Avenger - Kẻ báo thù lỗi hẹn của Không quân Mỹ

Máy bay không người lái Avenger được trang bị hệ thống điện tử, vũ khí mạnh mẽ hơn nhưng bị không quân từ chối do chưa tạo được sự đột phá so với Reaper.

Chương trình máy bay không người lái (UAV) Predator và Reaper do tập đoàn General Atomics sản xuất đã gặt hái được nhiều thành công. Tầm bay xa, vũ trang mạnh, cảm biến tinh vi, Reaper đã mở ra kỷ nguyên “những sát thủ không người lái”. Chúng trở thành công cụ đắc lực của Không quân Mỹ và Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) trong nhiệm vụ săn lùng – tiêu diệt khủng bố.

Giữa những năm 2000, Không quân Mỹ muốn một loại UAV mới vượt trội so với Reaper và có khả năng tàng hình để đột nhập những khu vực có mạng lưới phòng không mạnh. Tập đoàn General Atomics đã giới thiệu phiên bản nâng cấp từ MQ-9 Reaper. UAV mới được gọi là Avenger (Kẻ báo thù).

Avenger thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 4/4/2009. Đến tháng 7/2013, 3 mẫu UAV Avenger đã được chế tạo để thử nghiệm.

Bước đột phá về động cơ

Theo Airforce Technology, thiết kế khí động của Avenger tương tự Reaper với một số cải tiến. Cánh chính ở phần tiếp giáp với thân kéo dài về phía sau để tăng diện tích, tạo lực nâng tốt hơn. Bỏ cánh đuôi ổn định phía dưới trên phiên bản cũ.

Điểm cải tiến quan trọng nhất trên Avenger nằm ở phần động cơ. Máy bay sử dụng động cơ phản lực Pratt & Whitney Canada PW545B. Ống xả của động cơ được thiết kế kiểu chữ “S” để giảm tối đa mức độ bộc lộ hồng ngoại.

Động cơ mới giúp UAV đạt tốc độ tối đa 740 km/h, tốc độ hành trình 647 km/h, nhanh gần gấp đôi so với Reaper. Thời gian hoạt động liên tục 18 giờ, trần bay 15,2 km, phạm vi hoạt động 2.900 km.

UAV Avenger và các vũ khí có thể mang theo trưng bày tại một cuộc triển lãm. Ảnh: Hải quân Mỹ

UAV Avenger và các vũ khí có thể mang theo trưng bày tại một cuộc triển lãm. Ảnh: Hải quân Mỹ

Avenger có một khoang vũ khí bên trong thân để tăng khả năng tàng hình. Khoang chứa có thể chở tải trọng 1,6 tấn. Ngoài ra, nó có 6 điểm treo dưới cánh có thể mang theo 2,9 tấn vũ khí ở cấu hình không tàng hình.

Các loại vũ khí trang bị gồm tên lửa đa năng AGM-114 Hellfire, bom dẫn hướng laser Paveway III, bom thông minh JDAM, bom hàng không đường kính nhỏ GBU-38. Kẻ báo thù có thể được lắp vũ khí laser có công suất 150 kW trong tương lai.

Máy bay được trang bị radar khẩu độ tổng hợp tiên tiến Lynx. Hệ thống nhắm mục tiêu quang-điện (EOTS) tương tự phiên bản lắp trên tiêm kích tàng hình F-35. Avenger sử dụng hệ thống liên kết vệ tinh băng thông rộng. Trạm điều khiển mặt đất và thông tin liên lạc sử dụng chung với Reaper và Predator để tiết kiệm chi phí.

Đại diện nhà sản xuất cho biết, Avenger có khả năng kết nối với nhau thông qua vệ tinh để tạo nên một mạng lưới giúp nâng cao hiệu suất tác chiến. Tính năng tàng hình cho phép nó đột nhập vào những khu vực có phòng không dày đặc để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng.

Kỳ vọng bất thành

Tháng 12/2011, Không quân Mỹ quyết định mua một chiếc Avenger để đánh giá và tìm kiếm ứng viên thay thế cho MQ-9 Reaper trong vai trò “trinh sát – tấn công”. Chương trình được gọi là MQ-X. Không quân Mỹ muốn MQ-X phải có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, tính năng tàng hình để hoạt động bí mật, hệ thống điện tử tối tân và hỏa lực mạnh.

Avenger có chiều dài 13 m, sải cánh 20 m, trọng lượng cất cánh 8,2 tấn. Ảnh: General Atomics

Avenger có chiều dài 13 m, sải cánh 20 m, trọng lượng cất cánh 8,2 tấn. Ảnh: General Atomics

Qua những thông số kỹ thuật được nhà sản xuất giới thiệu, Avenger dường như đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra của chương trình MQ-X. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, Không quân Mỹ kết luận rằng, Avenger không có nhiều khác biệt so với Reaper.

Avenger vẫn sử dụng hệ thống điều khiển và liên lạc giống Reaper đồng nghĩa với việc nó không thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu. Hệ thống định vị toàn cầu GPS sử dụng trên Avenger giống các UAV trước đây nên chưa thể loại bỏ nguy cơ bị hack gây mất quyền điều khiển.

Ngoài ra, Avenger không thực sự là một UAV tàng hình, nó chỉ khó phát hiện hơn so với Reaper. Khả năng tàng hình của Avenger chưa đủ mạnh để có thể đột nhập những khu vực có mạng lưới phòng không dày đặc.

Tốc độ nhanh gần gấp đôi so với Reaper của Avenger không gây được ấn tượng với các nhà đánh giá của Không quân Mỹ. Trung tướng Larry James, Phó tham mưu trưởng phụ trách tình báo, giám sát của Không quân Mỹ từng nói với Defense News trong năm 2012 rằng: “Avenger chỉ có vài cải tiến nhỏ so với Reaper, tính năng của nó không thật sự ấn tượng”.

Năm 2014, Không quân Mỹ tuyên bố hủy chương trình MQ-X. Thay vào đó, không quân sẽ hợp tác với hải quân để phát triển máy bay không người lái tàng hình hoạt động trên tàu sân bay để sử dụng trong năm 2018.

Không quân Mỹ không tiếp nhận Avenger nhưng ủng hộ bán loại UAV tấn công này theo yêu cầu của Ấn Độ vào năm 2015. Ngoài ra, General Atomics cũng giới thiệu Avenger cho chương trình JUSTAS của Không quân Canada.

Quốc Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/avenger-ke-bao-thu-loi-hen-cua-khong-quan-my-post654447.html