Australia tranh luận về khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Trong bối cảnh Australia đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liêu hóa thạch để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050, dư luận nước này lại bùng lên cuộc tranh luận về khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Australia đang có nhiều nỗ lực để thực hiện cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, trong đó phải kể đến việc từng bước đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than. Thực tế này khiến Australia phải đối mặt với khả năng thiếu điện và giá điện tăng cao nếu không tìm được giải pháp thay thế phù hợp.
Trong bối cảnh như vậy, lãnh đạo đảng Tự do đối lập nghị sỹ Peter Dutton đề xuất xây dựng các nhà máy điện hạt nhân sử dụng các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ để có thể sản xuất đủ điện với giá thành thấp. Nghị sỹ Peter Dutton cho biết, hiện trên thế giới có khoảng 50 quốc gia đang sử dụng và cân nhắc sử dụng công nghệ hạt nhân để làm giảm khí thải nhà kính, do đó Australia cũng cần tính toán đến khả năng này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Chris Bowen cho biết, nếu muốn thay thế các nhà máy điện than bằng điện hạt nhân, Australia sẽ cần tới khoảng 71 lò phản ứng cỡ nhỏ và toàn bộ kế hoạch này tiêu tốn khoảng 387 tỷ AUD. Cái giá cho việc thay thế này là vào năm 2030 người dân sẽ phải trả hơn 18.000 AUD cho 1 kW điện trong khi chi phí tương tự cho sử dụng điện mặt trời là hơn 1.000 AUD/kW và điện gió là gần 2.000 AUD/kW.
Không chỉ chi phí đắt đỏ, việc sử dụng điện hạt nhân còn đặt ra nhiều lo ngại về sự an toàn của các lò phản ứng cũng như việc xử lý rác thải hạt nhân.
Australia đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 82% nguồn điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo và nước này cũng dự tính chi khoảng 20 tỷ AUD để thúc đẩy kế hoạch trong đó có khoản chi lớn cho việc sửa chữa mạng lưới truyền tải điện cho phù hợp với dạng năng lượng mới.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, chính quyền do Công đảng lãnh đạo tại Australia không đề cập việc sử dụng điện hạt nhân. Australia hiện vẫn đang đặt nhiều tham vọng vào việc sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió hay hydrogen xanh để thay thế các dạng năng lượng hóa thạch.