Australia trang bị tàu ngầm hạt nhân: Game changer hay chuyện thay đổi cuộc chơi!

Sự ra đời của AUKUS như vụ nổ của một quả bom chính trị an ninh thế giới. Một liên minh quân sự mới ra đời? Mục tiêu nhắm tới của bộ ba mới này là gì? Báo Thế giới & Việt Nam phân tích.

Với AUKUS, Australia có thể có được tầu ngầm hạt nhân nhưng không có được vũ khí hạt nhân. (Nguồn: Getty Images)

Với AUKUS, Australia có thể có được tầu ngầm hạt nhân nhưng không có được vũ khí hạt nhân. (Nguồn: Getty Images)

AUKUS là từ viết tắt từ tên của ba nước Mỹ (USA), Anh (UK) và Australia theo đúng thứ tự abc. Nó nội hàm nối quan hệ đối tác tay ba được tăng cường về an ninh mà ba nước kia vừa thiết lập.

Sự ra đời của nó như vụ nổ của một quả bom chính trị an ninh thế giới. Gần như ngay lập tức, người ta dùng nhiều mỹ từ to tát để biểu hiện nó như chiến tranh lạnh mới hay liên minh quân sự nhiều bên đầu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cân bằng chiến lược ở khu vực này hay cấu trúc an ninh mới... Chúng nghe rất bùi tai, đồng tình thì chẳng mất gì nhưng nếu không tán thành thì dễ bị coi là thiếu hiểu biết.

Liên minh quân sự mới?

Trong thực chất, AUKUS hiện mới chỉ là tuyên bố ý định của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison. Bộ ba này chủ ý không coi đấy là liên minh quân sự mà chỉ là liên minh an ninh hay phòng thủ, không nhằm đối phó bất kỳ ai cho dù gần như ai ai cũng nghĩ ngay đến và cho rằng họ nhằm đối phó Trung Quốc là chính và trước hết.

Trong khuôn khổ AUKUS, ba người nói trên cho biết sẽ tập trung hợp tác về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và đặc biệt về thiết bị quân sự ngầm dưới nước mà cốt lõi là giúp Australia có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Không phải Mỹ và Anh bán tàu ngầm hạt nhân cho Australia như Pháp đã mời chào nước này hồi năm 2016 mà được chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân.

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ xưa đã có và nay vẫn có liên minh quân sự hay hợp tác quân sự, an ninh và quốc phòng với không ít đối tác. Anh thì mới bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự trực tiếp ở khu vực.

Vì thế, nếu ba nước này có thành lập liên minh quân sự mới hay thiết lập khuôn khổ quan hệ hợp tác quân sự, quốc phòng hay an ninh mới với nhau thì thực chất cũng không có gì đặc biệt. Họ cũng sẽ không thành lập liên minh quân sự mới bởi trong thế giới hiện đại ngày nay, liên minh quân sự lâu dài như NATO đã không chỉ lỗi thời mà nhiều khi còn phản tác dụng.

Chiều hướng phổ biến là chỉ liên minh nhất thời cho mục tiêu cụ thể và sau thời gian nhất định sẽ tự giải tán như Mỹ đã làm để tiến hành chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, Saudi Arabia đã làm để tiến hành chiến tranh ở Yemen. Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách thành lập cái gọi là NATO Arab để đối phó Iran nhưng đâu có thành công. Điều khiến thiên hạ bất ngờ và có phần sửng sốt ở AUKUS là việc Mỹ chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia.

Tàu ngầm hạt nhân không phải là vũ khí chiến lược nhưng có ý nghĩa chiến lược về quân sự. Có tàu ngầm hạt nhân thì không bị hạn chế hay kiểm soát gì bởi các thỏa thuận quốc tế như với sở hữu vũ khí hạt nhân. Với AUKUS, Australia có thể có được tàu ngầm hạt nhân nhưng không có được vũ khí hạt nhân.

Trên phương diện được Mỹ chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân, Australia khác biệt cơ bản so với Anh hồi năm 1958. Cho đến nay, Australia là quốc gia thứ 2 trên thế giới sau Anh (năm 1958) được Mỹ chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Qua đó có thể thấy Mỹ đã nâng cấp rõ rệt quan hệ với Australia và đặt Australia ngang bằng với Anh trong diện có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ.

Khi xưa, Mỹ đồng ý chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Anh vì bối cảnh chiến tranh lạnh, vì có sự kiện vệ tinh Sputnik (1957), vì nước Anh chế tạo ra bom nhiệt hạch và vì Mỹ có nhu cầu trang bị vũ khí hạt nhân cho Anh để tăng cường tiềm lực và hiệu ứng răn đe hạt nhân đối với Liên Xô. Ngoài ra, cho đến thời điểm ấy, Mỹ và Anh đã có quan hệ hợp tác rất bền chặt và tin cậy về quân sự và quốc phòng.

Sự ra đời của AUKUS không có nghĩa là bộ ba này nhằm tới chiến tranh lạnh với Trung Quốc nhưng sẽ làm thay đổi cục diện chính trị an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt ở khu vực Biển Đông và Nam Thái Bình Dương.

Triết lý của ông Biden

Mục đích chính của AUKUS là cung cấp cho Australia phương tiện chiến lược để có thể mở rộng phạm vi hoạt động quân sự mà không cần phải có vũ khí chiến lược. Australia đảm trách vai trò quân sự, quốc phòng và an ninh càng lớn và càng nhiều ở khu vực này thì Mỹ và Anh càng ít phải trực tiếp xuất hiện và ra tay.

AUKUS biến Australia thành trụ cột vững chắc mới trong chiến lược của họ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí đối với cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cho mục đích này, ở khắp cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện chỉ có 2 đối tác thích hợp đối với Mỹ và Anh là Australia và Nhật Bản. Australia thích hợp hơn Nhật Bản vì Australia hiện ở trong Khối thịnh vượng chung của Anh, lại cách xa Trung Quốc và không bị bó chân trói tay bởi hiến pháp hiện hành như Nhật Bản.

Nhưng Mỹ đã chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia thì khi có lợi hoặc bắt buộc, ở vào thời điểm nào đấy trong tương lai, dưới tác động của diễn biến tình hình mới, Mỹ sẽ hành động tương tự với Nhật Bản.

Sự ra đời của AUKUS không có nghĩa là bộ ba này nhằm tới chiến tranh lạnh với Trung Quốc nhưng sẽ làm thay đổi cục diện chính trị an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt ở khu vực Biển Đông và Nam Thái Bình Dương.

Mỹ kéo Anh vào cuộc vì Anh đang có nhu cầu phát triển nước Anh sau khi ra khỏi EU thành "Nước Anh toàn cầu" nhưng cũng còn vì Anh sẽ bổ sung cho Mỹ trong chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia những khi chính phủ Mỹ bị quốc hội Mỹ cản trở.

AUKUS cho thấy triết lý của ông Biden trong tiến hành cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện của Mỹ với Trung Quốc không phải là lập liên minh cố định với các đối tác cùng đối phó Trung Quốc mà gây dựng mạng lưới các cơ chế và cấp độ tập hợp lực lượng khác nhau bao gồm các đối tác trên thế giới giúp Mỹ có lợi thế tối đa và tối ưu trên mọi phương diện để nổi trội hơn hẳn Trung Quốc.

Các tập hợp lực lượng này bổ sung cho nhau và dựa vào nhau chứ không theo thứ tự ưu tiên nào cả do trùm phủ mọi khía cạnh. Nó cũng còn cho thấy ông Biden coi trọng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì lợi ích chiến lược đa dạng lâu dài của nước Mỹ chứ không phải đơn thuần vì nhu cầu cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Sau cái kết cục ở Afghanistan vừa rồi, ông Biden xem ra còn dùng AUKUS để thuyết phục các đồng minh tiếp tục tin tưởng ở Mỹ.

AUKUS cho thấy triết lý của ông Biden trong tiến hành cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện của Mỹ với Trung Quốc không phải là lập liên minh cố định với các đối tác cùng đối phó Trung Quốc mà gây dựng mạng lưới các cơ chế và cấp độ tập hợp lực lượng khác nhau bao gồm các đối tác trên thế giới giúp Mỹ có lợi thế tối đa và tối ưu trên mọi phương diện để nổi trội hơn hẳn Trung Quốc.

Thời gian sẽ cho thấy AUKUS có làm thay đổi cuộc chơi chính trị an ninh và địa chiến lược hiện tại ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không vì kết cục còn tùy thuộc vào việc ba bên thực hiện cụ thể. Sớm nhất thì cũng phải đến gần cuối thập niên tới Australia mới sở hữu chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên từ AUKUS.

Cho tới khi ấy còn có biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, biết bao nhiêu vật đổi và sao dời trên thế gian này, còn xảy ra biết bao nhiêu biến cố bất ngờ ở ba nước, ở Trung Quốc và khu vực.

Trước mắt, chỉ mới thấy có các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, trước hết là Pháp, hậm hực và Trung Quốc quan ngại sâu sắc cũng như nhiều nước trong khu vực khó xử.

Tác động chính trị và tâm lý hiện tại của việc AUKUS ra đời làm cho quan hệ giữa Mỹ và Anh với các đồng minh trong NATO bị trắc trở và quan hệ của bộ ba với Trung Quốc thêm gay cấn.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/australia-trang-bi-tau-ngam-hat-nhan-game-changer-hay-chuyen-thay-doi-cuoc-choi-158915.html