Australia xây dựng nhà máy hydrogen lớn nhất từ trước đến nay
Australia hôm nay (16/9) vừa công bố khoản đầu tư hơn 47 triệu AUD cho việc xây dựng nhà máy hydrogen lớn nhất của nước này đặt tại bang Tây Australia.
Theo kế hoạch, nhà máy sẽ sản xuất 640 tấn hydrogen tái tạo mỗi năm để cung cấp cho nhà máy sản xuất ammoniac, một nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất phân bón nông nghiệp.
Cơ quan Năng lượng tái tạo Australia hôm nay công bố sẽ đóng góp 47,5 triệu AUD trong tổng số vốn đầu tư 87 triệu AUD để cùng với tập đoàn năng lượng ENGIE của Pháp xây dựng nhà máy sản xuất hydrogen sạch có tên là Yuri tại Pilbara, thuộc bang Tây Australia. Quá trình xây dựng nhà máy này sẽ được bắt đầu vào tháng 11/2022 và kết thúc vào năm 2024.
Nhà máy Yuri sẽ sử dụng một máy điện phân có công suất 10 MW chạy bằng năng lượng mặt trời và hệ thống pin lithium. Máy điện phân sẽ tách nước thành hydro và oxy. Hydro được tạo ra trong quá trình này có thể được dùng để phát điện, làm nhiên liệu cho ngành vận tải và nguyên liệu cho sản xuất ammoniac, chất phổ biến được sử dụng để sản xuất phân bón cho ngành nông nghiệp và hiện được sản xuất bằng cách sử dụng hydro có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Theo kế hoạch, nhà máy Yuri sẽ sản suất 640 tấn hydrogen tái tạo mỗi năm để dùng làm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất ammoniac ở gần đấy.
Ông Darren Miller, Gián đốc điều hành Cơ quan Năng lượng tái tạo Australia cho biết nhà máy Yuri thực sự là một dự án năng lượng tái tạo hoàn toàn và bền vững. Cho đến lúc này, đây cũng là dự án nhà máy hydrogen thuộc loại lớn nhất thế giới. Không chỉ quá trình vận hành tạo ra nguồn năng lượng sạch mà chế phẩm của hydrogen cũng sẽ được dùng để tạo ra phân bón khử carbon trong một chu trình khép kín hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch và bền vững.
Ông Miller cho hay, dự án này không những góp phần làm giảm mạnh việc sản sinh ra khí nhà kính tại Australia mà còn giúp nước này mở ra cơ hội xuất khẩu hydrogen sạch và những nguyên liệu không phát thải cho các quốc gia khác, góp phần đưa thế giới đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050./.