Avangard - vũ khí tấn công tối thượng của Nga
Phương tiện bay siêu vượt thanh Avangard với tốc độ gấp 27 lần vận tốc âm thanh cũng khả năng thay đổi quỹ đạo có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện tại và tương lai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trung đoàn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên được trang bị phương tiện bay siêu vượt thanh Avangard đã được vào trực chiến. Bộ Quốc phòng Nga không cho biết địa điểm triển khai Avangard, nhưng một số quan chức quân sự nói rằng có thể là vùng Urals.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu xác nhận phương tiện bay siêu vượt thanh Avangard đã được đưa vào sử dụng lúc 10 giờ (giờ Moscow) ngày 27/12, ông gọi đó là “sự kiện mang tính bước ngoặt”.
Lịch sử phát triển
Theo Global Security, Liên Xô bắt đầu nỗ lực phát triển đầu đạn siêu vượt thanh vào đầu những năm 1980. Tuy nhiên, do những khó khăn kỹ thuật, hạn chế về công nghệ vật liệu ở thời điểm đó, dự án bị đóng cửa.
Sau khi Liên Xô tan rã, dự án nhanh chóng rơi vào quên lãng. Đến giữa những năm 1990, nhà máy quốc phòng NPO Mashinostroeniya được cho là đã khôi phục chương trình với tên gọi Đề án 4202, hoặc Yu-71 và Yu-74.
Đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định Yu-71 và Yu-74 có phải là những chương trình phát triển vũ khí siêu vượt thanh khác, hay là những tên gọi ban đầu của Avangard. Một số chuyên gia quân sự cho rằng Yu-71 và Yu-74 có thể là những nguyên mẫu ban đầu của Avangard.
Quá trình phát triển được bảo mật thông tin rất chặt chẽ, thử nghiệm được cho là bắt đầu vào đầu những năm 2000. Tên gọi Avangarad xuất hiện công khai từ khoảng năm 2004. Người ta ước tính có khoảng 14 lần thử nghiệm được tiến hành trong giai đoạn 1990-2018.
Trong quá trình thử nghiệm, Avangarad được lắp trên đỉnh tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N (SS-19) để đưa đầu đạn vào không gian, sau đó nó quay trở lại Trái Đất và lướt trong khí quyển với tốc độ chóng mặt.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS), sự can thiệp của Nga vào nội chiến ở Ukraine vào năm 2014 đã làm gián đoạn sự phát triển của Avangard, vì Kiev là nhà cung cấp một hệ thống điều khiển và nhắm mục tiêu quan trọng cho chương trình.
Nga buộc phải khởi động chương trình phát triển thay thế dẫn đến chậm tiến độ. Trong một bài phát biểu vào năm 2018, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov thừa nhận những khó khăn trong việc phát triển vây kiểm soát và hệ thống che chắn nhiệt cho đầu đạn. Nhiệt độ bề mặt của Avangard khi bay ở tốc độ siêu vượt thanh có thể lên đến hơn 2.000 độ C.
Quá trình thử nghiệm Avangard bắt đầu được nối lại từ năm 2018. Tháng 12/2018, Nga lần đầu xác nhận thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt thanh Avangard từ căn cứ tên lửa Dombarovskiy ở vùng Urals, Avangard đánh trúng mục tiêu giả định ở Kura trên bán đảo Kamchatka cách vị trí phóng 6.000 km.
Mũi giáo xuyên thủng mọi lá chắn
Hiện tại, Avangard được lắp trên tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N, sau đó sẽ thay thế bằng ICBM hạng nặng RS-28 Sarmat khi nó được đưa vào hoạt động. Ban đầu, Nga dự định lắp Avangard trên ICBM di động RS-26 Rubezh, nhưng sau đó đã chọn Sarmat phóng từ silo, sau khi chương trình RS-26 bị trì hoãn.
Sau khi được tên lửa đẩy vào không gian ở độ cao khoảng 100 km, còn gọi là quỹ đạo phụ, Avangard sẽ tách khỏi thân tên lửa và quay trở lại Trái Đất. Không giống đầu đạn của ICBM bay theo quỹ đạo hình parabol, nên có thể dự đoán trước quỹ đạo bay để đánh chặn.
Nhưng với Avangard, nó không bay theo quỹ đạo cố định mà có thể cơ động thay đổi quỹ đạo nên rất khó để dự đoán trước đường bay của nó. Điều đó khiến việc đánh chặn trở nên rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Avangard bay với tốc độ gấp 27 lần vận tốc âm thanh (khoảng 9,2 km/s), với tốc độ siêu nhanh cũng khả năng cơ động, việc đánh chặn Avangard gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Tống thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng Avangard là vũ khí của tương lai, có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa hiện tại và tương lai. Việc đưa Avangard vào trực chiến lần đầu tiên đưa Nga vượt lên Mỹ trong việc phát triển vũ khí siêu vượt thanh.
Nhà phân tích quốc phòng Vladimir Tuchkov, người Nga, cho biết công nghệ tấn công của Avangard đã vượt xa công nghệ đánh chặn mà Mỹ đang triển khai, thậm chí vượt trước những gì mà các kỹ sư Mỹ có thể phát triển trong tương lai.
Avangard có chiều dài khoảng 5,4 m, trọng lượng khoảng 2 tấn, mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ khoảng 2 Mt. Avangard có tầm bắn khoảng 6.000 km.
Đến nay chưa có hình ảnh nào về Avangard được công bố. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đầu tháng 12, Nga đã giới thiệu Avangard cho nhóm thanh tra Mỹ, một phần trong các biện pháp minh bạch theo hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược Start giữa Mỹ và Nga.
Các quan chức Mỹ đã gấp rút đề xuất việc lắp đặt hệ thống cảm biến trong không gian để phát hiện sớm vụ phóng tên lửa của đối phương, đặc biệt là các tên lửa siêu vượt thanh. Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch phát triển giải pháp đánh chặn trong không gian, nơi Mỹ có thể đánh chặn tên lửa trong giai đoạn khởi động.
Lầu Năm Góc cũng đã phát triển công nghệ vũ khí siêu vượt thanh trong nhiều năm qua, nhưng vẫn trong giai đoạn phát triển. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, trong tháng 8 thừa nhận rằng “đó là vấn đề của một vài năm”, trước khi Mỹ có vũ khí siêu vượt thanh.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/avangard-vu-khi-tan-cong-toi-thuong-cua-nga-post1030344.html