Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo đó, AUKUS gồm 2 thành viên trong Bộ Tứ là Mỹ và Australia và sự tham gia của Anh.

Theo NAR, trong một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc, nhiều nhà hoạch định quân sự của Mỹ tin rằng chỉ có tàu ngầm mới có thể hoạt động ở eo biển Đài Loan. Nguyên nhân là bởi 2.000 tên lửa từ tầm ngắn đến tầm trung của Trung Quốc sẽ đánh chìm mọi tàu mặt nước đi vào vùng biển này.

Khi Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự trong khu vực, Bắc Kinh có thể sẽ cố gắng xua đuổi cả các tàu mặt nước tiến vào Biển Đông.

Do đó, sự hợp tác của AUKUS trong vấn đề về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân phù hợp với câu chuyện trên.

Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Minnesota của Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Minnesota của Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Một khía cạnh khác của AUKUS là Mỹ đưa Anh hậu Brexit gia nhập sâu hơn vào Ấn Độ - Thái Bình Dương.

"Anh rất tập trung vào khái niệm "nước Anh toàn cầu" và khuynh hướng của họ là tham gia sâu hơn vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực đó", một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay.

Thay vì mời Anh tham gia QUAD, chính quyền Biden chọn thành lập một nhóm mới, có thể linh hoạt hơn để mở rộng hợp tác quốc phòng bằng cách loại trừ Nhật Bản - quốc gia có những hạn chế trong hiến pháp và Ấn Độ - quốc gia có chính sách tự chủ chiến lược.

"Đó là việc kết nối các đồng minh và đối tác hiện tại của Mỹ theo những cách mới và tăng cường khả năng hợp tác của chúng tôi, thừa nhận rằng không có sự chia rẽ khu vực nào ngăn cách lợi ích của các đối tác Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của chúng tôi", Tổng thống Biden cho hay.

Về lý do Washington chọn thành lập một nhóm mới thay vì mở rộng Bộ Tứ, Tanvi Madan - một thành viên cấp cao tại Viện Brookings nhận định không phải mọi đồng minh hoặc đối tác đều phải tham gia vào mọi liên minh.

"Các thành viên của liên minh được xây dựng trên 3 nguyên tắc: Các thành viên có liên quan đến tập hợp con cụ thể của các vấn đề không? Các thành viên đã sẵn sàng chưa? Họ có đủ tài nguyên không? Trong trường hợp này, một số việc có thể dễ dàng hơn vì cả ba đều là thành viên của "Ngũ nhãn". Nhưng mặt khác, hãy nhớ rằng Nhật Bản và Ấn Độ có cùng quan điểm về Trung Quốc hơn là Anh", bà Madan cho hay.

Song Hy (Nguồn: SCMP, NAR)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/aukus-gong-kim-moi-siet-trung-quoc-o-an-do-duong-thai-binh-duong-ar636728.html