Australia hủy hợp đồng tàu ngầm, hàng trăm công ty điêu đứng

Hàng trăm công ty đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản do đầu tư vào hợp đồng đóng tàu của Australia với Pháp.

Việc Australia hủy hợp đồng tàu ngầm trị giá hơn 90 tỷ AUD (khoảng 65,9 tỷ USD) với Pháp và chuyển sang hợp tác với Mỹ và Anh không chỉ tạo ra căng thẳng ngoại giao, nó còn kéo theo cơn ác mộng cho những nhà thầu liên quan đến vụ việc này.

Cụ thể, Australia đã hủy bỏ hợp đồng ký năm 2016 về việc mua 12 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel do tập đoàn Naval Group của Pháp sản xuất.

Lockheed Martin Australia, công ty vốn chịu trách nhiệm về hệ thống chiến đấu của tàu ngầm trong hợp đồng này của Australia, đang khổ sở vì động thái của Canberra.

Tuy các công ty của Australia cũng có thể tham gia vào hợp đồng mới, triển vọng còn khá mờ mịt, theo Nikkei Asia.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai từ trái sang) và Thủ tướng Australia lúc bấy giờ là Malcolm Turnbull (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh trên tàu ngầm HMAS Waller ở Sydney vào tháng 5/2018. Ảnh: AP.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai từ trái sang) và Thủ tướng Australia lúc bấy giờ là Malcolm Turnbull (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh trên tàu ngầm HMAS Waller ở Sydney vào tháng 5/2018. Ảnh: AP.

Nguy cơ phá sản

Hồi giữa tháng 9, Lockheed Martin Australia tuyên bố trao 12 hợp đồng cho các tổ chức công nghiệp và học thuật của Australia phụ trách, với tổng giá trị lên đến 900.000 AUD (khoảng 662.000 USD).

Các hợp đồng này nhằm phát triển công nghệ mới để hỗ trợ cho hệ thống tác chiến tàu ngầm tấn công của Australia.

Chỉ một ngày sau đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison tiết lộ về liên minh ba bên mới được gọi là AUKUS và đi kèm với đó là hợp đồng đóng ít nhất 8 tàu ngầm năng lượng hạt nhân cho Hải quân Hoàng gia Australia, hợp tác với Mỹ và Anh.

Trả lời Nikkei Asia, Lockheed Martin Australia cho biết: "Chúng tôi rất vinh dự được phụ trách Chương trình Tích hợp Hệ thống Chiến đấu cho Chương trình Tàu ngầm Tương lai của Khối thịnh vượng chung Australia kể từ năm 2016".

"Chúng tôi rất tự hào rằng trong 5 năm qua, đội ngũ tay nghề cao của chúng tôi đã tăng cường sức mạnh quan hệ đối tác với Hải quân Hoàng gia Australia và chính phủ Australia, đồng thời hỗ trợ việc bảo vệ chủ quyền, đào tạo và quan hệ đối tác chiến lược về học thuật và công nghiệp", công ty này nói thêm.

Lockheed Martin Australia cũng tuyên bố đang "hợp tác chặt chẽ với khách hàng để phân tích tác động cụ thể đối với lực lượng lao động tay nghề cao" của công ty này.

Dưới tác động của việc hủy hợp đồng, nhiều nhà sản xuất Australia - hầu hết là các công ty vừa và nhỏ - đối mặt với khoản lỗ lớn có thể khiến họ phá sản.

Sau khi liên minh mới giữa Australia - Mỹ - Anh được thành lập vào giữa tháng 9 và ba bên tuyên bố hợp tác trong việc xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân, Giám đốc điều hành Mạng lưới Công nghiệp và Quốc phòng Australia, ông Brent Clark, bày tỏ lo ngại về số phận của hàng trăm công ty đã đầu tư vào chuỗi cung ứng cho hợp đồng bị hủy bỏ.

"Thực tế ở đây là chính phủ đã đưa ra quyết định chiến lược và chúng tôi sẽ luôn tôn trọng quyền quyết định của chính phủ. Nhưng có hàng trăm công ty Australia đã và đang đầu tư, nâng cấp, nâng cao kỹ năng và chi tiền một cách có hệ thống để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng cho Naval Group. Chúng ta cần đặt câu hỏi: Liệu những công ty này sẽ phải xoay xở ra sao?", ông Clark nói với Sky News Australia.

 Văn phòng của Naval Group ở Cherbourg-en-Contentin, Pháp vào ngày 23/9. Ảnh: Reuters.

Văn phòng của Naval Group ở Cherbourg-en-Contentin, Pháp vào ngày 23/9. Ảnh: Reuters.

Giám đốc điều hành Mạng lưới Công nghiệp và Quốc phòng Australia chỉ ra rằng nhiều nhà sản xuất trang thiết bị quốc phòng của nước này là doanh nghiệp vừa và nhỏ với dưới 300 nhân viên.

Ông cảnh báo sự thay đổi chính sách nói trên có thể khiến các công ty này phá sản, do phải gánh khoản lỗ lớn từ việc đặt cược vào hợp đồng tàu ngầm với Pháp.

Thales, nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn của Pháp, là một nạn nhân khác.

Tuyên bố của công ty này về việc Australia hủy hợp đồng có đoạn: "Từ góc độ tài chính, Thales tham gia chương trình này ở hai cấp độ: Một là với tư cách nhà cung cấp hệ thống phụ trợ cho Lockheed Martin, và hai là cổ đông với 35% cổ phần của Naval Group".

Theo Nikkei Asia, Thales là cổ đông lớn của Naval Group và đã có hợp đồng cung cấp thiết bị với Lockheed Martin.

Tuy nhiên, công ty Pháp đánh giá thấp tác động của mối quan hệ này đến lợi nhuận của mình.

"Vào ngày 30/6, đơn đặt hàng tương ứng với Lockheed Martin không có quy mô lớn so với Thales, vì hợp đồng này có giá trị dưới 34 triệu USD", Thales tuyên bố.

Ít cơ hội cho doanh nghiệp Australia trong hợp đồng mới

Năm 2016, chính phủ Australia chọn DCNS, tiền thân của Naval Group, làm đối tác phát triển tàu ngầm thế hệ tiếp theo. DCNS được chọn sau khi vượt qua các ứng cử viên khác là tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries của Nhật Bản, cũng như nhà thầu quốc phòng Đức ThyssenKrupp Marine Systems.

Thủ tướng Australia lúc bấy giờ là Malcolm Turnbull rất muốn tạo thêm việc làm cho người dân nước này. Do đó, ông được cho là quyết định hợp tác với DCNS vì công ty này cam kết sẽ đóng nhiều tàu ngầm ở cơ sở thuộc miền Nam Australia.

Theo ước tính ban đầu, chi phí đóng 12 tàu ngầm thông thường vào khoảng 50 tỷ AUD. Khi đó, đây được coi là hợp đồng mua sắm thiết bị quốc phòng lớn nhất của Australia.

Vì vậy, dĩ nhiên khi Canberra hủy hợp đồng, Naval Group không hài lòng.

"Trong 5 năm, đội ngũ của Naval Group, cả ở Pháp và Australia, cũng như các đối tác của chúng tôi, đã nỗ lực hết mình. Naval Group đã thực hiện tất cả cam kết của mình", Naval Group cho biết trong tuyên bố, phản ánh sự thất vọng và ý định đòi Canberra bồi thường.

 Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng với Giám đốc điều hành DCNS Herve Guillou xem một mô hình tàu ngầm vào năm 2016. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng với Giám đốc điều hành DCNS Herve Guillou xem một mô hình tàu ngầm vào năm 2016. Ảnh: Reuters.

Trước khi Naval Group bắt đầu đóng các tàu ngầm trong hợp đồng bị hủy, Australia cũng đã chi khoảng 2,4 tỷ AUD để thiết kế một tàu ngầm tấn công. Việc Canberra hủy bỏ hợp đồng chắc chắn là đòn giáng nặng nề đối với Naval Group.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Australia Simon Birmingham cho biết hạm đội gồm "ít nhất 8" tàu ngầm năng lượng hạt nhân, mà nước này hợp tác với Mỹ và Anh, có giá trị hơn 90 tỷ AUD (khoảng 65,9 tỷ USD).

Với sự tham gia của Mỹ và Anh - hai quốc gia đều đang sở hữu tàu ngầm hạt nhân - các công ty của hai nước này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong hợp đồng mới, theo đánh giá của một số chuyên gia.

Peter Jennings, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho rằng hai ứng cử viên tiềm năng cho hợp đồng mới là General Dynamics - nhà sản xuất tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia ở Mỹ - và công ty con của nó là Electric Boat.

Ngoài ra, nhà sản xuất trang thiết bị quốc phòng BAE Systems của Anh, công ty sản xuất tàu ngầm hạt nhân cho Anh, cũng là một ứng cử viên tiềm năng.

Theo Thủ tướng Australia Morrison, chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân của nước này sẽ bắt đầu trong vòng 10 năm tới.

Video thủy thủ tàu ngầm xấu số ca hát trước tai nạn Đoạn video bất ngờ nổi lên sau tai nạn, khiến nhiều người đau xót, cho thấy thủy thủ đoàn tàu ngầm KRI Nanggala-402 cùng nhau ca hát trên con tàu.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/australia-huy-hop-dong-tau-ngam-hang-tram-cong-ty-dieu-dung-post1270133.html