Australia và Mỹ thúc đẩy hợp tác công nghệ hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS
Bắt đầu từ tháng 11/2023, Đại học Quốc gia Australia sẽ chủ trì dự án hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hạt nhân với Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ nhằm nâng cao năng lực đổi mới và quản lý an toàn hạt nhân cho Australia trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh 3 bên AUKUS.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ Australia, Đại học Quốc gia Australia (ANU) đang dẫn đầu các chương trình nghiên cứu và đào tạo vật lý hạt nhân lớn nhất của quốc gia và đóng vai trò then chốt trong nâng cao năng lực hạt nhân có chủ quyền cũng như triển khai những nội dung trọng điểm trong quan hệ đối tác khoa học công nghệ theo thỏa thuận AUKUS.
Chính vì vậy, sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, lãnh đạo hai bên đã nhất trí giao ANU và Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos (LANL), cơ quan nghiên cứu hạt nhân hàng đầu của Mỹ, phối hợp triển khai dự án hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hạt nhân giữa hai nước.
Theo Giáo sư Andrew Stuchbery, Trưởng khoa Vật lý Hạt nhân của ANU, ANU đang sở hữu một trong những cơ sở và chương trình khoa học hạt nhân sáng tạo nhất thế giới. Chính vì vậy, mối quan hệ hợp tác mới giữa ANU và LANL của Mỹ sẽ mang lại những bước tiến lớn trong khoa học hạt nhân và giúp nâng cao khả năng quản lý việc sử dụng an toàn các công nghệ hạt nhân tại Australia. Theo đó, các hoạt động hợp tác sẽ được tiến hành tại Cơ sở Máy gia tốc Ion nặng (HIAF) tại ANU, nơi dẫn đầu về khoa học hạt nhân ở Australia trong 50 năm qua.
Bên cạnh việc phục vụ AUKUS, hoạt động nghiên cứu sẽ giúp Australia nâng cao khả năng bảo vệ bền vững môi trường tự nhiên, hiểu rõ nguồn gốc của các trạng thái vật chất kỳ lạ và cả công nghê phóng tàu vũ trụ vào không gian, điện toán lượng tử cũng như phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ cho phép sinh viên thực hiện các dự án nghiên cứu và đào tạo thực hành về sử dụng an toàn khoa học và công nghệ hạt nhân, bao gồm các ứng dụng như mô phỏng và mô hình hóa bức xạ cũng như các liệu pháp điều trị ung thư.
Theo Tiến sĩ Thomas McGoram, Giám đốc điều hành của Cơ sở Máy gia tốc ion nặng và có trụ sở tại Trường Vật lý Nghiên cứu ANU, sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho Australia bằng cách nâng cao khả năng của ANU trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lực lượng lao động có trình độ hạt nhân, có tay nghề cao, một ưu tiên rõ ràng đối với AUKUS, nhưng cũng cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp lượng tử, y học hạt nhân, nghiên cứu khí hậu và môi trường, khoáng sản quan trọng và ngành công nghiệp vũ trụ của Australia.